Nhằm làm rõ ‘bức tranh’ của ngành du lịch sau gần 2 năm hứng chịu những tổn thất nặng nề chưa từng có trong lịch sử, gây ra bởi Covid-19, sáng 15/10, Báo Nhân Dân phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức buổi Tọa đàm theo chủ đề: ‘Du lịch thích ứng an toàn với Covid-19’.
Đúng 8 giờ 15 phút sáng 15/10, buổi tọa đàm bắt đầu tại Trụ sở Báo Nhân Dân.
Tọa đàm có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ông Đinh Như Hoan, Phó Tổng Biên tập báo Nhân Dân.
Tham gia và diễn giả tại tọa đàm gồm có các vị lãnh đạo, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch và y tế, đại diện các địa phương, doanh nghiệp:
– Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
– Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam
– Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch)
– Ông Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương
– Bà Đồng Thị Ngọc Ánh, Trưởng Ban Truyền thông Tập đoàn Sun Group
– Bà Trần Nguyện, Trưởng Ban Kinh doanh Khối Sun World (Tập đoàn Sun Group)
– Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoi Tourist
– Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours
– Bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng Giám đốc Vietravel
– Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group
– Ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch CLB Du lịch MICE, Giám đốc Vplus Vietnam
Lãnh đạo các Sở Du lịch Quảng Ninh, Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Lâm Đồng… sẽ tham gia buổi tọa đàm theo hình thức trực tuyến, giải đáp các câu hỏi đang được quan tâm.
Trong 60 năm hình thành và phát triển, chưa bao giờ ngành du lịch, ngành kinh tế tổng hợp, tạo sinh kế cho hàng triệu người lại lâm vào tình cảnh tiêu điều, khốn khó như hiện nay. Trong bối cảnh cả nước bước vào giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” nhằm thực hiện mục tiêu kép bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân song song với khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội, ngành du lịch đã có điều kiện cần để bắt đầu quá trình phục hồi.
Từ thực tiễn này, tọa đàm diễn ra theo hai phiên thảo luận chính, xoay quanh 5 nhóm nội dung: Khó khăn của ngành du lịch qua 4 lần bùng dịch Covid-19; Cơ hội, điều kiện và sự chuẩn bị cho mở cửa du lịch quốc tế; Vấn đề bảo đảm lao động du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch; Các điều kiện để bảo đảm kết nối, liên thông du lịch nội địa trong bối cảnh mới; Đề xuất những giải pháp để du lịch hồi phục và phát triển trong tình hình mới.
Tọa đàm trông đợi sẽ nhận được các ý kiến đóng góp thực chất từ các nhà quản lý, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, chung tay góp phần cho nỗ lực phục hồi ngành du lịch, tiếp tục hành trình đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước như Nghị quyết 08-NQ/TW (ngày 16/1/2017) của Bộ Chính trị đã đề ra.
08:40
Phát biểu của đồng chí Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh tặng hoa Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.
Thưa các quý vị,
Trước hết, tôi xin trân trọng cảm ơn đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các vị khách tham dự chương trình hôm nay.
Chúng ta đang ở trong thời điểm gần hết năm 2021, nhưng đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu ngừng các tác động vô cùng nặng nề tới mọi mặt của đời sống, kinh tế và xã hội gần hai năm qua. Du lịch và lữ hành được nhận định là một trong những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất.
Có thể nói, chưa khi nào ngành Du lịch và lữ hành chịu trải qua khó khăn như lúc này, đặc biệt đợt dịch bùng phát lần thứ 4 từ trước dịp nghỉ lễ 30/4, kéo dài đến nay đã khiến du lịch và lữ hành tê liệt.
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 114,5 nghìn lượt người, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch giảm 41%.
Sau thời gian dồn lực chống dịch bằng những biện pháp quyết liệt nhất, triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 lớn nhất trong lịch sử, tình hình dịch bệnh đã dần được kiểm soát. Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, Chính phủ đã xác định chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế.
Ngày 11/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” nhằm thực hiện mục tiêu kép bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân song song với khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.
Đây là cơ hội để du lịch và lữ hành được hoạt động trở lại, không chỉ với du lịch trong nước mà cả du lịch quốc tế.
Ngày 10/9, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc. Trước đó, kế hoạch thí điểm thu hút khách quốc tế đến Phú Quốc đã được Bộ Chính trị đồng ý tại Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó chủ trương nghiên cứu thí điểm sử dụng “hộ chiếu vaccine” với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc (Kiên Giang).
Đây thực sự là tín hiệu vui để ngành du lịch có thêm động lực phục hồi từng bước, nhanh chóng trở lại quỹ đạo phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần của NQ 08-NQ/TW của Bộ Chính trị công bố ngày 16/1/2017.
Thưa quý vị,
Trong nỗ lực chung của ngành Du lịch tái khởi động an toàn thích ứng với tình hình mới, có dấu ấn không nhỏ của báo chí và truyền thông. Tôi hy vọng buổi tọa đàm diễn ra ngay tại trụ sở Báo Nhân Dân hôm nay sẽ thu được những kết quả thiết thực, đóng góp vào nỗ lực chung đưa du lịch hoạt động trở lại an toàn trong trạng thái bình thường mới.
Một lần nữa, tôi xin cảm ơn các vị khách mời đã tham gia buổi tọa đàm trực tuyến hôm nay.
Xin chúc quý vị sức khỏe và chúc buổi tọa đàm thành công tốt đẹp!
08:50
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Kính thưa đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Kính thưa các đồng chí đại biểu khách quý.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phấn khởi được về dự buổi tọa đàm với chủ đề “Du lịch thích ứng an toàn với Covid-19” do Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức. Chúng tôi ý thức đầy đủ tọa đàm là nơi trình bày quan điểm, lắng nghe tiếng nói của hiệp hội, của nhà quản lý và qua đó chúng ta định hướng chính sách, ban hành các kế hoạch nhanh chóng phục hồi nền kinh tế. Chúng tôi đã giao trách nhiệm cho Tổng cục Du lịch, Thứ trưởng Bộ VHTTDL phụ trách chủ động phối hợp các cơ quan cùng tham mưu cho lãnh đạo bộ và tổ chức tọa đàm hôm nay đạt yêu cầu đề ra.
Thưa các đồng chí, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, tôi có mấy ý kiến sau:
Chúng ta cùng nhau nhìn lại sự tác động của Covid-19 với nền kinh tế nói chung và lĩnh vực du lịch nói riêng. Việc cung cấp cách nhìn tổng quát, chúng tôi muốn tiếp cận theo hướng mà chỉ khi đánh giá đúng thực trạng, chúng ta phân tích tình hình, dự báo đúng sẽ có kế hoạch đúng.
Thứ nhất, đại dịch Covid-19 tác động sâu sác tới nền kinh tế – xã hội không chỉ ở trong nước mà ở toàn cầu. Vì vậy, sự sụt giảm suy giảm kinh tế là điều không thể tránh khỏi ở bất kỳ quốc gia nào, kể cả quốc gia có bề dày về sự phát triển, có nguồn lực lớn. Đến thời điểm này chúng ta có tín hiệu vui khi dịch bệnh từng bước được kiểm soát và đẩy lùi.
Từ năm 2020 và 9 tháng 2021 du lịch bị tổn thất nặng nề. Có người nói rằng du lịch đã “chạm đáy”, có người nói rằng du lịch đã bắt đầu về lại con số 0, có người nói du lịch thật ảm đạm và khó để phục hồi. Ở góc độ tiếp cận nào đó cũng phù hợp với tình hình nhưng sâu xa hơn, chúng ta phải đi tìm căn nguyên, xem xét cả yếu tố chủ quan, khách quan và bình tĩnh nhìn nhận thế nào.
Có thể nói, dựa trên cơ sở khảo sát, các con số qua điều nghiên để thấy du lịch của chúng ta đã khó khăn lại càng khó khăn. Năm 2020, lượng khách quốc tế giảm 80% mà trước đó nhờ lượng khách quốc tế này đưa vị thế du lịch Việt Nam lên top đầu của châu Á. Năm 2021, chúng ta giảm đến 90% khách du lịch quốc tế (10% là chuyên gia, lao động kỹ thuật cao).
Về khách nội địa, năm 2020 có 85 triệu lượt khách nhưng sang năm 2021 chúng ta hầu như đóng băng. Quý 1, chúng ta có được một số lượng khách nhất định nhưng không bảo đảm thường xuyên.
Chúng ta phải tính toán đến một loại hình trong vấn đề du lịch là cơ sở lưu trú. Thường cơ sở lưu trú quyết định đóng góp cho toàn ngành, theo thống kê đóng góp 46-50% cho hoạt động du lịch thì 90% các cơ sở lưu trú đều phải đóng cửa và không hoạt động, công suất hoạt động phòng khách sạn không có, chỉ sử dụng 10% là tối thiểu.
Việc làm trong ngành bị đứt gãy do không có khách nên buộc phải cắt giảm lao động, buộc phải giãn cách dẫn tới người lao động không có việc làm. Các doanh nghiệp phải rút giấy phép, xin ngừng hoạt động liên tục tăng. Hiện chỉ còn lại một phần rất ít doanh nghiệp còn trụ vững, giữ thương hiệu để chờ thời điểm phục hồi.
Các số liệu giúp chúng tôi có nhận định như vậy và nhận định này phù hợp nhận định chung quốc tế. Họ nhận định, do tác động dịch bệnh Covid-19, du lịch rất khó để phục hồi. Phải đưa ra cảnh báo để có nhận thức đúng, nếu không chúng ta sẽ mơ về ngày như ngày xưa thì rất khó, chúng ta phải thích ứng với điều kiện mới. Chúng ta nên nghiên cứu dự báo để xác định hướng đi không toàn màu hồng, cũng không toàn màu xám xịt.
Thứ hai, từ nhìn nhận như vậy, cách tiếp cận tích cực nhìn lại để cùng tiến và vượt khó cần làm gì thời gian tới. Bộ VHTTDL đang được Chính phủ giao trách nhiệm tham mưu và cùng phối hợp các bộ, ngành xây dựng kế hoạch phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Trong đó, nhóm nhiệm vụ lĩnh vực về du lịch – dịch vụ là nhóm ưu tiên số 2 sau nhóm về tài chính và tín dụng. Vì vậy, chúng tôi đang tiếp cận theo hướng phải tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế chính phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam, phù hợp hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp phục hồi và phát triển du lịch.
Ở nhóm nhiệm vụ này, thời gian qua, Bộ VHTTHDL đã đề xuất và Chính phủ, Quốc hội chấp thuận: giảm tiền điện trong cơ sở lưu trú được áp dụng thời gian khá dài; Hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch, trợ cấp khó khăn cho họ khi phải chịu tác động du lịch được ban hành và thụ hưởng; Đề xuất giảm tiền ký quỹ du lịch cho các doanh nghiệp du lịch lữ hành sửa đổi theo Nghị định 168 giảm 80% nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nguồn lực của đất nước đang khó khăn. Nhìn ra tình hình chung thế giới, nhóm chính sách về tài khóa và tín dụng là ưu tiên hàng đầu để thực hiện nhiệm vụ phục hồi. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Vì vậy, Chính phủ giao cho Bộ Tài chính, ngành ngân hàng đề xuất các chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ. Theo đó Bộ VHTTDL cũng đồng kiến nghị xem xét để có gói tín dụng dành cho doanh nghiệp nói chung trong đó có doanh nghiệp du lịch. Tôi tin rằng, khi Chính phủ ban hành chính sách đó, thì các doanh nghiệp du lịch sẽ liệu cơm gắp mắm, vay thế nào, vay bao nhiêu để có thể phục hồi cần có chính sách và cách để quyết định của từng doanh nghiệp.
Ngoài ra, phải tập trung giải quyết vấn đề khó mà doanh nghiệp đang gặp phải là chính sách hỗ trợ để không bị đứt gãy nguồn lao động. Đây là yêu cầu có tính chất bắt buộc vì lực lượng lao động du lịch có tính đặc thù và chuyên biệt, được đào tạo và cấp thẻ hành nghề. Lực lượng lao động này đã bắt đầu bỏ nghề và chuyển sang lao động khác. Khi thị trưởng mở cửa lại, ngành du lịch hoạt động, tất nhiên có bộ phận trở lại, nhưng có bộ phận khác người ta chuyển hướng làm việc khác. Sự thiếu hụt này sẽ được bù đắp như thế nào. Chúng tôi đang đề xuất Chính phủ cùng Bộ LĐTBXH có chính sách hỗ trợ, đào tạo, tạo việc làm lại để không bị đứt gãy lao động trong doanh nghiệp du lịch.
Nhóm giải pháp chính sách để phục hồi kinh tế nói chung trong đó có du lịch, ở góc độ Bộ VHTTDL đang tiếp cận theo 2 hướng nêu trên.
Chiều qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao nhiệm vụ cho Bộ phải khẩn trương ban hành hướng dẫn về vấn đề du lịch thích ứng an toàn để có cơ sở triển khai thống nhất trên toàn quốc, không chỉ đơn lẻ ở từng tỉnh, được phép mở cửa thế nào, điều kiện an toàn ra sao, phương tiện giao thông phải được nhất quán. Hiện nay, chúng tôi đang gấp rút trình theo tinh thần Nghị quyết 128.
Ở góc độ quản lý nhà nước, phải tổ chức hội nghị hướng dẫn triển khai đưa thông điệp mạnh mẽ, nhất quán với doanh nghiệp và tăng cường kiểm tra giám sát hướng dẫn tổ chức với tinh thần tạo điều kiện tối đa nhất để doanh nghiệp được trở lại hoạt động du lịch, đóng góp tích cực vào kinh tế xã hội của từng địa phương góp phần cùng quốc gia mang lại giá trị kinh tế trong bối cảnh chúng ta đang khó khăn.
Trong lĩnh vực chỉ đạo quản lý, là phải tập trung nghiên cứu lựa chọn một số công việc có tính chất trọng tâm và nhất là định hướng để chuyển đổi. Đại dịch Covid-19 không chỉ tác động kinh tế mà còn tác động tâm lý, tình cảm, sở thích nguyện vọng.
Qua khảo sát sơ bộ, tâm lý người đi du lịch có sự thay đổi. Nếu trước đây, khách đi theo nhóm đông tour lớn thì nay đi theo nhóm nhỏ, gia đình. Bộ đang đề nghị các tỉnh, thành phố cố gắng làm mới, khu trú lại sản phẩm du lịch địa phương theo tinh thần 1 tỉnh phải có 1 sản phẩm du lịch tiêu biểu và kết nối an toàn cho du khách lựa chọn sản phẩm du lịch. Sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách sau đại dịch: nhóm nhỏ, an toàn, trọn gói; hướng về di tích, danh lam.
Như vậy, chúng tôi muốn cung cấp 2 thông tin tại tọa đàm: Một là, nhìn lại đánh giá thực trạng du lịch thời gian qua và một số nhóm giải pháp lớn của Bộ VHTTDL với tư cách cơ quản quản lý nhà nước, còn sự sáng tạo phụ thuộc vào các tập đoàn, doanh nghiệp. Không ai làm thay cho cộng đồng doanh nhân vì họ có chiều sâu trong thiết kế và khai thác thế mạnh của khách hàng. Cơ quan quản lý chỉ hướng dẫn định hướng. Chúng ta cùng đi và cùng đến đích phục hồi kinh tế du lịch.
Chúng tôi trân trọng những ý tưởng sáng tạo của Báo Nhân Dân về vấn đề tổ chức tọa đàm để chúng tôi lắng nghe thêm nhiều ý kiến trong vấn đề hoạch định chính sách và tham mưu hoạch chính sách trong công tác chỉ đạo. Một lần nữa, chúng tôi bày tỏ sự cảm ơn sự phối hợp trách nhiệm này và chúc các đồng chí đại biểu, khách mời và bạn đọc sức khỏe, hạnh phúc.
09:10
Xin các khách mời cho biết, từ góc nhìn của mình, các ông thấy sau gần 2 năm xuất hiện dịch Covid-19 bức tranh của ngành Du lịch hiện nay thế nào? Trước tiên xin được lắng nghe ý kiến của Thứ trưởng Đoàn Văn Việt?
Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt
Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt: Hai năm qua, cũng đặt ra nhiều vấn đề, nội dung về những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với ngành du lịch. Có thể thấy nếu so sánh với giai đoạn 2015-2019 – thời kỳ hoàng kim, là giai đoạn tăng trưởng du lịch trên 2 con số, thậm chí 21-23%, số rất đẹp. Khi chỉ đạo du lịch ở các địa phương, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đều hòi lả tăng trưởng du lịch là bao nhiêu, khách nước ngoài tỷ trọng là bao nhiêu. Tăng trưởng gần như là một tiêu chí đánh giá sự hấp dẫn của địa phương. Chính vì vậy, nó tạo ra động lực, đem lại hiệu quả kinh tế, và các địa phương gần như rất quan tâm, khai thác nhiều nguồn lực của mình, và bằng sự quyết tâm của địa phương và nhiều chính sách, phối hợp với các bộ ngành để xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch. Như vậy, những kết quả đó rất đầy đủ và ai cũng thấy được, các địa phương từ miền núi tới đồng bằng, và nhất là các địa phương gắn với kinh tế biển.
Đó là những hình ảnh rất đẹp và những đóng góp rất hiệu quả vào GDP, tơí9,2%. Nhưng đến năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và có những tác động đến nền kinh tế toàn cầu, các vấn đề xảy ra chúng ta đều thấy, tôi xin không nhắc lại nữa. Sự ảm đạm, khó khăn của du lịch, đặc biệt là khó khăn đối với lao động, những con số cụ thể chúng ta đều đã biết, để thấy rằng những ảnh hưởng là vô cùng nghiêm trọng.
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, số du khách của năm 2020 giảm tới 97%. Chính vì vậy, các doanh nghiệp hoạt động du lịch gần như tê liệt. Người lao động rời doanh nghiệp ra đi. Nếu có, tỷ lệ này cũng khoảng 50%, còn lại chỉ mang tính chất chế độ chính sách để duy trì nguồn lao động, đặc biệt là đội ngũ có tay nghề.
Trong tình hình chung như vậy, Đảng, Nhà nước và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã cố gắng tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc về chính sách, từ thuế, tiền điện, tiền thuế đất, đặc biệt là hiệu quả của Nghị quyết 68 liên quan đến chính sách đối với người lao động, trong đó có hướng dẫn viên. Những chính sách đó cùng với những tháo gỡ chung của cả nước đã góp phần giảm bớt khó khăn cho người lao động cũng như người sử dụng lao động trong thời gian vừa qua. Những chính sách này thể hiện sự quan tâm khích lệ, động viên. Thực tế, các doanh nghiệp nếu không phải là doanh nghiệp lớn, có tiềm năng, thế mạnh liên kết được đa ngành thì rất khó. Đó là sự quan tâm và triển khai trong thời gian vừa qua.
Trong thời gian tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có những kế hoạch chủ động mang tính chất phục hồi, kích hoạt, kích cầu. Các địa phương cũng như các doanh nghiệp cũng đã có sự chủ động, năng động, đã triển khai được bước đầu. Quan điểm hiện nay là, trước tình hình khó kahưn như thế này, lối đi ban đầu là trong nội tỉnh, thứ hai là trong nước để khai thác dòng khách nội địa, mang tinh thần khởi động, chuẩn bị để có thể mở rộng du lịch khi chúng ta kiểm soát được dịch theo tinh thần Nghị quyết 128 vừa qua.
Cũng trong dòng chủ động như thế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất và được phép mở cửa thí điểm Phú Quốc. Ban đầu dự định là tháng 10, nhưng với tình hình hiện nay có lẽ tháng 11 mới mở cửa được khi chúng ta đã tiêm xong mũi 2.
Đồng thời với thí điểm của Phú Quốc, hiện nay nhiều địa phương đã chủ động, như Quảng Ninh, Quảng Nam, Khánh Hòa. Chúng ta thí điểm ở Phú Quốc, nhưng đồng thời cũng mở rộng cơ hội để các địa phương chủ động khi họ có điều kiện.
Xuyên suốt quá trình này, có một nội dung mà Bộ trưởng đã nói: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải ban hành những quy định chung để triển khai Nghị quyết 128 ngày 11/10 vừa rồi … Đây chính là những nội dung, tiêu chí để các doanh nghiệp, các địa phương triển khai các nội dung liên quan đến việc phục hồi, khôi phục và kích hoạt lại du lịch trong thời gian tới.