Lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn Đắk Lắk được xem là tài nguyên quý báu, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển du lịch, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Từ nhận thức ấy, ngành văn hóa đã phối hợp với chính quyền các cấp nỗ lực khảo sát, nghiên cứu và phục dựng nhiều lễ hội đặc sắc, tiêu biểu của các dân tộc nhằm phục vụ mục tiêu trên.
Trong các loại hình di sản văn hóa phi vật thể được định danh, thì lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc ở đây được xem là một loại hình di sản tiêu biểu, nổi bật với các giá trị được tuyên bố và phổ quát – đó là một thực hành (sinh hoạt) tín ngưỡng, tâm linh thể hiện tính cố kết sức mạnh cộng đồng; thể hiện rõ tâm tư, tình cảm, cách hành xử của mỗi thành viên với cộng đồng và môi trường cư trú.
Lễ hội của… diễn viên!
Với giá trị và chức năng quan trọng ấy, lễ hội truyền thống của các tộc người tại chỗ rất cần được bảo tồn và phát huy. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên thì sự thay đổi tín ngưỡng cùng với phương thức canh tác hiện nay đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của cư dân cộng đồng các dân tộc thiểu số trong việc gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa cổ truyền của họ, đặc biệt là lễ hội.
PGS-TS. Tuyết Nhung Buôn Krông (Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Tây Nguyên) thừa nhận: Hiện không còn, hoặc còn rất ít lễ hội được bà con tự thân tổ chức một cách đúng nghĩa trong các buôn/bon/ làng. Thực tế cho thấy hầu hết lễ hội ở đây được các “ông bầu” đứng ra tài trợ tổ chức, dẫn dắt theo ý muốn của họ vì những mục đích, động cơ khác nhau khiến việc thực hành văn hóa này mất đi ý nghĩa, vì thiếu chân thật.
Diễn tấu cồng chiêng tại Trung tâm Du lịch sinh thái Bản Đôn. |
Thời gian qua, có không ít lễ hội được các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp làm du lịch tái hiện một cách tùy tiện, sai lệch nhằm phục vụ khách du lịch như “thực đơn” thời thượng để tìm kiếm lợi nhuận. Ví như “Lễ hội múa lửa” được một số điểm du lịch văn hóa – sinh thái trên địa bàn các huyện Buôn Đôn, Lắk, Krông Ana và TP. Buôn Ma Thuột tổ chức như sản phẩm du lịch lạ lẫm để câu khách.
“Phải khẳng định rằng, tất thảy lễ hội truyền thống của các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đều đặt yếu tố cộng đồng lên hàng đầu. Cộng đồng nào thì chủ thể của lễ hội đó, nếu không tôn trọng điều này thì văn hóa thực hành lễ hội không còn ý nghĩa”. PGS-TS. Tuyết Nhung Buôn Krông – Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Tây Nguyên
|
Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân (nguyên Trưởng Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk) – người đã từng tham gia soạn “kịch bản” cho lễ hội này tại một số khu/điểm du lịch thổ lộ: Trong lễ hội hoàn toàn vắng bóng thành viên của cộng đồng, chỉ có diễn viên (là đội văn nghệ chuyên múa hát phục vụ du khách) được đơn vị kinh doanh du lịch ở đây thuê đến tham gia. Và dĩ nhiên, một khi vì mục đích thương mại thì người ta sẵn sàng gạt bỏ những yếu tố văn hóa, tâm linh giàu ý nghĩa chứa đựng trong đó, để tập trung khai thác phần nổi nhằm thỏa mãn nhu cầu của du khách.
“Đời sống mới” cho lễ hội
Theo PGS-TS. Tuyết Nhung Buôn Krông, trong hệ thống lễ hội (tâm linh cũng như mùa vụ nông nghiệp) của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên không có lễ hội nào gọi là “múa lửa”, nhưng doanh nghiệp làm du lịch vẫn đưa vào phục vụ du khách dưới vỏ bọc “sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù”.
Thực tế cho thấy tại hầu hết khu/điểm du lịch văn hóa – sinh thái trên địa bàn Đắk Lắk, lễ hội truyền thống của bà con được các “ông bầu” khai thác theo chiều hướng tiêu cực trên. Trong đó múa lửa kết hợp với đánh cồng chiêng là phần không thể thiếu, thậm chí họ còn cho đây là “đặc sản” của loại hình du lịch này.
Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân cho rằng, thực chất đó là buổi trình diễn nghệ thuật thuần túy, chứ không thể gọi là lễ hội. Chẳng qua, trong từng thời điểm diễn ra hoạt động du lịch sôi nổi, thu hút nhiều du khách đến đây, các doanh nghiệp làm du lịch đem ra để kinh doanh, biến chủ thể vốn văn hóa ấy thành “diễn viên” sắm vai như ý đồ của “đạo diễn” mong muốn.
Buôn Đôn vào hội. Ảnh: Bảo Hưng |
Qua tìm hiểu, lắng nghe từ nhiều người có tâm huyết với vấn đề trên, một số ý kiến cho rằng lễ hội nói riêng và các giá trị văn hóa truyền thống nói chung của các dân tộc ở đây đã có một đời sống mới, hay nói cách khác nó đã bước ra khỏi “môi trường thiêng” để hòa nhập và phát triển với những giá trị mới, tương thích cùng đời sống đương đại.
Song, cũng phải nghiêm túc nhìn nhận rằng, bước chuyển biến có tính chất áp đặt ấy đối với lễ hội truyền thống trong việc khai thác, phát huy để phục vụ cho hoạt động du lịch trên địa bàn Đắk Lắk hiện nay dường như đã đi chệch “quỹ đạo”, dễ khiến cho du khách, bạn bè trong nước và quốc tế cái nhìn sai lệch về bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số tại chỗ. Mượn lễ hội để kinh doanh và không ít doanh nghiệp vào vai “ông bầu” đứng ra đạo diễn tại một số tụ điểm văn hóa, khu du lịch đang là một thách thức đặt ra cho cơ quan quản lý văn hóa hiện nay.
(Còn nữa)
Kỳ 2: Liên kết bền chặt với cộng đồng