Du khách đến Đắk Lắk sẽ mua quà gì? Câu hỏi này, người viết đã đặt ra với ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk. Để rồi, ngay với chính người chịu trách nhiệm phát triển ngành du lịch địa phương, nỗi băn khoăn vẫn hiện hữu. Đắk Lắk thực sự có những sản phẩm quà lưu niệm nào?
Theo ông Hà, thực tế những năm qua, du lịch địa phương phải đối diện với câu hỏi: Làm sao để mỗi du khách đã đến với rừng núi, suối thác nơi đây phải lưu luyến mà muốn quay lại? Bài học những quốc gia du lịch quy mô hơn đã đi trước, chính là sản phẩm lưu niệm được du khách mang theo sẽ thế nào, có thật sự gửi gắm được “cái hồn bản địa” để gợi nhắc du khách phải nhớ lại?
Những món quà lưu niệm hình ảnh về voi ở sân bay Buôn Ma Thuột. |
Cần lắm những vật phẩm lưu niệm đặc trưng
Sự thật thì rất nhiều người đã đến Đắk Lắk, đến với đại ngàn Tây Nguyên song ký ức ghi nhận của họ về vùng đất này chỉ sau vài tháng là đã mờ nhạt. Họ chỉ còn mang máng nghĩ về những cánh rừng, rồi một chút hồ Lắk, Buôn Đôn có voi, có khỉ, một chút Biệt điện Bảo Đại với cây long não bề thế… Những món quà lưu niệm du khách có thể mang theo, hóa ra chỉ vài gói cà phê, ít ca cao, một vài bộ quần áo thổ cẩm… Vậy làm sao Đắk Lắk đọng lại trong lòng người? Câu hỏi này cũng là tâm tư của những người chịu trách nhiệm như ông Thái Hồng Hà: “Thật tình sau mùa dịch bệnh, khi yêu cầu hồi phục du lịch đặt ra, chúng tôi đã rất lo khi nhìn lại hệ thống quà lưu niệm. Trước đó, trong thế phát triển thuận lợi, du khách đến và đi có số lượng lớn, vấn đề này ít ai đặt ra. Nhưng dịch bệnh qua rồi, mọi cái phải điều chỉnh lại hết. Phục vụ du khách không chỉ đơn thuần hướng dẫn họ vài thông tin tham quan, giới thiệu hàng quán đặc sản, mà phải chú tâm vào những giá trị văn hóa lịch sử, hồn cốt vùng đất, để du khách trải nghiệm nhiều hơn. Quà lưu niệm, vì thế cũng cần được đầu tư, đánh giá lại đúng mức, đủ sức để du khách chọn và ấn tượng dài lâu”.
Chia sẻ này của ông Hà đã nêu bật thực trạng phải xử lý cho được của du lịch Đắk Lắk. Đó là phải hình thành, xây dựng được hệ thống quà lưu niệm, kỷ niệm với những dấu ấn văn hóa đặc sắc, tiêu biểu hơn với du khách. Chung cả Đắk Lắk là đại ngàn, là núi rừng vang vọng những âm thanh huyền bí, riêng của Đắk Lắk lại là từng vùng đất, từng địa danh cụ thể, độc đáo, là Buôn Đôn với những thớt voi; Krông Ana, Krông Pắc với nông sản hấp dẫn; Buôn Ma Thuột có những mái nhà dài lịch sử trăm năm, những vốc cà phê đẫm hương vị đất bazan… Những món quà lưu niệm ở từng mảnh đất, ngôi làng như vậy, cần phải chọn lọc, thiết kế ra sao cho đúng, đủ và hợp lý với tâm tình du khách, mà không tách rời bản chất thăm thẳm của tinh thần Tây Nguyên…
Những không gian văn hóa đặc trưng Tây Nguyên đang được ngành du lịch Đắk Lắk chủ trương tái hiện trên quà lưu niệm. Ảnh: Hữu Hùng |
Hãy kể tôi nghe một câu chuyện!
Ông Thái Hồng Hà tâm sự, có những bài học kinh nghiệm đã thấy từ Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc về dấu ấn những câu chuyện được gợi nhắc trong quá khứ dân tộc họ, và trở thành những món quà lưu niệm buộc du khách vấn vương. Tại Tô Châu, Hàng Châu, du lịch Trung Quốc in đậm những truyền thuyết về trung thần Nhạc Phi, để có những đồng xu lưu niệm mang hình ảnh người anh hùng dân tộc Hán, có món quẩy chiên giòn kể tội vợ chồng kẻ gian hùng. Ở Thái Lan, sự tích một công chúa trên trời xuống làm vợ người nông dân nghèo khổ, đã biến hình ảnh những bông hoa cầu duyên phận, những con rắn thần… thành quà lưu niệm để kể cho du khách những câu chuyện đẫm tình người, ca ngợi tình yêu bất tử…
Thế thì tại sao Đắk Lắk không thể có những câu chuyện ấy, về anh hùng Đam San đi tìm thần mặt trời, về những người đẹp bên bờ suối dệt nên những tà vải đẫm niềm tin và hy vọng vào tình yêu… Nếu du lịch voi không còn thô thiển buộc những thớt voi, là “anh em trong tâm thức đồng bào”, trở thành vật chuyên chở du khách để đùa vui thì tại sao lưu niệm Đắk Lắk không có những chiếc áo, chiếc khăn dệt hình voi, những tượng gỗ khắc hình voi… để du khách mang về? Tại sao những ché rượu cần nặng nề, khó mang theo, những trái sầu riêng gai góc, lại không thể biến thành những cái chặn giấy, móc chìa khóa, xinh xinh và nhẹ nhàng, thu hút du khách chọn lấy, mang đi, tặng cho người thân, bạn bè, đánh dấu kỷ niệm một dịp phiêu lưu với đại ngàn nắng gió?
Ông Thái Hồng Hà nhấn mạnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk đã có những chỉ đạo, hướng dẫn và động viên các tổ chức du lịch, người dân chủ động xây dựng, thiết kế các món quà lưu niệm sáng tạo hơn hướng đến du khách. Có hẳn một đề án của ngành về phát động tái hiện văn hóa cồng chiêng, về những tour du lịch trải nghiệm suối thác, hòa nhịp các bản làng, trong đó sẽ có những món quà lưu niệm đặc trưng để du khách tiếp cận chọn lựa, thích thú mang theo. Khả năng cho đến cuối năm 2022, du lịch Đắk Lắk sẽ giới thiệu được với du khách đến với vùng đất này, những bộ quà tặng, món hàng lưu niệm đầu tiên, độc đáo hơn và đặc sắc hơn.
Khi người viết này bước đến sân bay Buôn Ma Thuột những ngày cuối tháng 9/2022, những ki-ốt hàng trong sân bay đã có thêm nhiều món quà lưu niệm chủ đề về voi. Rõ ràng ngành du lịch địa phương đã thực sự khởi động những ý tưởng mới để thu hút tốt hơn sự quan tâm của đông đảo du khách về mảnh đất văn hóa đặc trưng này. Đây thật là tín hiệu vui, và lạc quan hơn về những ngày sẽ đến, để kỳ vọng Đắk Lắk ngày càng nổi bật trong lòng du khách khi mảnh đất này in dấu trên nhiều món quà lưu niệm hơn!