Việt Nam tự hào có bề dày “trầm tích” cà phê, với hơn 100 năm phát triển. Trong đó, cách pha cà phê bằng phin chính là nét văn hóa thưởng thức cà phê đậm chất đã ăn sâu vào tiềm thức biết bao người Việt.
Nét độc đáo, truyền thống của cà phê Việt
“Những giọt cà phê đen đặc, anh ngồi một mình khuấy loãng thời gian…” (Catinat cà phê sáng – Phú Quang) là hình ảnh quen thuộc khi thưởng thức cà phê của người Việt Nam. Và hơn thế, cà phê phin đã mang một nét đặc trưng riêng, bản sắc riêng của người Việt Nam.
Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, pha cà phê bằng phin là cách pha thủ công theo chân người Pháp đến Việt Nam từ thế kỷ 19. Cho đến nay, cách pha này vẫn đang rất thịnh hành ở tất cả các quán cà phê trên mọi miền đất nước. Từ một thức uống du nhập, theo thời gian, ly cà phê pha phin đã trở thành nét đặc trưng văn hóa chỉ có ở Việt Nam, không thể trộn lẫn trong cách uống cà phê của các quốc gia trên thế giới. Ly cà phê phin đặc biệt ở chỗ, người ta có thể thưởng thức chậm rãi để cảm nhận vị đậm đà của từng giọt nâu thấm nơi đầu lưỡi quyện với hương thơm quyến rũ của hạt cà phê được rang xay đúng độ… “Trong đa dạng cách pha hiện nay thì cà phê phin của người Việt được đánh giá là vẫn giữ nguyên hương vị. Nếu pha máy chiết xuất tối đa các chất có trong hạt cà phê, thì pha phin có thể không chiết xuất tốt bằng, sử dụng nguyên liệu nhiều hơn nhưng giữ được những hương vị đặc trưng của cà phê lâu hơn, tốt hơn”, ông Minh nói.
Thi pha chế cà phê bằng phin tại Cuộc thi Rang cà phê Việt Nam 2022. |
Hiện nay, “gu” thưởng thức cà phê của người Việt thường nghiêng về vị đậm, đắng và thơm mùi trái cây nhiệt đới. Tùy vùng miền, độ tuổi mà “gu” thưởng thức cà phê theo nhiều kiểu khác nhau và không theo chuẩn mực nào. Nhưng không thể phủ nhận hương vị cà phê đậm đà được chắt lọc từ phin đã trở nên quen thuộc trong nhịp sống mỗi ngày của người dân Việt.
Trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 sẽ diễn ra Cuộc thi Pha chế cà phê đặc sản Việt Nam năm 2023 cho các đối tượng chính là những Barista chuyên nghiệp và các chuyên gia có kinh nghiệm trong phân khúc cà phê đặc sản. |
Là người làm trong ngành hàng thức uống cà phê, chị Đặng Lê Minh Thư (TP. Nha Trang) chia sẻ, phin là nét truyền thống gần gũi, quen thuộc trong thưởng thức cà phê Việt Nam. Đặc biệt, đối với TP. Nha Trang, khách du lịch tìm đến cà phê rất nhiều, nhất là khách nước ngoài, vì vậy ly cà phê pha phin dễ dàng tiếp cận với khách du lịch để giới thiệu đến họ nét văn hóa đặc thù của người việt.
Tìm quy trình chuẩn cho cà phê phin
Khi mới du nhập, thứ thức uống này chỉ dành riêng cho giới quý tộc, các quan chức Pháp, hay tầng lớp trí thức nơi thành thị. Dần dần cà phê trở thành thức uống phổ biến trong cuộc sống của người dân. Mặc dù, để tạo nên một ly cà phê phin cần nhiều “thủ thuật” và sự tinh tế, nhưng do cách thức pha phin chủ yếu được người này chỉ cho người kia nên không theo một chuẩn mực nào, mỗi người pha mỗi kiểu.
Theo ông Trịnh Đức Minh, không phải ngẫu nhiên mà cà phê tồn tại trên thế giới hàng trăm năm qua, bởi ngoài yếu tố dược tính, tính lợi ích của loại hạt này, còn có yếu tố văn hóa thưởng thức và tính xã hội thông qua ly cà phê. Trong một thị trường đa dạng và hướng đến cà phê chất lượng cao thì cà phê phin đáng được gìn giữ, phát huy, bởi các loại cà phê pha máy không phát huy được hết các hương vị của hạt cà phê Robusta – loại cà phê đặc trưng của Việt Nam, của vùng Tây Nguyên.
Cà phê pha phin luôn đòi hỏi người pha chế sự tinh tế trong việc tạo sự đồng đều về chất lượng từng ly cà phê. (Trong ảnh: thí sinh tham gia phần thi pha chế bằng phin trong cuộc thi Rang cà phê Việt Nam). Ảnh: Minh Thuận |
Để không làm mất đi giá trị văn hóa của cà phê phin, đồng thời xây dựng cơ sở khoa học và quy trình công nghệ chuẩn cho pha phin, Hiệp hội đã tổ chức các cuộc thi về cà phê quy mô cấp quốc gia như: Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam; Cuộc thi Rang cà phê Việt Nam và sắp tới là Cuộc thi Pha chế cà phê đặc sản Việt Nam. Thông qua các cuộc thi, Việt Nam đã xây dựng được nguồn nguyên liệu chuẩn, có lực lượng rang xay chuẩn và đội ngũ pha chế chuẩn. Đây là dịp các chuyên gia ngồi lại với nhau đưa ra những cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn để góp ý và cuối cùng để xác định được các tiêu chí trong quy trình pha cà phê phin chuẩn.
Anh Tạ Tuấn Anh (TP. Hồ Chí Minh) – người đạt giải quán quân trong Cuộc thi Rang cà phê Việt Nam năm 2022 chia sẻ: Các cuộc thi là cơ hội để những người trong ngành hàng cà phê bổ sung thêm kiến thức cần học từ những chuyên gia nhằm hoàn thiện các tiêu chí cho vị cà phê pha phin của mình. Để văn hóa pha phin được phát triển thì đầu tiên cần tập trung vào những loại cà phê chất lượng tốt, có lợi cho sức khỏe. Tiếp đó là những người rang và pha chế cần đầu tư nhiều hơn cho ly cà phê pha phin, để khai thác pha phin ở nhiều khía cạnh khác nhau nhằm phục vụ sở thích đa dạng của khách hàng từ “gu” đậm cho đến nhạt, từ loại cà phê Robusta đến Arabica. Bên cạnh đó, cần chỉn chu hơn từ hình thức đến chất lượng cà phê và người pha chế nhằm thay đổi cách nhìn nhận của người tiêu dùng là cà phê phin là “bình dân” là “rẻ tiền”. Chúng ta có thể bán 1 ly cà phê phin từ 50 – 60 nghìn đồng như các loại cà phê khác. Chúng ta cần khẳng định vị thế của mình trong dòng chảy văn hóa cà phê của thế giới.