Tây Nguyên là vùng đất được thiên nhiên ban tặng rất nhiều ngọn thác hùng vỹ. Trong chuyến đi xuyên Việt, may mắn thay tôi đã có cơ hội được chạm vào những tuyệt tác của tự nhiên như thác Draynur (Đăk Lăk), Đăk G’Lun (Đăk Nông), tháp Liêng Lung, thác Phú Cường (Gia Lai). Không chỉ vậy, ẩn sâu dưới mỗi tên gọi dòng thác còn là những huyền sử về sức sống quật cường, tình yêu cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên.
Thác Dray Nur có chiều dài 250m, nối hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Dòng nước cuồn cuộn chảy từ độ cao hơn 30m, nghiêng mình đổ xuống sông sâu đã tạo nên một bức họa huyền diệu. Nơi đây cũng ẩn chứa những huyền thoại, truyền thuyết của đồng bào Ê Đê. Già làng buôn Kuốp – buôn làng sống cạnh dòng thác từ ngàn đời đã truyền tai nhau câu chuyện rằng, ngày xưa, vua Thủy Tề có người con trai là hoàng tử Nur khôi ngô, tuấn tú, rất thích chu du ngắm cảnh.
Trong một lần lên trần gian, hoàng tử gặp hai nàng công chúa xinh đẹp đã đem lòng yêu thương và họ chung sống cùng nhau. Dù vậy, khi nhớ vua cha, hoàng tử Nur lại quay về. Khi chia tay, chàng đã hóa thành một con dúi vàng trở về hang đá bên trong thác. Vì nhớ da diết hai công chúa, hoàng tử lại lên trần gian với vợ. Theo tiếng Ê Đê, Dray có nghĩa là thác, Nur là con dúi, nên từ đó, ngọn thác nơi hoàng tử hóa thân mang tên là Dray Nur.
Ngày nay, từ thác Dray Nur, du khách có thể dọc theo các con đường mòn trong rừng nguyên sinh để chiêm ngưỡng những gốc cây cổ thụ ngàn năm tuổi, rễ cây cuộn chặt vào những tảng đá lớn, thân cây rộng tới gần chục người ôm. Quanh thác còn có những hang động kỳ thú. Gần đó là buôn Kuốp, buôn Nui, đồng bào Ê Đê nơi đây vẫn giữ nguyên lối sống thuần phác.
Rời Buôn Mê Thuột chúng tôi xuôi xuống Gia Nghĩa rồi tìm đường tới thác Đắk G’lun. Hai bên đường bạt ngàn những rẫy cà phê và hồ tiêu. Đất đỏ bazan dường như là thứ đất đặc trưng của vùng Tuy Đức. Bụi đất đỏ bám đầy bánh xe và đôi dày dã chiến. Sau hơn một giờ chạy xe, chúng tôi đã tới được thôn 5, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Thác Đắk G’lun cao 58m được bao bọc bởi hơn 1.000 ha rừng đặc dụng với hệ sinh thái đa dạng và phong phú. Vì thế muốn chiêm ngưỡng ngọn thác này, chúng tôi phải xuyên qua một khu rừng rậm và vách đá ngang lưng núi.
Để đến chân thác, chúng tôi được người dân địa phương chỉ dẫn phải băng qua một dòng suối nhỏ và sau đó chọn một trong hai nhánh đường. Vì vậy du khách có thể đi theo lối cầu thang đá, có bảng chỉ dẫn chi tiết xuống tận chân thác hoặc nếu leo trèo, bám vào những tảng đá núi, rễ cây rừng để tới thác. Sau cùng, chúng tôi vạch những tán cây rừng rậm rạp và choáng ngợp trước sự hùng vĩ của Đắk G’lun – thác nước cao nhất Tây Nguyên.
Theo đồng bào M’Nông sống quanh khu vực thác Đắk G’lun thì ngọn thác có từ ngàn đời nay, gắn với nhiều truyền thuyết về chuyện tình thủy chung của đôi trai gái người M’Nông. Và ngày nay vẫn lưu truyền những lời hát mộc mạc, thấm tình:
Gửi bông hành, bông nghệ nhớ không thôi
Em mong anh đã lâu
Như em mong chim phí
Em đợi anh đã nhiều
Như em đợi chim giông…
Một trong những điểm dừng chân kỳ thú mà chúng tôi tới đó là thác Phú Cường nằm cách thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai chỉ 44km. Chúng tôi chạy xe máy từ trung tâm thành phố đi về phía đông nam qua núi Hàm Rồng, chạy dọc theo quốc lộ 14 để tới trung tâm hành chính huyện Chư Sê. Từ đó, rẽ trái theo quốc lộ 25 đi khoảng 5km là sẽ thấy biển báo chỉ dẫn đường vào thác.
Một điều khá thú vị là thác Phú Cường chảy trên nền nham thạch của một ngọn núi lửa hàng triệu năm tuổi, nay đã ngừng hoạt động. Vì vậy đã tạo nên khung cảnh kỳ thú khi ở dưới chân thác có vô vàn những khối đá đen, xám tàn tích của núi lửa, hình thù đa dạng xếp chồng lên nhau. Thác được bao phủ bởi núi rừng với khí hậu mát lạnh nên thảm thực vật ở đây rất phong phú, từ hệ thống cây cổ thụ, thảm rêu, cỏ tranh, dương xỉ…
Xuôi theo quốc lộ 28 hướng đi Lâm Đồng, rời xa những con đường uốn lượn ngút ngàn tầm mắt, khi cách TP Gia Nghĩa chừng 8 km, chúng tôi đến N’riêng – bon làng với hầu hết đồng bào Mạ và M’nông sinh sống. Tiến gần hơn về phía chân thác, tuyệt cảnh Liêng Nung hiện ra sau những lùm cây khiến cho con người choáng ngợp. Đứng ở chân thác, ngước mắt lên trần hang, chúng tôi chiêm ngưỡng những khối đá lục giác xếp liền kề nhau như một tổ ong đặc khổng lồ.
Kỳ lạ thay những khối đá ở miệng thác lại xếp vào nhau như gềnh đá đĩa tại Phú Yên. Một nơi núi cao, một nơi biển rộng nhưng tạo hóa khéo sắp xếp làm sao những khối đá giống hệt nhau. Chỉ khác ở chỗ khi gần biển rộng những khối đá lục giác được cắm xuống bờ biển, còn nơi núi rừng đại ngàn lại được gắn lên vực thác cheo leo.
Bao đời nay, đồng bào tự hào về dòng thác Liêng Nung kỳ vĩ, bởi nơi đây gắn với truyền thuyết cội nguồn và lịch sử lập đất, lập bon. Ngồi bên chóe rượu cần, được nghe già làng N’riêng kể lại chúng tôi mới hiểu Liêng là thác, còn Nung là nơi nghỉ ngơi. Liêng Nung là thác nước duy nhất của dòng suối Đăk Nia. Người dân nơi đây cho hay dòng thác bắt nguồn từ những khu rừng thiêng nên nước trong vắt, uống vào thì khỏe mạnh, chống lại được bệnh tật.
Đồng bào cũng kể rằng, đã có một trận đại hạn hán kéo dài khiến cả người và vật không thể sống sót vì khát và đói. Nhưng chỉ riêng ở Đăk Nia, người dân còn sống sót nhờ vào dòng Liêng Nung kỳ vĩ chảy suốt ngày đêm. Sự ảnh hưởng của Liêng Nung còn giúp cho đồng bào ở các vùng Đăk Đu, Đăk Măng thoát khỏi đại hạn. Cũng tại chân dòng thác Liêng Nung huyền thoại, người dân đã truyền tai nhau truyền thuyết về chàng K’E và nàng H’Dệt. Nàng H’Dệt là tiên được Giàng cử xuống để giúp người Mạ duy trì nòi giống, hết thời hạn nàng phải quay về trời.
Quanh dòng thác ngàn đời, những câu chuyện và tình cảm của bà con ở N’riêng, Bu Sốp, Tig Wel Đơm cũng ngày đêm dạt dào như dòng Liêng Nung…