Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có diện tích 4.760km², trải dài trên địa bàn 5 huyện: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thành phố Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông. Lịch sử của vùng đất này bắt nguồn từ 140 triệu năm trước, khi nơi đây còn là một phần của đại dương rộng lớn với các dấu tích được tìm thấy như đá trầm tích, hóa thạch cúc đá và các loại hóa thạch khác. Hoạt động phun trào núi lửa đã che phủ đến một nửa diện tích khu vực này bởi các lớp dung nham bazan và tạo nên hệ thống hang động, núi lửa độc đáo, đồ sộ nhất khu vực Đông Nam Á và đặc biệt là phát hiện dấu tích cư trú của người tiền sử từ khoảng 10.000 năm trước.
Trong phạm vi Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có tới 55 điểm di sản địa chất có giá trị nổi bật (thuộc 9/10 kiểu di sản địa chất theo phân loại GILGES của UNESCO), bao gồm: di sản địa chất kiểu A – Cổ sinh có 2 cụm điểm hóa thạch: cúc đá và khuôn cây trong đá basalt; kiểu B – Địa mạo có 41 điểm, gồm: 20 hang động núi lửa, 5 miệng núi lửa, 6 thác nước, 10 cảnh quan địa hình; kiểu C – Cổ môi trường, có 2 điểm pyrit trầm tích; kiểu D – Đá, có 2 điểm: đá basalt cột và bom núi lửa; kiểu E – Địa tầng, có 2 điểm ranh giới địa tầng; kiểu F – Khoáng vật khoáng sản, có 3 điểm: antimonit, opal-chalcedon, suối khoáng CO2 ; kiểu I – Kiến tạo, có trong phần lớn các điểm di sản địa chất của Công viên địa chất; kiểu K – Vũ trụ, có 1 điểm tektite; kiểu L – Lục địa, đại dương, có bể rìa lục địa thụ động J1-2 và rìa lục địa tích cực J3 – K.
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có 7 điểm di sản địa chất đạt cấp quốc tế, 42 di sản địa chất đạt cấp quốc gia, 6 di sản địa chất cấp địa phương. Hầu hết các điểm di sản địa chất nêu trên là các di sản kép hay di sản hỗn hợp. Các di sản địa chất có giá trị nổi bật, tạo nên các điểm nhấn cho Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông gồm: hệ thống hang động liên quan đến phun trào núi lửa Chư B’Luk, phân bố trong khu rừng đặc dụng cảnh quan Dray Sap và rừng phòng hộ Chư B’Luk (Krông Nô). Đây là quần thể di sản kép/di sản hỗn hợp của cả 3 lĩnh vực: di sản địa chất, đa dạng sinh học và di sản văn hóa có giá trị nổi bật toàn cầu, rất hiếm gặp trên thế giới; hệ thống các điểm hóa thạch cúc đá và hai mảnh vỏ ở Cư Jut; núi lửa và cảnh quan miệng núi lửa (ở Chư B’Luk và đèo 52 Quảng Phú); thác và cảnh quan thác nước (Dray Sap – Gia Long, Trinh Nữ, Lưu Ly, thác Lụa); đá bán quý (opal-chalcedon nguyên khối, nặng vài chục tấn ở Đắk Mil). Trong đó, hệ thống hang động núi lửa là điểm nhn đặc biệt.
Khu vực Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông được đánh giá có tính đa dạng sinh học cao, đa dạng cả về hệ sinh thái rừng và các loài động vật cũng như thực vật. Hệ sinh thái rừng bao gồm 4 nhóm hình thái cảnh quan: quần hệ thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp, quần hệ thường xanh nhiệt đới gió mùa, thảm thực vật thủy sinh nước ngọt và thảm thực vật nhân tạo. Điều làm tăng giá trị cho Công viên Địa chất Đắk Nông là nó nằm giữa vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa với những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể như: Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Sử thi Ót N’drong, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, VQG Tà Đùng, cụm thác Đ’ray Sáp, Trinh Nữ, Gia Long và VQG Yok Đôn (Đắk Lắk).
Một số loại hình du lịch địa học tại Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông
Du lịch tham quan núi lửa
Theo khảo sát, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông hiện có 5 miệng núi lửa, bao gồm núi lửa Nâm Blang (Chư B’luk), núi lửa Băng Mo (Ea Tling), núi lửa Nâm Gle (Thuận An), núi lửa Nam Dơng, cụm núi lửa Nâm Kar. Các núi lửa này là nơi lưu giữ lịch sử kiến tạo địa chất của lớp vỏ trái đất in dấu lên vùng đất nơi đây.
Hiện nay, các núi lửa trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đều có đường giao thông dẫn đến chân núi, du khách có thể dễ dàng tiếp cận tham quan. Để tham quan đỉnh núi lửa, du khách cần chuẩn bị trang phục gọn gàng dễ di chuyển, mang áo, mũ chống nắng, nước uống, giày thể thao hoặc giày đi địa hình vì quãng đường đi bộ từ dưới chân lên đỉnh các núi lửa trung bình khoảng 400 – 500m, riêng đường lên núi lửa Chư B’luk khoảng 2km. Ngoài ra, du khách nên tránh đi vào thời gian từ tháng 4 đến tháng 7 vì là mùa mưa, đi lại sẽ khó khăn nếu gặp trời mưa, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ có thể lên đến 36 – 380C dễ gây mệt mỏi, mất sức.
Du lịch khám phá hệ thống hang động
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có hệ thống 46 hang động đã được phát hiện, khảo sát và đo vẽ chi tiết với tổng chiều dài gần 10.000m trong đá bazan, phân bố ở khu vực Đray Sáp – Chư R’Luh, được phát hiện trong giai đoạn từ năm 2007 – 3/2018. Ngoài ra còn một số hang đã phát hiện, khảo sát sơ bộ, chưa đo vẽ chi tiết. Hệ thống hang động núi lửa đã được Hiệp hội Hang động Núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về cả quy mô, độ dài và tính độc đáo. Theo đó, hang C7 có dạng ống dài 1.191,7m là hang dung nham núi lửa dài và lớn nhất Đông Nam Á, hang C8 dài 765,1m xếp thứ nhì Đông Nam Á. Trong hang động có nhiều cấu tạo đặc trưng cho quá trình phun trào của núi lửa như các ngấn dung nham, hố sụt.
Thời gian phù hợp để khám phá hang động là mùa khô, lạnh từ tháng 10 đến tháng 3. Du khách cần được hướng dẫn các kỹ năng cần thiết để khám phá hang động, đặc biệt chú ý không được tác động đến trần, vách hang có thể gây tổn hại đến di sản đồng thời gây nguy hiểm cho du khách. Để tiếp cận các hang động, du khách phải đi bộ đường rừng từ 1,5 – 5km. Do vậy cần chuẩn bị nước uống, trang phục, phụ kiện phù hợp, đèn chiếu sáng… Trong hang động có rất nhiều nhánh và thiếu ánh sáng, có sinh vật tự nhiên (dơi) sinh sống, du khách cần nắm thông tin để có sự chuẩn bị khi khám phá hang động.
Du lịch tham quan hệ thống hồ, thác nước
Đến với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, du khách được khám phá hồ Tà Đùng (diện tích khoảng 5000ha) với hơn 40 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau được ví như vịnh Hạ Long ở Tây Nguyên; cụm thác Dray Sap – Dray Nur mang vẻ đẹp hoang sơ; thác Trinh Nữ có nhiều hang đẹp trong một quần thể núi đá hùng vĩ; thác Gia Long – thác Lụa mát rượi và tuyệt đẹp…
Du lịch khám phá các VQG, khu bảo tồn thiên nhiên
Du khách đến với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông không thể bỏ qua các khu VQG và khu bảo tồn thiên nhiên.
VQG Yok Đôn là khu rừng sinh trưởng ở độ cao 200 – 300m, trên vỏ phong hóa đá trầm tích lục nguyên cát bột kết tuổi Jura sớm – giữa (cách nay 201 triệu – 163 triệu năm) được lắng đọng trong môi trường biển cổ. Đây là khu vực rất quan trọng đối với công tác bảo tồn các loài quý hiếm/có nguy cơ tuyệt chủng, gồm: nai cà-toong, chà vá chân đen, vượn đen má trắng, voi châu Á, bò tót, bò rừng, hổ, gà tiền mặt đỏ, công, niệc nâu, diều cá, diều xám, cắt nhỏ hông trắng, già đẫy nhỏ… Hệ sinh thái rừng khộp ở đây có tới hàng chục loài động thực vật thuộc danh mục các loài đang bị đe dọa ở cấp toàn cầu do IUCN đề nghị (riêng thú đã có 17 loài). Đây cũng là nơi có khu hệ chim đa dạng và phong phú bậc nhất Việt Nam.
Khu rừng đặc dụng cảnh quan Dray Sap là khu rừng sinh trưởng ở độ cao 350 -450m, có tính đa dạng sinh học cao liên quan tới kiểu rừng đặc trưng là: rừng gỗ tự nhiên lá rộng thường xanh đi cùng với hệ sinh thái hang động núi lửa. Mặc dù tính đa dạng sinh học không cao nhưng Dray Sap là nơi chứa đựng nhiều loài sinh vật đặc hữu. Quần thể di sản ở khu rừng đặc dụng cảnh quan Dray Sap là điểm nhấn đặc biệt thu hút du khách trong và ngoài nước kể từ khi hang động núi lửa được phát hiện, xác lập (2007) và công bố báo chí quốc gia (2014).
Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung là khu rừng sinh trưởng chủ yếu trên vỏ phong hóa granitoid tuổi Creta muộn (cách ngày nay 100 triệu – 66 triệu năm) với độ cao phân bố hiện tại trung bình 800 – 1200m so với mực nước biển, với 3 kiểu thảm thực vật chính là: rừng nhiệt đới thường xanh núi thấp, rừng nhiệt đới thường xanh đất thấp và kiểu rừng nửa rụng lá đất thấp. Nâm Nung có tổng số 881 loài thực vật bậc cao, trong đó có 75 loài có nguy cơ bị tuyệt chủng có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ thế giới như cẩm lai, gõ đỏ, gõ mật, sao đen, dầu mít, sến mủ, sao lá cong, dầu nước… Về hệ động vật có 58 loài thú, 33 loài bò sát, 127 loài chim. Ngoài ra, nơi đây còn chứa 4 kiểu di sản địa chất ngoạn mục, 2 di sản văn hóa tạo nên một quần thể di sản hỗn hợp rất có giá trị, thu hút du khách trong và ngoài nước…
Với điều kiện khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng tốt, nhiều tiềm năng về di sản địa chất, địa mạo, di sản văn hóa…, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.