Báo cáo nêu rõ việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 và các chứng nhận về COVID-19 là yếu tố chính giúp khôi phục ngành du lịch, vốn được coi là “phao cứu sinh” của nhiều nước, đặc biệt là các quốc đảo nhỏ vốn phụ thuộc nặng nề vào ngành này để tạo việc làm. Thống kê cho thấy lượng khách quốc tế trong năm 2020 đã giảm 73% so với mức trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 hồi năm 2019, riêng lượng khách đến các nước đang phát triển giảm từ 60-80%.
Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili nêu rõ du lịch là phao cứu sinh cho hàng triệu người và việc thúc đẩy tiêm vaccine ngừa COVID-19 là để bảo vệ cộng đồng và hỗ trợ việc tái khởi động an toàn du lịch. Đây là các yếu tố quan trọng nhằm phục hồi việc làm và tạo ra các nguồn lực cần thiết.
Trên thực tế, việc bùng phát COVID-19 đã khiến lưu lượng đi lại bằng đường hàng không gần như bị đình trệ trong năm 2020, trong bối cảnh nhiều nước không cho phép việc đi lại không có mục đích thiết yếu. Điều này đã khiến ngành du lịch và các ngành liên quan thiệt hại khoảng 2.400 tỷ USD trong năm 2020. Báo cáo cảnh báo khoản thiệt hại tương tự có thể lặp lại trong năm nay và việc có thể giảm bớt hay không phụ thuộc nhiều vào việc phân phối vaccine.
Trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới vẫn không đồng đều, khi nhiều nước có tỷ lệ tiêm phòng lên tới 60% thì có nhiều nước tỷ lệ tiêm phòng đạt chưa đầy 1%, báo cáo cho rằng thiệt hại kinh tế hoàn toàn có thể tập trung ở những nước có tỷ lệ tiêm phòng thấp. Bên cạnh đó, dù ngành du lịch được dự báo phục hồi nhanh hơn tại các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao, trong đó có Mỹ, UNWTO vẫn cho rằng du lịch quốc tế khó có thể phục hồi như mức trước đại dịch cho đến năm 2023.