Nằm giữa dòng sông cha Krông Nô và miệng núi lửa Nâm B’lang thuộc xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông là cánh đồng rộng hàng nghìn ha màu mỡ. Cũng được biết đến là miền đất huyền thoại, truyền thuyết, sử thi bao bí ẩn đang chờ được khám phá.
Vùng núi lửa ly kỳ về miền huyền thoại
Hơn 9h sáng, mùa khô Tây Nguyên chịu nắng nóng gay gắt. Vượt qua dòng sông cha êm đềm chảy ngược, xa xa là miệng núi lửa Nâm B’lang có tọa độ địa lý (12.476250 vĩ độ bắc; 107.942730 kinh độ đông), hiện ra trước mắt là bức tranh xanh rì của đồng ruộng lúa đơm bông rộng hơn 400ha, ngạc nhiên nhất là một “cánh đồng lửa” đã tắt dưới chân núi Nâm B’lang toàn đá và đá bọt xám đen, không một nắm đất, mà vườn cây ăn quả như bơ, mít, vải, xoài … triễu quả, quả đu đủ to chín mộng làm mê hoặc lòng người. Đoàn chúng tôi đi qua làm xao động cả vùng đất vốn tĩnh lặng đến mênh mông bọt đá, tạo nên một nền văn hóa không trùng lặp với bất kỳ đâu, cùng nhiều bí ẩn mà bao người muốn được khám phá.
Dẫn đường chúng tôi là cán bộ phòng văn hóa cho hay: Vùng đất này chủ yếu là dân tộc thiểu số bản địa, người Ê đê và dân tộc M’nông preh. Sau này có nhiều người dân di cư vào sinh sống. Tây Nguyên xưa còn là vùng đất hoang sơ và cách biệt, các buôn làng và các tộc người ở cách xa nhau, khi mùa mưa kéo dài cả buôn làng thường tập trung lại trong một ngôi nhà dài, để rồi bên bếp lửa bập bùng và men say rượu cần, những đêm kể khan vẫn được cất lên thâu đêm, suốt sáng, người nghe vẫn tìm về để được đắm mình trong dòng sông ký ức. Những câu chuyện được ghép lại, sử thi ra đời như là sự khai thông dòng sông ký ức của con người thời xa xưa ấy.
Với truyền thuyết ly kỳ về quá trình khai hoang lập làng của tộc người M’nông preh vùng Buôn Choah tương truyền rằng, vào thời bấy giờ có một bộ tộc tên là Lao Bô (ma rừng) chuyên ăn thịt người, gặp người nam thì bắt về làm lính còn gặp phụ nữ thì ăn thịt, khiến cho phụ nữ trong vùng bị chúng ăn thịt gần hết. Bộ tộc Lao Bô rất sợ thần cây B’lang. Các vị thần B’lang cư ngụ nhiều nhất trên đỉnh núi, trước các cửa hang sẵn sàng che chở, bao bọc cho dân làng thoát khỏi sự lùng bắt của những con ma rừng này, cuộc sống của buôn làng chuyển hết vào trong hang có thần B’lang che chắn nên được bình yên. Từ đó, vị thế và uy tín của thần B’lang càng ngày càng lớn và càng thu phục được hầu hết muôn loài chim thú, cây cỏ và con người. Với ý nghĩa lịch sử đầy tính nhân văn được truyền tụng trong từng câu hát sử thi và trong những câu chuyện cổ đẫm màu huyền thoại, chứng kiến bao nhiêu đổi thay nhưng cây B’lang vẫn sinh tồn mạnh mẽ, nên những người dân sống ở vùng này rất tôn thờ. Hàng năm người dân M’nông preh tổ chức lễ hội B’lang lớn chưa từng có trong năm. Bên cạnh họ còn kể con cháu nghe có rất nhiều vị thần hùng mạnh trợ giúp, giữ cho buôn làng và chim muông cây cỏ có cuộc sống bình yên.
Vùng đất này còn dệt nên câu chuyện tình ngang trái, một đôi nam nữ là nàng A Tây và chàng A Yong. Tình yêu của họ bị cách trở do nhà cô gái quá nghèo, không có chiêng ché, trâu, bò để “bắt” chàng trai về làm chồng. Đau khổ, tuyệt vọng, hai người đã gieo mình xuống sông quyên sinh. Cô gái hóa thành dòng Krông Ana (Sông mẹ), chàng trai hóa thành dòng Krông Nô (Sông cha). Còn dòng sông Sêrêpốk chính là sự hòa quyện vĩnh hằng của mối tình thủy chung, son sắt.
Theo cán bộ văn hóa, sở văn hóa thể thao du lịch: Trên mảnh đất Tây Nguyên có nhiều huyền thoại, sử thi…có những truyền thuyết chỉ nằm trong phạm vi một vùng nhưng mang trong nó là linh hồn văn hóa của một tộc người. Đó cũng như một phương tiện truyền tải thuần phong, mỹ tục, bản sắc, phong tục tập quán tới những thế hệ mai sau.
Vùng đất cần lắm những chàng Đam San khám phá
Cách thành phố Buôn Ma Thuột hơn 35km, cách quốc lộ 14 gần 30km băng qua thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana, Đắk Lắk), xã Buôn Choah ngay phía bên kia sông là Sơn thủy hữu tình, sản vật phong phú, địa chất đặc thù, Đắk Lắk và Đắk Nông thực sự có trong tay những thế mạnh lớn để làm kinh tế du lịch, biến những yếu tố huyền thoại, sử thi, văn hóa chuyển thành giá trị kinh tế. Đắk Lắk và Đắk Nông cũng cần cố gắng để có sự tác hợp trong đầu tư, cho vùng núi lửa độc đáo, kỳ bí hòa vào sông nước trữ tình, tạo nên điểm đến về du lịch nông nghiệp, sinh thái, cộng đồng.
Ngồi nghỉ trưa dưới tán cây xoài rợp bóng mát bên dòng sông, từng cơn gió nhẹ thoảng qua làm xoa dịu cái nóng trên đường đi từ hang động gần miệng núi lửa Nâm B’lang về. Đoàn chúng tôi đang thả hồn tận hưởng, bổng tiếng nổ bành bạch của chiếc xà lang chở cát chạy qua ai cũng giật mình dõi mắt nhìn theo. Chị Nguyễn Thị Yên nhà sát vực sông ở thôn Thanh Sơn, xã Buôn Choah cho hay dòng sông vốn hiền hòa bao đời nay bỗng trở mình giận dữ, đổi dòng nuốt chửng hàng trăm hecta đất của dân, nhà đất chúng tôi sát vực sông nên cũng lo lắng.
Ông Lê Hoàng Cơ – Tổng giám đốc công ty TNHH đầu tư du lịch và thương mại Đam San cho biết: Trong chuyến đi này tôi đưa đoàn 45 bạn trẻ của công ty cổ phần tập đoàn Masan đi trải nghiệm, giới thiệu với các bạn về vùng đất, thiên nhiên, con người nơi đây. Song mong muốn lớn nhất là vì cộng đồng, chuyển đổi khai thác du lịch dòng sông thân thiện, tận dụng thiên nhiên ưu ái làm kinh tế dòng sông. Trả lại dòng sông vốn hiền hòa, yên bình của nó, dòng nước không bị vẩn đục nữa mà trở nên trong xanh.
Vùng đất nơi đây còn nhiều bí ẩn, đã thu hút chuyên gia thế giới đến khám phá, buôn choah được thiên nhiên ưu ái có đến 6 hang động nằm trong chuỗi hệ thống hang động núi lửa Chư Bluk dài nhất Đông Nam Á được công nhận “Công viên địa chất toàn cầu”. Với sự đa dạng sinh học, cùng nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, mỗi hang động mang vẻ đẹp khác nhau như: Hang mạo hiểm là C7 có dốc thẳng đứng từ miệng hang 16 m dài 1.066,5m đã được công nhận là đẹp và dài, lớn nhất Đông Nam Á; Hang tâm linh C61 với những dấu tích của người tiền sử đã được tìm thấy về 3 bộ hài cốt; Hang phổ thông là C3 có chiều dài 594,4m… Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông là điểm đến lí tưởng cho những ai thích khám phá và trải nghiệm. “Để Buôn Choah người bản địa có thêm thu nhập từ công việc hướng dẫn, đưa đoàn đi khám phá, giới thiệu mọi người biết được canh nông, thiên nhiên và nền văn hoá vùng đất này. Những người muốn tìm hiểu khám phá về hang động, con người, dòng sông còn nhiều bí ẩn. Tôi sẵn sàng đưa mọi người đến nếu có nhu cầu”, ông Cơ vui vẻ nói.
Chúng tôi ngồi trên du thuyền chạy dọc bờ sông nhìn ra cánh đồng lúa xanh mướt chị Yên trò chuyện, gia đình tôi có 2 ha lúa nước nếu làm trái vụ thu hoạch được 7 tấn /ha giống lúa ST24, mùa Đông Xuân chính vụ thì đạt khoản 10 tấn/ha lúa tươi, ngoài ra có 2 sào mít, sapoche, Dừa, xoài. Nuôi bò một đàn bò 10 nữa chưa trừ chi phí thu nhập một năm khoảng 300 triệu đồng. Trước đây giống lúa RVT cũng có năng suất nhưng không được giá bằng giống lúa ST24. “Giống lúa ST24 này được anh Thinh chủ tịch xã lặn lội xuống tỉnh sóc trăng đưa về thử nghiệm để bà con làm theo, qua bao nhiêu gian nan ST24 cho năng suất vượt trội, sau 4 năm thành lập hợp tác xã và xây dựng nhà máy nay thương hiệu gạo ST24 của xã đứng nhất tỉnh được cấp giấy chứng nhận Ocop 4 sao cuối năm 2020”, chị Yên háo hức.
Chủ tịch UBND xã Buôn Choah – Ông Nguyễn Văn Thinh cho biết, ruộng ở đây có hàm lượng khoáng chất cao do mưa xuống làm phong hóa lớp mặt đá núi lửa mắc ma. Đất đá ở đây được dân chơi cây cảnh gọi là “đá sống”, do có nhiều lỗ bọt, thấm và giữ nước, nên vừa chịu được hạn, vừa chống được úng. Ngoài ngô, đậu, cây hồ tiêu, cây nhãn, vải, cam, bưởi ở đây cũng sinh trưởng rất tốt, cho sản phẩm có hương vị đậm đà, tương lai vùng đất này có thể đưa thêm cây dược liệu vào trồng. Nếu được đầu tư thỏa đáng, đây sẽ là vùng nông nghiệp rất độc đáo, phù hợp để phát triển du lịch canh nông.