Đáng chú ý, thiếu sản phẩm du lịch đa dạng và các điểm đến du lịch mới đang gây ra áp lực đáng kể cho những điểm đến vốn đã phổ biến, làm tăng rủi ro quá tải.
Tỷ lệ du khách quốc tế và nội địa tăng nhanh trong thời gian qua sau khi dỡ bỏ các rào cản đi lại và nối lại đường bay quốc tế, các điểm đến phổ biến trong nước đang phải đối mặt với tình trạng quá tải du lịch ngày càng tăng làm tăng rủi ro về trải nghiệm của du khách bị xuống cấp trong bối cảnh cơ sở hạ tầng và đội ngũ nhân sự của toàn ngành chưa được chuẩn bị đầy đủ sau khi ngấm đòn Covid-19.
Mật độ du khách tăng lên trong thời gian qua đã dẫn đến những vấn đề về quá tải, ùn tắc giao thông, ô nhiễm, đặc biệt ở những điểm đô thị vốn đã đông dân như Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Hầu hết đầu tư cho hạ tầng du lịch trong những năm qua chỉ tập trung vào mở rộng nguồn cung cơ sở lưu trú để bắt kịp với tăng trưởng về lượt khách.
Tuy nhiên, những cải thiện về năng lực cung cấp dịch vụ và hạ tầng thiết yếu khác để hỗ trợ số lượt khách tăng nhanh lại chưa bắt kịp. Thách thức này cùng với công tác quản lý yếu kém đã trở nguyên nhân chính khiến phần lớn khách hàng không hài lòng đối với địa điểm du lịch theo kết quả nghiên cứu của Vietnam Report.
Để khắc phục những hạn chế chế nói trên, theo đánh giá của Vietnam Report, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ và địa phương trong việc thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú, khu vui chơi, giải trí, việc xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới phù hợp với xu hướng là rất cần thiết.
Khảo sát khách du lịch của Vietnam Report cho thấy những nội dung được quan tâm khi tìm kiếm thông tin liên quan đến du lịch bao gồm: thông tin chi tiết về các dịch vụ du lịch; Du lịch gắn với phát triển bền vững, bảo tồn thiên nhiên; Thông điệp hấp dẫn; Ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm cho khách; và Hình ảnh được lồng ghép trong các bộ phim, MV ca nhạc…
Ngành Du lịch đang thiếu trầm trọng nhân lực có chuyên môn cao, đặc biệt là quản trị cấp cao. Nguồn cung lao động và chất lượng nhân sự lao động ngày càng không có khả năng bắt kịp với nhu cầu khi ngành đang tăng trưởng nhanh.
Trong khi đó, hiện nguồn cung lao động du lịch cũng chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Theo thống kê của Bộ VH-TT&DL, trong năm 2020, các doanh nghiệp trong ngành du lịch phải cắt giảm nhân sự từ 70-80%. Trong năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, 10% lao động làm việc cầm chừng.
Thực tế này khiến nhiều lao động phải chuyển nghề vì mưu sinh, dẫn đến thất thoát nhân lực nặng nề đối với ngành du lịch và đây thực sự là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ trong du lịch. Các chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report đều cho rằng trong bối cảnh chung hiện nay, thật sự Việt Nam rất thiếu nhân lực có trình độ, có tay nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế và có đủ niềm đam mê để làm trong ngành du lịch.