Số liệu công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về việc đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2021 cho thấy đã có 199.166 nguyện vọng đăng ký vào nhóm ngành du lịch, khách sạn, dịch vụ cá nhân, trong đó 48.334 thí sinh lựa chọn nguyện vọng 1. Năm nay, có 24.036 chỉ tiêu cho nhóm ngành này.
Bộ GD-ĐT cho biết, nhận định từ số liệu tuyển sinh năm nay, có thể thấy cùng với nhóm ngành an ninh-quốc phòng; báo chí-thông tin, kinh doanh-quản lý; …nhóm ngành du lịch- dịch vụ vẫn đang lên ngôi, có sức hấp dẫn đối với các bạn trẻ.
Về mức độ cạnh tranh, khối ngành du lịch – dịch vụ đang đứng thứ tư những nhóm ngành có sự cạnh tranh trong xét tuyển mạnh nhất, trên tổng số 24 nhóm ngành. Dẫn đầu là nhóm ngành an ninh-quốc phòng; kinh doanh – quản lý; nghệ thuật. Tỷ lệ nguyện vọng 1/chỉ tiêu tuyển sinh của ngành du lịch – khách sạn – dịch vụ là 201,09%. Có 48.334 thí sinh lựa chọn nguyện vọng 1 ở nhóm ngành này.
Theo các chuyên gia nhận định, mặc dù đại dịch Covid-19 gây ra nhiều thiệt hại, tác động nặng nề đến nền kinh tế, mà trực tiếp và nặng nề nhất là lĩnh vực du lịch, tuy nhiên, đây chỉ là tạm thời và tiềm năng phát triển ngành du lịch, khách sạn…vẫn rất lớn.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 của Chính phủ đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, du lịch thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, đưa Việt Nam thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững. Tổng thu từ khách du lịch đạt từ 3.100 – 3.200 nghìn tỷ đồng (tương đương từ 130 – 135 tỷ USD), tăng trưởng bình quân từ 11-12%/năm, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt từ 15 – 17%; tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm…
Theo tư vấn từ các chuyên gia, yếu tố tiên quyết khi lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai đối với các bạn trẻ vẫn vẫn là căn cứ vào năng lực và sở thích cá nhân.