Sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nếu sớm được “đánh thức” huyện Krông Búk hứa hẹn sẽ trở thành điểm tham quan, nghỉ dưỡng lý tưởng trong bản đồ du lịch Đắk Lắk với những sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo.
Huyện Krông Búk cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột khoảng 50 km, hệ thống hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi với đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 cũ), Quốc lộ 29 và Tỉnh lộ 8 đi qua, là cầu nối giao thương hàng hóa giữa tỉnh Đắk Lắk với tỉnh Gia Lai và các tỉnh duyên hải miền Trung.
Khí hậu ở đây quanh năm mát mẻ. Buổi sáng sớm và chiều tối xuất hiện sương mù tại đèo Kty, buôn Ea Nho (xã Chư Kbô) và khu vực trung tâm huyện (xã Cư Né). Cùng với đó, trên địa bàn huyện còn có hệ thống rừng thông phòng hộ dọc tuyến đường Hồ Chí Minh và nhiều hồ đập, thác nước, cảnh quan núi rừng tự nhiên thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng.
Đơn cử như thác Ea Brơ (xã Ea Sin) cách trung tâm huyện Krông Búk 11 km. Thác Ea Brơ cao khoảng 30 m, có rừng nguyên sinh bao quanh với nhiều thân cây cổ thụ, tạo nên nét đẹp nguyên sơ của núi rừng. Đường đến thác Ea Brơ tương đối thuận lợi, được bê tông hóa đến tận nơi, thu hút nhiều người dân địa phương đến tham quan trong các dịp lễ, Tết. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 4 thắng cảnh tiềm năng khác như: thác Dray Drak (xã Cư Pơng), suối Ea Súp cách UBND xã Ea Sin 12 km, giáp huyện Cư M’gar, bến nước buôn Ea Nur (xã Pơng Drang) gắn liền với lễ hội cúng bến nước của đồng bào Êđê và suối đá thôn 8, xã Ea Ngai.
Thác nước Ea Brơ ở xã Ea Sin (huyện Krông Búk) thu hút người dân địa phương đến tham quan. |
Bên cạnh những tiềm năng về du lịch sinh thái, các cấp chính quyền huyện Krông Búk đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Huyện có 42 buôn dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ, với 270 nhà dài mái tôn, ngói; 192 bộ chiêng knah; 302 nghệ nhân biết diễn tấu cồng chiêng; 12 nghệ nhân biết chỉnh chiêng; 32 nghệ nhân biết chế tác nhạc cụ; 86 nghệ nhân biết xử luật tục; 40 thầy cúng… Hiện nay, trên địa bàn huyện có 14 dân tộc cùng chung sống. Mỗi dân tộc có nét đẹp văn hóa riêng, mở ra cơ hội phát triển du lịch văn hóa địa phương rất đa dạng. Hằng năm, UBND huyện đều quan tâm, chú trọng phục dựng một số nghi lễ truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn gắn với diễn tấu cồng chiêng như: lễ mừng cơm mới, cúng sức khỏe, cúng bến nước, lễ cầu mưa…
Lễ mừng cơm mới của người Êđê ở xã Cư Né (huyện Krông Búk). |
“Với mong muốn làm “thức dậy” những tiềm năng du lịch của huyện, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân, huyện Krông Búk đang tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư vào hai dự án gồm: thác Dray Drak (xã Cư Pơng) và thác Ea Brơ (xã Ea Sin)”. Ông Ngô Trung Vinh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Krông Búk
|
Mặc dù sở hữu tài nguyên thiên nhiên và văn hóa để phát triển du lịch khá phong phú, đa dạng nhưng do thiếu nguồn lực cũng như khó khăn trong công tác quảng bá, thu hút đầu tư nên hiện nay trên địa bàn huyện Krông Búk vẫn chưa có hệ thống khu, điểm du lịch. Phần lớn hạ tầng cơ sở, đường giao thông dẫn vào các điểm du lịch đi lại rất khó khăn, cơ sở ăn uống còn nhỏ lẻ, tự phát. Chất lượng nguồn nhân lực về du lịch thấp, chưa được đào tạo bài bản. Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch cũng gặp nhiều trở ngại do thu nhập từ các mặt hàng thủ công còn thấp, chưa có sự gắn kết giữa làng nghề, nghệ nhân, thợ thủ công và các doanh nghiệp trong mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu nên hoạt động du lịch vẫn còn khá mới mẻ với địa phương.
Để khơi dậy tiềm năng du lịch, ông Ngô Trung Vinh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho rằng, chính quyền địa phương cần tập trung huy động các nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu, điểm du lịch và hệ thống giao thông đường nội bộ thôn, buôn dẫn đến các điểm du lịch; tổ chức các sự kiện văn hóa – du lịch; chú trọng công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo các khu, điểm du lịch luôn “xanh – sạch – đẹp”. Đồng thời, bảo tồn các giá trị văn hóa, đầu tư xây dựng lại bến nước, làng nghề truyền thống…
Việc biến những tiềm năng của huyện trở thành sản phẩm du lịch cụ thể vẫn là chặng đường dài phía trước. Trước mắt, cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Krông Búk sẽ cùng người dân nỗ lực quảng bá để du khách biết đến mảnh đất, con người nơi đây; tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đặc biệt là Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên bằng việc mở các lớp dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ, phục dựng các lễ hội, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc, khôi phục một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ; nâng cao trình độ, năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ cho cán bộ quản lý nhà nước về du lịch… Hy vọng với tiềm năng du lịch phong phú, huyện Krông Búk sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư xây dựng những điểm du lịch sinh thái nông nghiệp, homestay hấp dẫn trong tương lai gần.