Ngày 30-8-2016, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 06/2016/NQ-HĐND về phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 – 2020. Đây là một trong những nghị quyết quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, từng bước đưa ngành kinh tế này phát triển tương xứng với tiềm năng lợi thế của địa phương. Để bảo đảm nghị quyết được triển khai thực hiện có hiệu quả cũng như nắm bắt khó khăn, tồn tại để đề xuất giải pháp phù hợp, năm 2018 Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đã tổ chức thực hiện giám sát chuyên đề đối với thực hiện nghị quyết này.
Du lịch trải nghiệm kết hợp với văn hóa tại Vườn Quốc gia Yok Đôn. |
Qua hoạt động giám sát cho thấy nhiều tồn tại như: chưa tăng cường liên kết và hợp tác phát triển với các tỉnh; thiếu sự quan tâm trong ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù. Công tác triển khai lập quy hoạch chi tiết một số khu du lịch, điểm du lịch chưa kịp thời; chưa phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Nguồn ngân sách nhà nước bố trí đầu tư phát triển du lịch còn thấp so với quy định tại các nghị quyết của HĐND tỉnh. Hạ tầng giao thông đến các tuyến, điểm du lịch chậm đầu tư, nâng cấp, sửa chữa. Du lịch văn hóa, với lợi thế là vùng đất có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống với nhiều nét văn hóa đặc sắc nhưng chưa quan tâm kết hợp bảo tồn với phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng…
Ngay sau đó, các giải pháp mà Ban Văn hóa – Xã hội HĐND đề xuất được UBND tỉnh tiếp thu, quan tâm chỉ đạo ngành văn hóa du lịch triển khai thực hiện như: tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 59, ngày 6-7-2012 về quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng 2030; Nghị quyết 16, ngày 14-12-2016 về sửa đổi bổ sung một số điều khoản của Nghị quyết 59; xem xét, trình HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với quy định Luật Du lịch năm 2017 và sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; tăng cường nguồn ngân sách tỉnh để đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, nước sạch, hệ thống điện chiếu sáng ở các khu, điểm du lịch tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh; có cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi để thu hút, kêu gọi sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp lớn và người dân vào phát triển du lịch; tăng cường liên kết với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên, vùng Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về du lịch của tỉnh; ưu tiên đầu tư phát triển các khu, điểm, tuyến du lịch, các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số, Vườn Quốc gia Yok Đôn, Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, hồ Lắk…
Những bước đi đổi mới
Theo đánh giá của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, không kể năm 2020 do đại dịch COVID-19 ảnh hưởng và tác động nghiêm trọng đến ngành du lịch của cả nước, trong đó có Đắk Lắk, giai đoạn 2016 – 2019, ngành du lịch của tỉnh có bước phát triển với tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân 11,36%. Tuy một số chỉ tiêu mà nhiệm kỳ không đạt so với mục tiêu của Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh đề ra nhưng các cấp ngành, địa phương đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của nghị quyết như: điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; lập quy hoạch chi tiết các khu du lịch, điểm du lịch để đầu tư và kêu gọi đầu tư nhằm khai thác tốt tài nguyên du lịch của tỉnh; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch và sản phẩm du lịch mới… Nhiều quy hoạch phát triển du lịch được phê duyệt đã tạo điều kiện để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư.
Giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở buôn Tơng Ju ở xã Ea Kao góp phần phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa tại địa phương. |
Ngành du lịch cần tập trung những giải pháp để bảo đảm các chính sách về thu hút đầu tư cũng như nghị quyết của HĐND tỉnh trong lĩnh vực này được triển khai thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, chiều sâu”.
Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội Phan Thị Như Thủy
|
Trong giai đoạn 2016 – 2020 có 15 dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của các tổ chức, cá nhân đã đi vào hoạt động có hiệu quả với tổng vốn đầu tư khoảng 1.259 tỷ đồng, bao gồm: 7 khu, điểm du lịch, nâng tổng số khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh lên 27 khu, điểm tham quan (so với giai đoạn 2012 – 2015 tăng 35% khu, điểm du lịch); 8 cơ sở lưu trú du lịch, nâng tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh lên 215 cơ sở (tăng 3,42% so với giai đoạn 2012 – 2015), có thể phục vụ hơn 9.000 lượt khách lưu trú cùng một thời điểm.
Hiện nay, có 16 dự án đầu tư du lịch đang được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh triển khai đầu tư và thực hiện các thủ tục đầu tư. Trong đó, 10 dự án đang trong quá trình thực hiện với tổng vốn đầu tư khoảng 3.123,81 tỷ đồng; 6 nhà đầu tư đang tiến hành khảo sát, lập hồ sơ đề xuất.
Bà Phan Thị Như Thủy, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh đánh giá: Sau gần 5 năm thực hiện nghị quyết, nhất là tập trung quyết liệt thực hiện các giải pháp được đề xuất sau kỳ giám sát của HĐND tỉnh, ngành du lịch đã không ngừng đổi mới, phát triển. Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk được kiện toàn từng bước khẳng định vai trò và đã kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Công tác tuyên truyền, quảng bá và kết nối phát triển du lịch với các tỉnh thành trong cả nước được tổ chức thường xuyên và chặt chẽ hơn. Du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số được chú trọng, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất của người dân đồng thời thay đổi nhận thức về sinh kế để giảm nghèo bền vững…