Theo quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ ngày 28/2/2023, “Di tích lịch sử số 4 Nguyễn Du” được sửa đổi thành “Di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại”
Di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại trước đây có tên là Di tích lịch sử quốc gia số 04 Nguyễn Du, tọa lạc tại số 02 Y Ngông, phường Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột. Ngày 26/1/1999, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ban hành Quyết định số 02/1999/QĐ-BVHTT xếp hạng Di tích quốc gia đối với “Di tích lịch sử số 04 Nguyễn Du”.
Di tích có diện tích gần 6,5 ha gồm một tòa Biệt điện và một nhà nài voi, bao quanh là những cây cổ thụ, cây ăn trái, cây cảnh xanh tươi, được trồng theo mô típ đối xứng quen thuộc như các dinh của Bảo Đại ở các nơi khác.
Tuy nhiên, tên gọi Di tích lịch sử số 04 Nguyễn Du là cách gọi theo địa chỉ đường phố lúc bấy giờ, không gắn với sự kiện, nhân vật lịch sử liên quan trực tiếp của di tích và chỉ có một số người biết đến, sử dụng. Mặt khác, năm 2010, trong quá trình chỉnh trang đô thị, tuyến đường Nguyễn Du, đoạn đi qua Di tích này, đã được điều chỉnh thành tên đường Y Ngông. Địa chỉ mới của di tích là số 02 Y Ngông, do đó tên gọi theo địa chỉ số 04 Nguyễn Du không còn phù hợp.
Di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại (phường Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột).(Ảnh: BTĐL) |
Vì vậy, ngày 24/12/2020, UBND tỉnh đã có văn bản số 155/TTr-UBND đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đổi tên “Di tích lịch sử số 4 Nguyễn Du” thành “Di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại”.
Ngày 28/2/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định số 425/QĐ – BVHTTDL về việc sửa đổi tên di tích tại Điều 1 Quyết định số 02/1999-QĐ-BVHTT ngày 26/1/1999 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin về việc xếp hạng di tích quốc gia. Theo đó, sửa đổi tên “Di tích lịch sử số 4 Nguyễn Du” thành “Di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại”
Học sinh tham quan, tìm hiểu tại Di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại (phường Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột). (Ảnh: BTĐL) |
Di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại là một điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách muốn tìm hiểu về vị vua cuối cùng của Việt Nam cũng như những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của triều đại phong kiến Việt Nam tại Đắk Lắk. Việc đổi tên sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc phát huy giá trị, công năng của di tích; đồng thời, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm của công chúng khi đến với các di tích trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo Bảo tàng Đắk Lắk cho biết, sắp tới sẽ tổ chức mở cửa, trưng bày, tổ chức trải nghiệm trong không gian Biệt điện, nhằm giới thiệu đến công chúng không gian sống, làm việc của Cựu hoàng Bảo Đại; những tư liệu lịch sử về vùng đất Hoàng triều cương thổ và nét văn hóa phong kiến Việt Nam xưa.