Trong giai đoạn 2022 – 2023, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 70 triệu lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 400.000 – 450.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 – 2026”.
Theo đó, trong giai đoạn 2022 – 2023 phấn đấu phục hồi được khoảng 8 – 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (bằng 45 – 50% so với năm 2019); 65 – 70 triệu lượt khách du lịch nội địa (bằng 75 – 80% so với năm 2019). Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 400.000 – 450.000 tỷ đồng (bằng 50 – 55% so với năm 2019).
Trong giai đoạn này, sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, cộng đồng tham gia kinh doanh du lịch đẩy nhanh phục hồi hoạt động kinh doanh. Phát triển sản phẩm du lịch mới đảm bảo an toàn đối với dịch bệnh, phù hợp với nhu cầu, xu hướng thị trường trong và sau đại dịch.
Cùng với đó, tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch tại các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế, phù hợp với xu hướng mới của thị trường để nhanh chóng phục hồi lượng khách du lịch quốc tế và nội địa. Đồng thời, thực hiện chuyển đổi số trong ngành du lịch; đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine”, thí điểm đón khách quốc tế tại một số địa phương; và hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.
Giai đoạn từ 2024 – 2026, phấn đấu đến năm 2025 đạt khoảng 15 – 16 triệu lượt khách du lịch quốc tế (bằng 40 – 45% so với chỉ tiêu chiến lược đề ra); khoảng 75 – 80 triệu lượt khách du lịch nội địa (bằng 60 – 65% so với chỉ tiêu chiến lược). Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 680.000 – 780.000 tỷ đồng (bằng 40 – 45% so với chỉ tiêu chiến lược).
Đến năm 2026, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt (tăng 20% so với năm 2025), khách du lịch nội địa đạt khoảng 85 triệu lượt (tăng 13,3%). Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 800 – 900 nghìn tỷ đồng (tăng 15,5 – 17,5% so với so với năm 2025).
Trong giai đoạn này sẽ ưu tiên huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển du lịch nhanh và bền vững trong điều kiện “bình thường mới”, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; đồng thời tập trung phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao; phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt của mỗi địa phương, mỗi vùng, phù hợp với lợi thế tài nguyên du lịch.
Trong giai đoạn này, ưu tiên đầu tư về hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật tại các khu du lịch quốc gia thuộc các khu vực động lực phát triển du lịch; tiếp tục thu hút đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ du lịch để hình thành các cụm du lịch đồng bộ, chất lượng, có quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, tăng cường liên kết phát triển du lịch và quảng bá du lịch trên các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là trên các nền tảng công nghệ số. Xây dựng và triển khai các đề án, dự án phát triển du lịch thông minh, mô hình quản lý điểm đến du lịch thông minh.
Chương trình cũng xác định các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể theo 2 giai đoạn để phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh “bình thường mới”. Trong đó, giai đoạn 2022 – 2023 có 9 nhiệm vụ và giải pháp, giai đoạn 2024 – 2026 có 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, đồng thời, xác định các nguồn lực thực hiện và giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương trong việc phối hợp.