Các giải thưởng Việt Nam được xướng tên là: Điểm đến hàng đầu châu Á, Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á; Tổng cục Du lịch Việt Nam được vinh danh là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á. Nhiều địa phương, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành Việt Nam được vinh danh ở nhiều hạng mục.
Theo các chuyên gia, đây chính là cơ hội quý báu để “ngành công nghiệp không khói” nước nhà đẩy mạnh truyền thông, quảng bá về một Việt Nam tươi đẹp, thân thiện, an toàn, mến khách nhằm tăng cường thu hút khách quốc tế, đặc biệt là khi lượng khách quốc tế đến nước ta chưa đạt như kỳ vọng.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tháng 8/2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 486.400 lượt người, tăng 38% so với tháng 7/2022. Tính chung 8 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đạt hơn 1,44 triệu lượt người, gấp 13,7 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn giảm 87,3% so với cùng kỳ năm 2019-thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Đáng chú ý, con số này còn cách quá xa so với mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022 mà ngành du lịch Việt Nam đã đề ra. Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng khách quốc tế năm 2022 trong thời gian hơn ba tháng còn lại, giới chuyên môn cho rằng, ngành du lịch cần nhanh chóng triển khai chiến lược mang tính linh hoạt, đồng bộ, tận dụng mọi tiềm năng, thế mạnh nhằm thu hút khách.
Trong bối cảnh thị trường quốc tế cần thời gian để phục hồi, du lịch Việt Nam nên tập trung khai thác các thị trường khách đã có sự kết nối thuận lợi về hàng không như Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Âu, Australia, các nước ASEAN; đồng thời chuyển hướng khai thác những thị trường mới có nhiều tiềm năng tăng trưởng như Ấn Độ, Mỹ, Trung Đông.
Tại Hội thảo “Thúc đẩy thị trường khách du lịch Trung Đông và Ấn Độ” vừa diễn ra ngày 9/9 trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh 2022, các chuyên gia nhận định Trung Đông và Ấn Độ là hai thị trường có tiềm năng “khổng lồ”. Những năm gần đây, hơn 20 đường bay trực tiếp kết nối các thành phố lớn của Việt Nam-Ấn Độ đã được mở, cho thấy triển vọng khai thác du lịch lớn giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, ở thị trường Trung Đông, nơi tập trung nhiều khách hạng sang có khả năng chi tiêu cao, du lịch Việt Nam vẫn chưa tạo được sức hút bằng các nước trong khu vực.
Nguyên nhân được xác định là do các thông tin về du lịch Việt Nam tới các nước Trung Đông còn hạn chế. Vì thế, muốn chinh phục những thị trường mới, công đoạn không thể bỏ qua là cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tới các thị trường này một cách bài bản, kết hợp cả giải pháp truyền thông số và truyền thông trực tiếp.
Một trong những “nút thắt” từng được những người làm du lịch đề cập nhiều lần là chính sách visa. Trong bối cảnh các nước trong khu vực đồng loạt mở cửa du lịch sau đại dịch và đều chú trọng áp dụng những giải pháp mang lại thuận lợi nhằm hút khách, du lịch Việt Nam càng cần có chính sách thị thực thông thoáng, cởi mở trên cơ sở mở rộng diện miễn thị thực cũng như thời gian miễn thị thực để nâng cao sức cạnh tranh du lịch.
Thêm nữa, sau thời gian quá dài bị tê liệt vì đại dịch, nguồn lực của các doanh nghiệp du lịch hầu như đã kiệt quệ. Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục kiến nghị Chính phủ có những biện pháp thiết thực về ưu đãi vay vốn, hỗ trợ lãi suất, đào tạo nguồn nhân lực du lịch… để gỡ khó, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Doanh nghiệp vừa là đối tượng trực tiếp tham gia xúc tiến, quảng bá, kết nối với nguồn khách, vừa xây dựng, làm nên sức hấp dẫn của sản phẩm, dịch vụ.
Vì thế, muốn nâng cao năng lực thu hút, tiếp đón khách quốc tế, nhất thiết phải khôi phục năng lực phục vụ, kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch.
Tháng 8/2022, dữ liệu từ công cụ Google cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam đã tăng gần 7 lần so với thời điểm tháng 3/2022, nhiều nhất từ các du khách Mỹ, Singapore, Ấn Độ, Australia, Nhật Bản, Thái Lan, Đức, Pháp, Anh… Đây là tín hiệu tích cực về triển vọng thu hút khách quốc tế của du lịch Việt Nam.
Trước mùa cao điểm du lịch quốc tế (thường từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau), với việc đổi mới chiến lược thu hút khách quốc tế, ngành du lịch đang được kỳ vọng sẽ có những bước đi thần tốc để đạt mục tiêu trên cơ sở tăng cường liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, địa phương, vùng miền để tạo nên sức mạnh tổng hợp đẩy nhanh tốc độ phục hồi, phát triển du lịch.