Theo Phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT&DL), 9 tháng qua ngành du lịch Đắk Lắk đã đón gần 800.000 lượt khách, doanh thu đạt hơn 560 tỷ đồng.
Đặc biệt trong quý III năm 2022, lượng khách cũng như doanh thu toàn ngành chiếm hơn 40% trên tổng số hai tiêu chí quan trọng này. Để có mức tăng trưởng khá ấn tượng ấy là nhờ các doanh nghiệp làm du lịch ở đây trong – ngoài liên kết chặt chẽ, tạo ra không gian/sản phẩm đồng bộ, thống nhất có sức hấp dẫn du khách ở mọi thị trường và mọi thời điểm.
Du khách tham quan di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hữu Hùng |
Liên kết bên trong
Nói như ông Lê Văn Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk, kiêm Chi hội trưởng Chi hội Hướng dẫn viên du lịch tỉnh: Mối liên kết cả trong lẫn ngoài ấy như “cỗ xe song mã” đủ sức kéo ngành kinh tế quan trọng này tăng tốc mạnh mẽ.
Về mối liên kết nội khối, các đơn vị làm du lịch trên địa bàn tỉnh đã chủ động tương tác, xây dựng các gói sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý, kèm theo những ưu đãi cho từng tour/tuyến du lịch trọn gói dựa trên nhu cầu của du khách.
Từ đó, khi du khách đến Đắk Lắk và muốn trải nghiệm với văn hóa voi; thưởng ngoạn danh thắng; hay cùng cộng đồng người M’nông, Êđê, Lào sinh hoạt và khám phá vốn văn hóa truyền thống thì được giới thiệu, hướng dẫn đến khu du lịch Hồ Lắk, Buôn Đôn. Muốn tìm hiểu và thăng hoa với văn hóa cà phê, cồng chiêng, du lịch mạo hiểm, hay các dịch vụ giải trí, mua sắm khác thì đến TP. Buôn Ma Thuột, hay Krông Ana, Cư M’gar…
Từ nhận thức ấy, cộng đồng làm du lịch ở Đắk Lắk đang có sự điều phối, phân bố hợp lý hơn nhằm hướng đến mục tiêu phát triển đồng bộ, liên tục, trách nhiệm và bền vững hơn trong bức tranh du lịch đặc thù, đa sắc màu mà không chồng chéo và trùng lặp như trước đây.
Mối liên kết nội khối trên cũng được bà Lê Thị Chung, Giám đốc Trung tâm Thông tin, xúc tiến du lịch Đắk Lắk chia sẻ thêm dưới góc nhìn xúc tiến du lịch đang diễn ra sôi nổi và dày đặc hơn với sự tham gia của hầu hết doanh nghiệp kinh doanh “ngành công nghiệp không khói” trên địa bàn tỉnh.
Các đơn vị làm du lịch có tên tuổi như Trung tâm Du lịch Hồ Lắk, Công ty TNHH Ánh Dương, Thanh Hà, Trung tâm Du lịch Buôn Đôn, Công ty Du lịch – Thương mại Đam San, Công ty Cổ phần Du lịch cộng đồng Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột) và Công ty TNHH Đường mòn Cao Nguyên (huyện Lắk)… đã phối hợp với các hãng lữ hành nội địa tổ chức nhiều hoạt động famtrip, roadshow nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh và sản phẩm du lịch của mình tới du khách đến từ thị trường đã được hai bên ký kết hợp tác phát triển trước đó (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Bình, Nghệ An, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Thanh Hóa, Hà Tĩnh).
Du khách đến với Trung tâm Du lịch Buôn Đôn. Ảnh: Công Luận |
Ông Nguyễn Trụ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Thanh Hà – Buôn Đôn cho rằng: Từ mối liên kết, hợp tác phát triển du lịch có tính chất kết nối nội khối như thế mới thấy hiệu quả mang lại rất đáng ghi nhận trên các mặt: lượng khách, cơ sở lưu trú, xây dựng sản phẩm cạnh tranh, lợi nhuận mang lại cho mỗi đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng làm du lịch ở đây. Qua đó giúp du khách chọn điểm đến một cách dễ dàng, thuận lợi hơn trong quỹ thời gian nhất định khi đến với Đắk Lắk. Hơn thế, là để các đơn vị làm du lịch tiến tới chấm dứt tình trạng “tranh mua, tranh bán” tại các tour/tuyến du lịch đặc thù và tiêu biểu. Mặt khác, nó cũng giúp cộng đồng làm du lịch trên địa bàn tỉnh hạn chế sự trùng lặp cả về tính chất lẫn thời điểm tổ chức hoạt động du lịch, nhất là loại hình du lịch văn hóa – lễ hội của các cộng đồng dân tộc tại chỗ.
Liên kết bên ngoài
“Từ mối liên kết, hợp tác phát triển du lịch nội vùng lẫn liên vùng như thế mới thấy hiệu quả mang lại rất đáng ghi nhận trên các mặt: lượng khách, sản phẩm cạnh tranh và lợi nhuận cho mỗi đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở Đắk Lắk cũng như các tỉnh thành khác nằm trong khối liên kết” – ông Nguyễn Trụ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Thanh Hà – Buôn Đôn. |
Vượt qua sự đơn lẻ, thụ động trong việc thu hút khách du lịch đến với Đắk Lắk và ngược lại, đến nay cộng đồng làm du lịch ở đây phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tiến hành xúc tiến liên kết mạnh mẽ với hơn 20 tỉnh thành trong khu vực Duyên hải miền Trung, Nam Bộ và Bắc Bộ cũng như một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á để thu hút du khách, đẩy nhanh mức tăng trưởng cho ngành kinh tế quan trọng này.
Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL đánh giá: Với đà tăng trưởng lạc quan như hiện nay, chắc chắn ngành du lịch Đắk Lắk sẽ có bước tăng tốc mạnh mẽ trong những tháng cuối năm 2022. Theo đó chỉ tiêu đặt ra trong năm 2022 cho ngành du lịch (đón hơn 900.000 lượt khách, doanh thu khoảng 770 tỷ đồng) có khả năng vượt kế hoạch. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở, vì ngoài việc tăng cường liên kết, đổi mới hoạt động du lịch nội khối – từ xây dựng, hoàn thiện sản phẩm, xúc tiến hợp tác đến công tác lữ hành (chủ động tìm kiếm, đưa đón du khách đến Đắk Lắk và ngược lại) thì gần đây đã có ít nhất 8 diễn đàn kết nối phát triển du lịch được mở ra trên địa bàn miền Trung – Tây Nguyên, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và đồng bằng Bắc Bộ, trong đó Đắk Lắk được quảng bá và giới thiệu như điểm đến nổi bật với những chương trình/sản phẩm du lịch kết nối đặc sắc như: “Miền di sản huyền thoại”, “Con đường xanh Tây Nguyên”, “Đường Trường Sơn huyền thoại”, “Carnaval tour xuyên hành lang kinh tế Đông – Tây” và “Famtrip Caravan Tây Nguyên huyền thoại” được ngành du lịch các tỉnh, thành phố thuộc những vùng miền trên khảo sát và xúc tiến kết nối.
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại nhà dài – một trong những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Êđê ở Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Gia |
Có thể nói, dựa vào hai trục liên kết trong và ngoài nêu trên, hay nói hình ảnh hơn là “cỗ xe song mã” ấy sẽ đưa ngành du lịch Đắk Lắk tăng tốc ấn tượng hơn trong thời gian tới. Hơn thế, từ mối hợp tác, liên kết theo hai trục này đã giúp các doanh nghiệp làm du lịch ở đây có cơ hội, điều kiện xây dựng chiến lược kinh doanh rõ ràng nhằm tạo dựng niềm tin với đối tác, kích cầu du khách ở các vùng miền trên cả nước đến với Đắk Lắk và ngược lại.