Từ tháng 6 đến tháng 10/2023, Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch ở các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch trên toàn quốc.
Bộ VH-TT&DL yêu cầu các Sở quản lý du lịch chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch trên địa bàn. Tổng cục Du lịch phối hợp với Thanh tra Bộ VH-TT&DL và các Sở quản lý du lịch kiểm tra, giám sát một số địa bàn trọng điểm phát triển du lịch. Theo đó, việc kiểm tra sẽ tiến hành ở cả 3 miền: Miền Bắc (Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An); miền Trung (Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam); miền Nam (Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang).
Tổng cục Du lịch tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ VH-TT&DL ban hành văn bản chỉ đạo các Sở VH-TT&DL, Sở Du lịch về việc tăng cường quản lý, đảm bảo chất lượng cơ sở lưu trú du lịch nhằm mục tiêu phát triển du lịch bền vững; chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hoạt động kiểm tra cụ thể.
Vụ Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các Trường đào tạo du lịch tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng về quản lý và nghiệp vụ du lịch phù hợp, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cụ thể từng giai đoạn.
Thanh tra Bộ VH-TT&DL tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý, chấn chỉnh đối với các cơ sở lưu trú du lịch quảng bá không đúng chất lượng dịch vụ, quảng cáo, niêm yết không đúng hạng sao hoặc quảng bá hạng sao khi chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận, đặc biệt kiểm tra, rà soát việc quảng bá hạng cơ sở lưu trú du lịch trên các trang mạng xã hội, hệ thống đặt phòng trực tuyến như Agoda.com, Booking.com, Traveloka.com, Facebook, Zalo…
Hoạt động này nhằm thực hiện Kế hoạch số 1819/KH-BVHTTDL về kiểm tra đảm bảo chất lượng hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam năm 2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Qua đó, nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư và người quản lý, điều hành cơ sở lưu trú về sự cần thiết phải duy trì và kiểm soát chất lượng dịch vụ, phát triển bền vững, tạo sự hưởng ứng tích cực của toàn ngành du lịch trong việc tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch, đặc biệt là giai đoạn phục hồi sau dịch COVID-19.
Hoạt động này sẽ góp phần tạo bước chuyển biến căn bản trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng dịch vụ, vệ sinh môi trường trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng theo đúng tiêu chuẩn. Các cơ sở lưu trú du lịch nâng cao ý thức ứng xử văn minh, thái độ lễ phép, thân thiện phục vụ khách đối với tất cả nhân viên.
Những năm qua, hầu hết các cơ sở lưu trú đều phải “gồng mình” trước rất nhiều khó khăn. Đến nay, khi ngành du lịch hoạt động mạnh mẽ trở lại, thị trường kinh doanh lưu trú cũng đang hưởng lợi từ sự gia tăng lượng khách du lịch quốc tế và nội địa trong năm 2023.
Tại Hà Nội, theo thống kê của Sở Du lịch, thành phố đã đón tổng cộng 8,14 triệu lượt khách trong 4 tháng đầu năm, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, lượng khách nội địa ước đạt 6,7 triệu lượt và khách quốc tế vượt xa cùng kỳ 2022, đạt 1,44 triệu lượt. Trong bối cảnh này, thị trường khách sạn tại Hà Nội cũng cho thấy những chuyển biến tích cực. Đáng nói, sự phục hồi này ghi nhận “công lớn” của thị trường khách Trung Quốc khi đất nước này chính thức mở lại các tour du lịch đến Việt Nam, đồng thời nối lại các chuyến bay thường lệ giữa hai nước từ ngày 15/3. Tính chung 4 tháng đầu năm, thị trường ghi nhận 252.136 lượt khách Trung Quốc tới Việt Nam.
Lượng khách du lịch gia tăng đã kéo theo sự cải thiện về công suất thuê, giá thuê và doanh thu của các cơ sở lưu trú. Các chuyên gia nhận định, thị trường du lịch nói chung và phân khúc khách sạn nói riêng “đã bước đầu vượt qua khó khăn sau dịch bệnh”. Tuy nhiên, nhu cầu du lịch của khách trong và ngoài nước vẫn chưa đủ để nâng công suất lên đến 100% tại các khách sạn ngay lúc này. Do đó, các cơ sở lưu trú vẫn phải chú trọng vào chiến lược vận hành hợp lý để nâng dần công suất, bảo đảm phân bổ hợp lý các hoạt động cải thiện vận hành, nâng cao chất lượng, truyền thông, thu hút khách hàng, đặc biệt cực kỳ thận trọng trong việc mở rộng quy mô nhanh chóng.
Trước bối cảnh và các xu hướng phát triển của du lịch thế giới, Tổng cục Du lịch xác định một số yêu cầu đối với việc phục hồi và phát triển ngành du lịch Việt Nam. Đầu tiên việc phục hồi và phát triển du lịch cần được triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ và nhanh chóng trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và trong khu vực đang diễn ra gay gắt trong việc thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại. Đồng thời, phải thích ứng với các nhu cầu và xu hướng du lịch mới trong khu vực và trên thế giới trong điều kiện bình thường mới. Mặt khác, trong bối cảnh các nguồn lực còn khó khăn, việc phục hồi và phát triển du lịch vừa đòi hỏi bảo đảm an toàn vừa phải bảo đảm hiệu quả về mặt kinh tế, tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, mang lại giá trị gia tăng cao hơn so với trước đại dịch. Đồng thời, không ngừng tư duy, sáng tạo, đổi mới cách làm trong việc tiếp cận thị trường và phát triển sản phẩm du lịch; đầu tư mạnh vào công nghệ trong phát triển du lịch.