Ngoài khai thác triệt để lợi thế của vùng, liên kết du lịch miền Trung – Tây Nguyên còn giúp đa dạng sản phẩm du lịch, mở ra cơ hội thu hút đầu tư cho các ngành nghề khác.
Tỉnh Lâm Đồng đứng đầu về thu hút du lịch tại vùng Tây Nguyên. Trong ảnh: hồ Xuân Hương, một điểm du lịch đặc sắc của TP. Đà Lạt |
Hiện thực những cái “bắt tay”
Là cửa ngõ ra biển của Hành lang Kinh tế Đông – Tây, có diện tích trải dài trên tuyến du lịch xuyên Việt và xuyên Á, khu vực miền Trung – Tây Nguyên có vị trí đặc biệt quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam, là vùng hội tụ nhiều tiềm năng, đặc biệt là thế mạnh du lịch sinh thái.
Nếu các tỉnh miền Trung có du lịch biển đảo được xem là thế mạnh bởi chuỗi các bãi biển, vịnh đẹp nổi tiếng của thế giới, các đảo, bán đảo trải dài từ tỉnh Thanh Hóa đến Bình Thuận, thì các tỉnh Tây Nguyên lại lợi thế về tài nguyên du lịch núi rừng với du lịch sinh thái đồi núi, thác hồ.
Ngoài ra, toàn khu vực có 9 vườn quốc gia, nhiều khu bảo tồn hoang sơ, nguyên vẹn. Đáng chú ý, đây còn là nơi tập trung 14 di sản văn hóa thế giới; là địa bàn cư trú của 47 dân tộc – những chủ nhân đã và đang xây dựng nên bảo tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc bậc nhất của Việt Nam.
Với tài nguyên du lịch phong phú đó, khu vực miền Trung – Tây Nguyên luôn là điểm đến của du khách, nhất là du khách nước ngoài. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), năm 2018, trong tổng số 15,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, thì khu vực miền Trung – Tây Nguyên chiếm hơn một nửa, với 9,5 triệu lượt khách. Du khách nội địa là khoảng 58 triệu lượt trong tổng số hơn 80 triệu lượt của cả nước.
Tại Hội nghị Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên, ông Phan Ngọc Thọ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã khẳng định, thành công trong thu hút du lịch đối với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên là nhờ sự hợp tác, gắn kết, bổ trợ cho nhau cùng phát triển, qua câu nói được xem là phương châm “muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”.
Thực tế, các địa phương trong khu vực ngày càng đề cao tính liên kết thông qua các hội nghị phát triển du lịch, các chương trình ký kết hợp tác khai thác du lịch được tổ chức khá thường xuyên thời gian qua.
Mới đây, vào tháng 8/2022, tại tỉnh Đắk Lắk, đại diện 5 địa phương là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác, phát triển du lịch giai đoạn 2022 – 2026 với 5 tỉnh Tây Nguyên. Thỏa thuận tập trung vào 3 lĩnh vực chính gồm hợp tác trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch, hợp tác về quảng bá, xúc tiến du lịch.
Trước đó, vào tháng 6/2022, tại TP. Pleiku (Gia Lai), trong khuôn khổ Hội nghị liên kết phát triển du lịch năm 2022, UBND 5 thành phố gồm Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), Pleiku (tỉnh Gia Lai), Kon Tum (tỉnh Kon Tum), Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) và Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) đã cùng ký kết biên bản hợp tác nhằm đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm du lịch đặc trưng, kết nối tour – tuyến với các đối tác.
Riêng đối với các tỉnh Tây Nguyên, liên kết hợp tác nội vùng và ngoại vùng trong phát triển du lịch đã mang lại một số kết quả tích cực.
Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh với các địa phương trong và ngoài vùng Tây Nguyên gồm Lâm Đồng – Khánh Hòa; Lâm Đồng – TP.HCM – Bình Thuận; Lâm Đồng – Quảng Bình, Lâm Đồng – Nghệ An, Lâm Đồng – Ninh Thuận.
Tại tỉnh Đắk Lắk, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh này đã ký kết hợp tác phát triển du lịch song phương và đa phương với 16 tỉnh, thành phố trong cả nước, riêng với khu vực miền Trung – Tây Nguyên là 9 tỉnh. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, từ sự hợp tác này, một số doanh nghiệp du lịch như Saigontourist, Viettravel, Công ty Văn hóa Việt đã có nghiên cứu, đưa tuyến, điểm du lịch tại Đắk Lắk và các địa phương ký kết vào chương trình tour du lịch để giới thiệu với du khách.
Tỉnh Gia Lai cũng có các chương trình hợp tác tương tự như hợp tác ngoại vùng với Phú Yên, Bình Định và hợp tác với các tỉnh nội vùng Kon Tum, Đắk Lắk…
Minh chứng thành công ban đầu trong liên kết phát triển du lịch giữa miền Trung – Tây Nguyên là xây dựng thành công tuyến du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên”, khởi nguồn từ Đà Nẵng và kết thúc ở Lâm Đồng với nhiều sản phẩm du lịch sinh thái độc đáo.
Chương trình hợp tác Tam giác phát triển du lịch Lâm Đồng – Bình Thuận – TP.HCM và Lâm Đồng – Khánh Hòa với các thương hiệu Chợ Sài Gòn – Hoa Đà Lạt – Biển Mũi Né, Du lịch Rừng và Biển được đánh giá có hiệu quả nhất trong số các chương trình liên kết, hợp tác du lịch hiện nay tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Trong số 5 tỉnh Tây Nguyên, Lâm Đồng được xem là tỉnh nổi lên khi đạt được nhiều thành công trong liên kết phát triển du lịch. Trong đó, tour du lịch kết nối Lâm Đồng – Khánh Hòa là một trong những tour nội địa phổ biến và khai thác hiệu quả.
Ông Nguyễn Viết Vân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết, thị phần du lịch miền Trung đến với Lâm Đồng chiếm đến 30%. Sự kết nối giữa các tỉnh miền Trung và Lâm Đồng đã tạo ra một hành lang phát triển du lịch xanh, hợp tác phát triển bền vững, đưa sản phẩm du lịch độc đáo của các tỉnh Tây Nguyên đến với du khách nội địa và quốc tế.
Xây dựng thương hiệu điểm đến
TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã từng ví von về sự liên kết trong phát triển du lịch khu vực miền Trung – Tây Nguyên: “Miền Trung như máng xối, còn Tây Nguyên như mái của một ngôi nhà. Hai vùng này liên kết với nhau thì du lịch sẽ có sự bứt phá rất lớn”.
Song, qua những con số thống kê, không khó nhận ra “máng xối” lại đang cao hơn “mái nhà” về doanh thu du lịch. “Mái nhà” Tây Nguyên dù tài nguyên du lịch vô cùng phong phú, đa dạng, nhưng doanh thu từ du lịch lại rất hạn chế.
Năm 2018, trong 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên, chỉ duy nhất Lâm Đồng đạt doanh thu gần 12.000 tỷ đồng, còn Đắk Lăk ước đạt 700 tỷ đồng, 3 tỉnh còn lại (Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông) không vượt quá 200 tỷ đồng, thậm chí như Đăk Nông chỉ đạt khoảng 25 tỷ đồng. Con số này nếu đặt cạnh bên các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Khánh Hòa thì thấy vô cùng khiêm tốn.
Từ thực tế trên, các đại biểu tại Hội nghị về hợp tác liên kết du lịch đã thẳng thắn nhìn nhận những điểm nghẽn và hạn chế khiến khách du lịch đổ về 4 tỉnh Tây Nguyên chưa được nhiều như Lâm Đồng hay các thành phố biển. Ngoài việc hạ tầng giao thông còn khó khăn, thiếu hoặc chưa xây dựng được những điểm dừng nghỉ, tham quan, thì các sản phẩm du lịch còn hạn chế, thiếu sự hấp dẫn, thiếu điểm nhấn.
Theo ông Nguyễn Đức Hoàn, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai, sản phẩm du lịch tại các tỉnh Tây Nguyên còn trùng lặp, không có nét riêng. Cần giải quyết và khắc phục điểm yếu này, nếu không du khách chỉ đến một địa phương mà không cần qua địa phương khác.
Điểm yếu này cũng từng được ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) đề cập. Theo ông Tài, mỗi tỉnh Tây Nguyên phải xây dựng được sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc riêng, tạo điểm nhấn, không trùng lặp với các tỉnh khác. “Trong bối cảnh du khách có nhiều sự lựa chọn thì phải lấy bản sắc, cái hiếm có của mình để phát triển, tạo hấp dẫn để du khách chọn đến với mình”, ông Tài nhấn mạnh.
Chung quan điểm, bà Huỳnh Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty Wyndham shantira resort Hội An góp ý, miền Trung – Tây Nguyên phải tạo sự khác biệt, đa dạng cho từng sản phẩm du lịch trong chỉnh thể đặc trưng và thống nhất của mỗi tỉnh, thành phố, là bước đi hết sức cần thiết để đạt được mục tiêu đề ra.
Bên cạnh việc xác định thế mạnh, đặc trưng của mỗi địa phương, TS. Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên cho rằng, một trong những giải pháp thúc đẩy liên kết vùng trong thời gian tới là tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến và quảng bá hình ảnh du lịch Tây Nguyên bằng các hoạt động, sự kiện Festival, lễ hội đặc trưng độc đáo của từng địa phương qua trang thông tin điện tử, phương tiện truyền thông, nhằm tạo mối liên kết các điểm đến trong vùng với nhau.
Theo ông Thụy, đây cũng là cơ hội thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để phát triển đa dạng loại hình du lịch, bởi ngoại trừ Lâm Đồng, các tỉnh khác của Tây Nguyên thu hút đầu tư vẫn rất hạn chế, khó khăn.
Báo cáo tình hình triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Lâm Đồng với các địa phương (năm 2021) cho thấy, tỉnh Lâm Đồng có 226 dự án đầu tư cho lĩnh vực du lịch. Con số này đã phần nào thể hiện việc liên kết phát triển du lịch thành công, góp phần khẳng định thương hiệu của Lâm Đồng, không chỉ tạo sức bật trong phát triển du lịch, mà còn tạo lực hút đối với nhà đầu tư.