Tây Nguyên bao la, hùng vĩ có rất nhiều những dãy núi cao. Phía bắc của cao nguyên Gia Lai – Kon Tum có dãy Ngọc Linh quanh năm vời vợi mây trắng; phía nam thuộc tỉnh Lâm Đồng có ngọn Lang Bian mờ ảo với suối nguồn, thông xanh. Nằm giữa hai sơn hệ trùng điệp này là một dãy núi hùng vĩ không kém: Chư Yang Sin – tên của dãy núi và cũng là tên một ngọn núi cao nhất ở phía nam cao nguyên, xấp xỉ 2.500 m.
Với diện tích vào khoảng 59.000 ha, tính cả vùng đệm lên đến hơn 183.000 ha, Chư Yang Sin từ lâu đã trở thành mái nhà che chở và là nguồn sống đối với đồng bào các dân tộc bản địa chủ yếu là người M’nông và Êđê. Với người M’nông chẳng hạn, họ đã từng gọi dân tộc mình là Phii Brée – dịch sát nghĩa theo tiếng M’nông nghĩa là “Những con người của rừng”.
Bà H’Srá ở buôn Sa Luk (xã Krông Nô, huyện Lắk) trải lòng với chúng tôi: “Thời cha ông đã gọi như thế rồi. Gọi như thế bởi vì người M’nông quanh năm sống giữa rừng, cái ăn cái mặc đều lấy từ rừng. Không có rừng thì chẳng có nhà để ở, chẳng có đất để làm rẫy, cũng không có cái lá để làm men rượu. Ngày xưa ông bà đã sống như thế, ngày nay con cháu cũng vậy thôi. Nhiều cái không còn giống xưa nhưng chúng tôi vẫn quen sống ở rừng, xa rừng thì không hiểu được chúng tôi sẽ ra sao”.
Có thể nói, Chư Yang Sin là kho báu tài nguyên quốc gia. Theo các nhà lâm sinh thì sơn hệ này rất điển hình cho kiểu hình rừng phía cực nam dãy Trường Sơn. Đa dạng nhất là thảm thực vật phân bố theo từng độ cao khác nhau và giữ được vẻ hoang sơ hiếm có ở Việt Nam.
Dưới độ cao 800 m, kiểu hình rừng chủ yếu ở đây là rừng nửa rụng lá, bán thường xanh với các loài cây tiêu biểu như bằng lăng, ổi, chiêu liêu, sao đen và các loài cây họ dầu. Trên độ cao hơn 800 m là kiểu hình rừng thường xanh nổi trội với các loài như dẻ, họ long não. Ngoài ra, chỉ một ít loài cây lá kim như thông Đà Lạt, thông hai lá dẹt, thông ba lá hay pơ mu chỉ tồn tại ở những nơi cao nhất của Chư Yang Sin.
Một cây pơ mu đại thụ trong Vườn Quốc gia Chư Yang Sin. Ảnh: Vạn Tiếp |
Với sự giàu có tài nguyên rừng, Chư Yang Sin như mái nhà xanh giữ nguồn nước quanh năm cho vùng đất phía nam cao nguyên. Theo đó, đường phân thủy ở dãy núi này đã chia nước sang hai phía tạo thành hai dòng sông khác nhau. Phía hồ Lắk là nơi đầu nguồn dòng Krông Ana quanh năm đầy ắp nước, chảy miên man qua các thung lũng. Phía giáp Lâm Đồng, với đặc trưng địa hình đồi núi nên những thác nước đầu nguồn đã hợp lưu tạo thành dòng Krông Nô lắm ghềnh thác, đặc biệt vào mùa mưa lũ.
Hệ thống các thác Dray Sap và Dray Nur hùng vĩ này chính là nơi hợp lưu hai dòng sông Krông Ana và Krông Nô. Từ đây sông Sêrêpốk hình thành và chảy về phía tây sang nước bạn Campuchia. Nhìn từ góc độ địa văn hóa, sông Sêrêpốk và Chư Yang Sin như một cặp đôi âm – dương tương hợp góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của vùng đất phía nam cao nguyên.
Đại ngàn Chư Yang Sin là nguồn sống và cũng là kho nguyên liệu vô tận đáp ứng nhu cầu đời sống hằng ngày của người dân bản địa. Từ ngôi nhà mái lá của người M’nông Gar đến ngôi nhà sàn dài của người Êđê, từ chiếc gùi đựng vật dụng đến chiếc nơm bắt cá, tất cả vật liệu đều lấy từ rừng.
Những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, bom đạn kẻ thù đã tàn phá nặng nề những cánh rừng Ngọc Linh phía bắc cao nguyên hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Chư Yang Sin ở phía nam cao nguyên của hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông. Ở thời điểm khó khăn nhất của cuộc chiến, giữa đại ngàn Chư Yang Sin, nhiều buôn làng của đồng bào các dân tộc được chọn làm nơi tập kết, bí mật nuôi dưỡng các lực lượng vũ trang chiến đấu với kẻ thù. Hang đá Đắk Tuôr vững chãi ăn sâu vào lòng núi Chư Yang Sin đã trở thành căn cứ địa cách mạng của vùng H9 và Tỉnh ủy Đắk Lắk thời bấy giờ.
Nhiều nhà nghiên cứu đã nói đến Tây Nguyên và nền văn minh thảo mộc in đậm dấu ấn trong đời sống của người dân bản địa. Cùng với Ngọc Linh và Lang Bian, dãy Chư Yang Sin hùng vĩ quả thực là “nguồn sữa” nuôi dưỡng đời sống tinh thần cũng như tạo dựng bản sắc văn hóa từng dân tộc. Không gian văn hóa Tây Nguyên chính là không gian văn hóa rừng. Và như thế, dãy Chư Yang Sin ở phía nam Tây Nguyên sẽ mãi là một phần không gian văn hóa cần được gìn giữ, bảo tồn, theo cách mà người ta thường nói về bếp lửa truyền đời trong mỗi ngôi nhà Tây Nguyên. Những bếp lửa cháy đỏ từ thân cây rừng như là sự sống không bao giờ cạn nguồn, như là di sản truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác…