Đây là thông tin được cung cấp tại hội thảo “Kinh doanh khách sạn tại Việt Nam – Thực trạng và thách thức” do Liên chi hội Khách sạn Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 7/12.
Theo Liên chi hội Khách sạn Việt Nam, nhiều cơ sở lưu trú du lịch tiếp tục duy trì được chất lượng, thương hiệu đẳng cấp quốc gia và quốc tế. Hàng năm đều có hàng chục khách sạn, resort của Việt Nam vinh dự được nhận giải thưởng của Hội đồng giải thưởng du lịch thế giới (WTA). Tuy nhiên, trong những năm 2020, 2021 và 2022, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc đầu tư, phát triển cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam bị chững lại. Bên cạnh đó, xu hướng tiếp thị thay đổi nên những hình thức tiếp thị theo kiểu truyền thống đã không còn hiệu quả và đòi hỏi các khách sạn chuyển sang hình thức tiếp thị trực tuyến, gồm các kênh OTA (đại lý du lịch trực tuyến), website, quảng cáo facebook, google… Mặc dù, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình số hóa trong hầu hết lĩnh vực kinh tế – xã hội nói chung và khách sạn nói riêng, nhưng mức độ chuyển đổi số tại các khách sạn có quy mô nhỏ còn hạn chế. Các khách sạn này cho thấy, gặp một số khó khăn như thiếu hụt nguồn lực, rào cản trong văn hóa doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu…
Theo một số chuyên gia, khi du lịch thế giới phục hồi, ngành du lịch toàn cầu phải đối mặt với những cạnh tranh mới giữa các quốc gia và điểm đến, mang lại cơ hội cho một số nước như Việt Nam sẽ trở thành điểm đến du lịch được lựa chọn. Hay nói cách khác, các đơn vị kinh doanh khách sạn hoạt động trong điều kiện mới, hoàn cảnh mới, cơ hội mới… thì cũng cần tư duy và cách làm mới. Điển hình, hoạt động kinh doanh khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch cần được tổ chức an toàn, khoa học với sự phối hợp thống nhất, đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành. Đồng thời, sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp và du khách đóng vai trò quan trọng đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng, phát triển bền vững, cũng như chuẩn bị lực lượng cho giai đoạn phục hồi thị trường du lịch quốc tế từ năm 2023.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch chỉ ra rằng, giai đoạn 2023 – 2025 là giai đoạn phục hồi của ngành du lịch sau tác động của đại dịch COVID-19. Dự báo của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, mục tiêu chính của ngành Du lịch đến năm 2025 là phấn đấu đón được ít nhất 18 triệu lượt khách quốc tế và 90 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 37%/năm và khách nội địa khoảng 6,3%/năm. Đối với số lượng và nhu cầu buồng lưu trú tăng khoảng 100.000 buồng so với năm 2019. Để thúc đẩy phát triển du lịch và cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2025, ngành du lịch cần có chính sách khuyến khích các loại hình đầu tư xanh, phát triển hạ tầng xanh, xây dựng công trình xanh thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực du lịch. Ngành du lịch cũng nên ưu tiên nguồn lực, đầu tư thích đáng cho chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ hiện đại trong ngành; khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình lưu trú để đáp ứng nhu cầu nhiều phân khúc thị trường khác nhau…
Đánh giá cao những nỗ lực vượt khó của các đơn vị kinh doanh khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch trong thời gian vừa qua, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, đơn vị kinh doanh khách sạn, cơ sở lưu trú phát triển bền vững, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Liên chi hội Khách sạn Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nhiều cơ chế, chính sách mới. Trên thực tế, thị trường du lịch Việt Nam phục hồi nhanh, nhất là thị trường nội địa, ngành du lịch rất kỳ vọng vào những giải pháp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp để bắt kịp xu hướng mới.
Đồng quan điểm, bà Đỗ Hồng Xoan, Chủ tịch Liên chi hội Khách sạn Việt Nam cho rằng, cùng với sự hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ sở lưu trú du lịch cũng cần quan tâm thực hiện một số giải pháp kịp thời thích ứng với lĩnh vực kinh doanh khách sạn hậu COVID-19. Các cơ sở lưu trú du lịch cần chuẩn bị tốt cơ sở vật chất và nguồn nhân lực đảm bảo đáp ứng yêu cầu phục hồi của ngành du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý và phục vụ khách; tích cực tham gia xúc tiến quảng bá, kích cầu du lịch… Đặc biệt, các đơn vị kinh doanh khách sạn phải chú trọng duy trì công tác bảo vệ môi trường góp phần giảm chi phí và phát triển du lịch bền vững.