Hiện nay, trong hệ thống chỉ tiêu báo cáo du lịch định kỳ của Bộ VH-TT-DL (tại Thông tư số 17/2021/TT-BVHTTDL) chỉ yêu cầu báo cáo số lượt khách du lịch nội địa toàn quốc và tổng thu từ khách du lịch kèm theo hướng dẫn phương pháp tính toán, mà không có hướng dẫn hay yêu cầu báo cáo số lượt khách quốc tế đến Việt Nam và các tỉnh thành. Điều này dẫn đến mỗi địa phương có một cách thống kê khác nhau.
Cụ thể, theo ngành du lịch TPHCM, có 1,38 triệu lượt khách đến TPHCM trong 8 tháng đầu năm 2022; 2,11 triệu lượt trong 9 tháng; 2,65 triệu lượt trong 10 tháng; và 3,1 triệu lượt trong 11 tháng. Thế nhưng, Tổng cục Du lịch và Tổng cục Thống kê cho hay, khách quốc tế đến Việt Nam cùng kỳ tương ứng là 1,4 triệu lượt khách quốc tế cho 8 tháng đầu năm; 1,87 triệu lượt cho 9 tháng; 2,35 triệu lượt cho 10 tháng; và 2,95 triệu lượt cho 11 tháng. Điều này cho thấy số liệu thống kê chênh lệch khá lớn!
PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch, cho biết, thống kê khách quốc tế của nhiều địa phương thực chất không phải là số lượt khách đi du lịch thuần túy, mà chỉ là số lượt khách đi lại giữa các tỉnh. Số lượt này sẽ cao gấp 2,5-3 lần trong một chuyến đi của khách quốc tế đến Việt Nam, từ đó tổng lượt khách đến một địa phương được tính cao hơn rất nhiều so với thực tế. Điều này dễ dẫn đến nhầm lẫn, vì nếu như lấy tổng lượt khách di chuyển liên tỉnh nhân với chi tiêu bình quân mỗi khách trong một chuyến du lịch ở Việt Nam thì sẽ có tổng doanh thu du lịch rất lớn.
Số liệu tổng lượt khách quốc tế, nội địa tại một điểm đến du lịch chỉ là các thông số tham khảo. Điều quan trọng là TPHCM nói riêng, các địa phương nói chung cần có số liệu tổng doanh thu từ khách du lịch, số ngày lưu trú và mức chi tiêu bình quân mỗi khách tại địa phương để đánh giá cũng như dự báo tăng trưởng ngành du lịch trong tương lai. Từ số liệu đúng sẽ có hoạch định chính sách chính xác để phát triển ngành “công nghiệp không khói” đúng hướng.