Các lễ hội địa phương đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, không chỉ bảo tồn văn hóa mà còn là tài nguyên để phát triển du lịch.
Dấu ấn riêng của các dân tộc
Đắk Lắk có 49 dân tộc anh em cùng chung sống. Mỗi dân tộc có các tập tục, văn hóa dân gian, nghi thức, nghi lễ riêng…, từ đó tạo nên các lễ hội, gắn liền với từng vùng đất, từng giai đoạn lịch sử giúp con người nhớ về cội nguồn, về dân tộc… Chính điều này làm cho lễ hội của các địa phương mang nét đặc sắc và hấp dẫn riêng.
Đơn cử như Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc tại xã Ea Tam (huyện Krông Năng), là hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng sinh sống tại đây. Lễ hội này vẫn được người dân gọi với cái tên “Chợ tình Ea Tam” tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng hằng năm, đã trở thành thương hiệu được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến và lựa chọn.
Thi gói bánh dày – nét đẹp văn hóa tại Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc tại xã Ea Tam (huyện Krông Năng). |
Năm nay, lễ hội này thu hút hàng nghìn người tham dự. Đến đây, du khách được trải nghiệm các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đặc trưng của người Tày, Nùng như thi đấu các trò chơi dân gian; thưởng thức các món ăn truyền thống; nghe lời then, tiếng đàn tính của người Tày, Nùng… Hơn thế, nhân dịp này, bà con, người thân ở xa trở về dự hội có dịp cùng nhau trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe, công việc, mùa màng sau một năm làm lụng vất vả; nam nữ gặp gỡ tâm tình, hẹn ước, nên duyên vợ chồng; lồng ghép với đó là các hoạt động bán những mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm, ẩm thực, sản vật địa phương, vừa đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của người dân, lại vừa hấp dẫn khách du lịch…
“Để khai thác tốt tiềm năng du lịch từ lễ hội, ngoài việc thường xuyên tuyên truyền, phối hợp với các địa phương phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống; tổ chức truyền dạy, bảo tồn văn hóa truyền thống và đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh văn hóa, du lịch của các địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn các địa phương pháp lý hóa các lễ hội để các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch có cơ sở xây dựng các chương trình du lịch phục vụ khách” – bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. |
Lễ hội văn hóa dân gian và ẩm thực truyền thống dân tộc Êđê xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) lại mang một màu sắc khác biệt, chú trọng khai thác giá trị văn hóa của dân tộc Êđê. Tham dự lễ hội, du khách được nghe hát Ayray, nghe đánh chiêng, ngắm nhìn những sản phẩm vật dụng được làm ra từ những bàn tay tài hoa của những nghệ nhân như váy, áo thổ cẩm, các vật dụng đan lát, đẽo khắc từ gỗ; thăm bến nước Ea Sah thường gọi là bến nước Đăm Di (gắn liền với sự tích anh hùng Đăm Di trong sử thi Đăm Di của người Êđê) mát rượi dưới tán cổ thụ…
Trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều lễ hội khác như Lễ hội Khai hạ của dân tộc Mường tại xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông); Lễ hội Lồng tồng của người Tày, Nùng ở huyện Cư M’gar; Lễ hội đua thuyền tại huyện Krông Ana, Lễ hội Bunpimay của người Lào tại Buôn Đôn… Mỗi lễ hội có nét đặc sắc riêng, nhưng đều là nguồn lực quan trọng trong phát triển du lịch, góp phần quảng bá hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Nâng tầm lễ hội
Xác định tiềm năng và nguồn lực để phát triển du lịch trong lễ hội, thời gian qua, nhiều địa phương đã có sự sáng tạo, chủ động trong khâu tổ chức, đầu tư nhân lực, vật lực để nâng tầm, mang đến một lễ hội vừa mang đậm dấu ấn văn hóa, vừa đáp ứng được nhu cầu của người tham dự.
“Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc tại xã Ea Tam (huyện Krông Năng) năm nay đã có nhiều sự đổi mới. Chính quyền địa phương chú trọng đầu tư cả về cơ sở vật chất và hình thức tổ chức như địa điểm gửi xe rộng rãi, bố trí công an xã trực an ninh trật tự, tổ chức thêm nhiều trò chơi, khu ẩm thực… nhằm đáp ứng và mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho người dân và du khách”, bà La Bế Thủy Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tam cho biết.
Còn ở Lễ hội văn hóa dân gian và ẩm thực truyền thống dân tộc Êđê xã Ea Tul (huyện Cư M’gar), không chỉ xây dựng chương trình khai thác thế mạnh về văn hóa, năm nay Ban tổ chức còn lựa chọn gương mặt đại diện truyền thông là cô gái Êđê H’Phylis Ktla, giới thiệu những nét đặc sắc, văn hóa đặc trưng của mảnh đất Ea Tul đến với đông đảo du khách khắp mọi miền. H’Phylis Ktla bày tỏ: “Là người con của xã Ea Tul, tôi rất vui mừng vì có thể đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào việc quảng bá du lịch xã nhà thông qua việc làm gương mặt đại diện của Lễ hội, làm cầu nối để đưa văn hóa truyền thống của dân tộc đến với bạn bè gần xa”.
Du khách trải nghiệm mặc trang phục truyền thống và vui chơi tại Lễ hội văn hóa dân gian và ẩm thực truyền thống dân tộc Êđê xã Ea Tul (huyện Cư M’gar). |
Chương trình “Lễ hội Bunpimay – Vui Tết Lào 2566” năm 2023 sắp diễn ra tại huyện Buôn Đôn hứa hẹn nhiều điểm thú vị, bởi có nhiều hoạt động bên lề như Lễ cúng mừng năm mới, cúng cầu sức khỏe, tắm Phật, lễ tháp cát, cột chỉ tay cầu may mắn, thả hoa đăng, lễ hội té nước, múa lăm vông, cuộc thi “Người đẹp Hoa Chăm Pa”… do các đơn vị doanh nghiệp, chính quyền, đoàn thể cùng phối hợp tổ chức sẽ tạo nên một điểm nhấn du lịch mới của Đắk Lắk.
Bên cạnh các thế mạnh đã kể trên, cũng phải nhìn nhận rằng, thực tế các lễ hội địa phương có thời gian tổ chức khá ngắn, lại trùng với thời gian tổ chức các lễ hội của các địa phương khác trong tỉnh và trong nước nên đôi khi không thu hút được nhiều người tham dự. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền về lễ hội địa phương chưa sâu rộng nên các doanh nghiệp lữ hành gặp khó khăn khi khai thác để đưa vào các tour du lịch. Vì vậy, thời gian tới, các địa phương cần phải làm tốt công tác quảng bá lễ hội; đồng thời, nắm bắt xu hướng du lịch và nhu cầu của du khách để xúc tiến các thị trường khách phù hợp; kết nối với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour đưa khách về lễ hội và tổ chức đa dạng các dịch vụ phục vụ khách về dự lễ hội…
Hy vọng rằng, việc quản lý, khai thác và phát huy giá trị các lễ hội địa phương trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ hiệu quả hơn, sẽ có thêm nhiều sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, hấp dẫn để thu hút du khách đến với tỉnh nhà.