Cùng với truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời của Tây Nguyên, Đắk Lắk có nhiều tài nguyên văn hóa đặc sắc, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của văn hóa Việt Nam.
49 dân tộc anh em ở Đắk Lắk đã góp phần hình thành nên ba hệ thống văn hóa chính thống: văn hóa của các dân tộc Trường Sơn – Tây Nguyên; văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc; văn hóa của người Việt, mang đậm sắc thái ba miền Bắc, Trung, Nam.
Trong thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn tỉnh bằng đề án cụ thể. Toàn tỉnh hiện có 38 di tích đã được xếp hạng (2 di tích Quốc gia đặc biệt, 17 di tích cấp quốc gia, 19 di tích cấp tỉnh) và hơn 30 di tích tiềm năng.
Nhiều di tích phát huy tốt vai trò giáo dục văn hóa, lịch sử như: Đình Lạc Giao, Di tích lịch sử văn hóa số 4 Nguyễn Du (Biệt điện Bảo Đại) nằm trong khuôn viên Bảo tàng Đắk Lắk; và đặc biệt là Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột.
Hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng được chú trọng với việc triển khai nghị quyết chuyên đề về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng theo từng giai đoạn. Nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với văn hóa cồng chiêng được phục dựng; tổ chức nhiều ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc, các cuộc liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc định kỳ; tích cực giao lưu văn hóa trong nước và quốc tế. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng.
Nhịp chiêng buôn Ako Dhông (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hữu Hùng |
Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ tỉnh đã xác định nhiệm vụ thứ tư rất quan trọng về văn hóa, đó là “Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số”.
Tỉnh xác định tập trung phát triển du lịch, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng. Triển khai hiệu quả Nghị quyết về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2022 – 2025; bảo vệ các di sản văn hóa; phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Hoàn thành quy hoạch, trùng tu, tôn tạo Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột, Di tích Quốc gia Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 – 1975) tại huyện Krông Bông, Di tích lịch sử Quốc gia Sở Chỉ huy – nơi công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 3 tại huyện Ea H’leo. Tiếp tục tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột định kỳ, hướng đến hiện thực hóa mục tiêu “Đắk Lắk là điểm đến của cà phê thế giới”.
Muốn thực hiện tốt các nhiệm vụ này, thiết nghĩ tỉnh Đắk Lắk cần làm tốt công tác quy hoạch và triển khai quy hoạch văn hóa. Quy hoạch văn hóa đến năm 2020 của tỉnh được phê duyệt trước đây có nhiều nội dung không thể thực hiện được, cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp thực tiễn.
Niềm vui thu hoạch cà phê. Ảnh: Bảo Hưng |
Để đạt mục tiêu xây dựng tỉnh Đắk Lắk từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên thì không thể thiếu những thiết chế văn hóa lớn, thật sự chất lượng phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã cho chủ trương nghiên cứu, thiết kế lại công trình Khu Trung tâm Văn hóa tỉnh theo hướng xây dựng mới kết nối với kiến trúc, thẩm mỹ của các công trình khu vực xung quanh; kiến trúc vừa hiện đại, vừa mang bản sắc văn hóa địa phương; mở rộng mặt bằng không gian phía ngoài, ưu tiên việc trồng cây xanh và các hạng mục phục vụ sinh hoạt cộng đồng ngoài trời. Bên cạnh đó, thời gian tới, ngành văn hóa, thể thao và du lịch sẽ tham mưu nâng cấp Đoàn Ca múa dân tộc của tỉnh hiện nay thành Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc hoặc Nhà hát Đam San…
Ngoài Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Ngày hội Văn hóa các dân tộc Đắk Lắk vừa được UBND tỉnh phê duyệt đề án tổ chức, cấp tỉnh định kỳ 5 năm/lần, bắt đầu từ năm 2023. Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân, nguyên Trưởng Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk cho rằng, cấp huyện nên tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc định kỳ 2 năm/lần để các dân tộc trên địa bàn tỉnh có cơ hội giao lưu, gặp gỡ, thể hiện các sắc màu văn hóa của dân tộc mình, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Trong phát triển văn hóa, một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa. Với bề dày và sự đa dạng về văn hóa, Đắk Lắk phải là nơi hội tụ các nghệ nhân dân gian, các nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp nhằm đảm bảo tính kế thừa và phát huy, mà các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú hiện có phải là nòng cốt trong các hoạt động trao truyền. Cần đào tạo, bồi dưỡng những nhà nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa để kịp thời tham vấn cho tỉnh, cho ngành những đề xuất mang tính chiến lược. Về đội ngũ công chức, viên chức của ngành văn hóa, cần tinh gọn và đảm bảo tính chuyên sâu, phù hợp vị trí việc làm; đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ trực tiếp chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII đã nêu rõ: “Khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý trung tâm vùng Tây Nguyên để thành động lực phát triển của tỉnh trong thời gian tới”. |
Cùng với đó, cần xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách động viên mạnh mẽ cho các nghệ nhân, nghệ sĩ của tỉnh để họ có những đóng góp tích cực hơn cho sự nghiệp phát triển văn hóa. Ngoài Đề án bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 hay Nghị quyết về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng 2022 – 2025 đang chuẩn bị được phê duyệt, cần nghiên cứu xây dựng và ban hành nghị quyết về chế độ, chính sách cho đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân trên địa bàn tỉnh với những quy định hết sức cụ thể, thỏa đáng, giúp họ có động lực và chuyên tâm vào việc phát huy các giá trị văn hóa.
Cần tích cực xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nhất là văn hóa cà phê. Những kỳ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột gần đây với kinh phí hàng chục tỷ đồng đều được tỉnh cố gắng vận động xã hội hóa chứ không sử dụng ngân sách nhà nước; hay công trình Nhà dài Êđê, một điểm nhấn văn hóa đang được xây dựng trong khuôn viên Bảo tàng Đắk Lắk có 5/6,7 tỷ đồng từ nguồn vận động doanh nghiệp hỗ trợ… Các mô hình xã hội hóa văn hóa cần phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cần có thêm những Troh Bưh, Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột, Bảo tàng Thế giới Cà phê, Ngôi nhà Chóe Đại Ngàn hay các bảo tàng tư nhân khác… Việc tạo điều kiện thông thoáng để thu hút đầu tư du lịch sẽ là yếu tố quan trọng để phát triển văn hóa.
Cùng với những vốn quý sẵn có, Đắk Lắk nên chú trọng phát triển văn hóa voi, văn hóa cà phê để khai thác “mỏ vàng” cho du lịch. Phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện nay phải dựa trên công nghệ tiên tiến, khai thác tối đa yếu tố kinh tế của những giá trị văn hóa các dân tộc phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, gắn liền với quảng bá hình ảnh và con người Đắk Lắk đến với bạn bè trong và ngoài nước.
Dưới chân thác Drai Hlong (huyện Cư M’gar). Ảnh: Hữu Hùng |
Vở ca kịch “Khát vọng Đam San”, kết tinh nghệ thuật 40 năm nhạc sĩ Nguyễn Cường đến với cao nguyên, đến với Đắk Lắk, hiện sắp được nghiệm thu để trở thành một sản phẩm văn hóa – du lịch độc đáo, đặc sắc của Đắk Lắk, tầm vóc giống như vở “Tinh hoa Bắc Bộ” ngoài chùa Thầy (Hà Nội) hay vở “Ký ức Hội An” ở Quảng Nam… Khát vọng ấy chính là khát vọng về tinh thần đại đoàn kết, tinh thần vì cộng đồng, khát vọng để Đắk Lắk vươn lên vững vàng cùng cả nước. Hy vọng rằng, với các giải pháp đồng bộ sẽ sớm đạt mục tiêu “Đến năm 2025, xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.
Đặng Gia Duẩn
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch