Bộ tiêu chí trên bao gồm 3 Bộ tiêu chí thành phần, đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động của cơ sở lưu trú du lịch; đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động của doanh nghiệp lữ hành và đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với điểm tham qua du lịch ngoài trời.
Theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động của cơ sở lưu trú du lịch, đối với người lao động làm việc lại các cơ sở lưu trú du lịch thì 100% nhân viên tại các bộ phận tiếp xúc khách lưu trú và người ngoài cơ sở đảm bảo tiêm đầy đủ các mũi tiêm ngừa COVID-19 với loại vắc xin đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng và đã qua 14 ngày tính từ mũi tiêm cuối hoặc đã hồi phục sau khi bị nhiễm SARS-CoV-2 (có xác nhận của cơ sở y tế hoặc có xác nhận đủ kháng thể theo quy định trong trường hợp cá nhân tự điều trị tại nhà).
100% người lao động làm việc tại các bộ phận còn lại của cơ sở đã tiêm 1 mũi ngừa COVID-19 với loại vắc xin có yêu cầu 2 mũi đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng và đã qua 14 ngày, có kết quả xét nghiệm định kỳ âm tính (có xác nhận theo hướng dẫn của Sở Y tế và được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử để cấp và gia hạn thẻ).
Du khách tham quan rừng ngập mặn Cần Giờ |
Người lao động chưa được tiêm vắc – xin chỉ được làm việc trực tuyến. Người lao động trực tiếp phục vụ khách lưu trú (lễ tân, nhà hàng,…) phải được xét nghiệm nhanh định kỳ 3 ngày/lần.
Khách lưu trú từ 18 tuổi trở lên, đảm bảo tiêm đầy đủ các mũi tiêm ngừa COVID-19 với loại vắc xin đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng và đã qua 14 ngày tính từ mũi tiêm cuối hoặc đã hồi phục sau khi bị nhiễm SARS-CoV-2 (có xác nhận của cơ sở y tế hoặc có xác nhận đủ khảng thể theo quy định trong trường hợp cá nhân tự điều trị tại nhà).
Khách lưu trú dưới 18 tuổi phải có giấy chứng nhận xét nghiệm nhanh âm tính SARS- CoV-2 trong vòng 48 giờ trước khi tham gia chương trình du lịch.
Toàn bộ người lao động, khách đến liên hệ và khách lưu trú phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm việc, tiếp xúc. Tất cả người lao động, khách đến liên hệ, khách lưu trú phải được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào cơ sở lưu trú làm việc hoặc sử dụng dịch vụ.
TPHCM khuyến khích các cơ sở lưu trú đo thân nhiệt hàng ngày cho khách lưu trú.
Về bố trí phòng lưu trú, các cơ sở bố trí từ 2 người trở lên/phòng đối với khách là một gia đình hoặc có cùng yếu tố dịch tễ. Các khách đi riêng lẻ, không cùng yếu tố dịch tễ phải ở khác phòng .
Cơ sở lưu trú chỉ phục vụ ăn uống theo hình thức mang đi đối với khách không lưu trú, khách lưu trú chỉ phục vụ ăn uống tại phòng.
Trường hợp tổ chức ăn uống tại khu vực nhà hàng cho khách lưu trú hoặc khách tham quan theo đoàn thể phải bố trí khu vực, vị trí ngồi riêng theo từng nhóm khách cùng yếu tố dịch tễ, khoảng cách ngồi giữa các nhóm khác yếu tố dịch tễ tối thiểu 2m, vị trí ngồi so le, không ngồi đối diện.
Các nhân viên phục vụ phải đeo khẩu trang và bao tay trong suốt quá trình thực hiện.
Cơ sở lưu trú bố trí ít nhất 1 phòng cách ly và 1 phòng chờ theo quy định của ngành y tế, có trang bị một số đồ bảo hộ cá nhân dự phòng (tối thiểu 3 bộ) cho nhân viên sử dụng khi cần.
Bên cạnh những yêu cầu đối với người lao động, khách du lịch, Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động của doanh nghiệp lữ hành còn đề cập, các điểm đến trong chương trình du lịch của doanh nghiệp lữ hành phải thuộc vùng xanh và đủ điều kiện hoạt động theo các tiêu chí an toàn chống dịch.
Số lượng khách trong mỗi chương trình phải đảm bảo theo đúng quy định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM về số lượng người tập trung nơi công cộng.
Toàn bộ khách du lịch, người lao động, khách đến liên hệ phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian du lịch, làm việc; đảm bảo khoảng cách 2 m tại trụ sở, nơi làm việc, giữa các nhóm khách không cùng yếu tố dịch tễ và được kiểm tra nhiệt độ trước khi vào đơn vị hay tham gia chương trình du lịch.
Hai huyện Cần Giờ, Củ Chi và quận 7 ở TPHCM được đánh giá là khu vực an toàn cao do đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 |
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành bố trí đường dây nóng, phân công nhân sự là đầu mối thông tin hỗ trợ khách, có danh sách, thông tin các cơ sở y tế gần nhất để hỗ trợ và xử lý các tình huống.
Số lượng khách tại điểm tham quan du lịch ngoài trời không quá 30% sức chứa của nơi lưu trú.
Trước khi vào đơn vị hay chương trình tham quan, toàn bộ người lao động, khách đến liên hệ, tham quan cần được kiểm tra thân nhiệt. Doanh nghiệp bố trí khu vực dự phòng làm điểm cách ly khách khi cần thiết, có trang bị một số đồ bảo hộ cá nhân dự phòng (tối thiểu 3 bộ) cho nhân viên sử dụng khi cần.
Ngày 19/9, hai tour du lịch tri ân đội ngũ y tế tuyến đầu được tăng cường cho TP.HCM phòng, chống dịch COVID-19, đã được tổ chức tại Cần Giờ và Củ Chi, mở đầu cho quá trình từng bước phục hồi kinh tế của TPHCM.
Trong ngày đầu tiên huyện Cần Giờ mở cửa lại du lịch, 119 du khách đại diện cho đội ngũ y tế tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19 được tăng cường từ nhiều địa phương về TPHCM. Họ đã trở thành những vị khách đầu tiên trong quá trình TP.HCM đang từng bước mở cửa, hồi phục dần kinh tế.
Đoàn khách được đưa đi tham quan khu rừng ngập mặn lớn nhất và cũng là lá phổi xanh của TPHCM, đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam nằm trong hệ thống các khu sinh quyển của thế giới.
Du khách được đi ca nô để chiêm ngưỡng cảnh quan sông nước kỳ thú, với hệ thống động, thực vật đặc trưng trong lõi rừng ngập mặn xanh mát, tham quan Lâm viên đảo khỉ Cần Giờ, Khu Căn cứ cách mạng rừng Sác.
Trong số những vị khách du lịch trên, có nhiều y-bác sĩ từ các tỉnh phía Bắc vào hỗ trợ cho TP.HCM. Đây là ngày nghỉ hiếm hoi, sau gần 3 tháng các y bác sĩ đã làm việc liên tục, không ngơi nghỉ. Có không ít người, lần đầu tiên vào TP.HCM và cũng là lần đầu mới biết rừng Sác – Cần Giờ và địa đạo Củ Chi.
Theo Sở Du lịch TPHCM, tour Cần Giờ là sản phẩm du lịch thí điểm, cũng là sản phẩm du lịch đầu tiên của TP.HCM trong thời điểm giãn cách xã hội.