Hàng loạt thách thức về nhân lực ngành du lịch Việt Nam sau Covid-19 đã được đề cập và phân tích tại hội thảo ‘Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới – Thách thức và triển vọng’, do Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (ITDR) tổ chức sáng nay (25/7) tại Hà Nội.
Ảnh minh họa. Nguồn: Thanh Hải
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết, theo đánh giá của các chuyên gia, chất lượng, năng suất lao động trong ngành du lịch và khách sạn tại Việt Nam còn thấp. Cụ thể, năng suất lao động tại khách sạn ở Việt Nam chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/10 so với Nhật Bản và 1/5 so với Malaysia. Lao động ngành du lịch có nguy cơ bị cạnh tranh việc làm ngay tại Việt Nam bởi nhân lực từ các nước ASEAN như Thái Lan, Philippines và Malaysia…. Hiện nay, lao động Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore đến Việt Nam để làm việc khá nhiều, hầu như khách sạn 4-5 sao đều có lao động nước ngoài.
Nêu ví dụ tại tỉnh Ninh Bình, ông Phạm Duy Phong – Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết số lượng khách du lịch đến với Ninh Bình ngày càng tăng, nhu cầu nhân lực trong ngành du lịch vì thế cũng tăng theo. Tuy nhiên, thực tế thì lực lượng lao động làm du lịch tại Ninh Bình đang còn thiếu cả về số lượng và chất lượng. “Số lao động trực tiếp bình quân trên một buồng lưu trú ở tỉnh Ninh Bình còn rất thấp… Năm 2019, chỉ số này chỉ đạt xấp xỉ 0,66 lao động trực tiếp trên 1 buồng lưu trú (5.600 lao động trực tiếp/8.508 buồng lưu trú)”. Trong khi đó theo quy chuẩn của ngành du lịch, bình quân các khách sạn cần khoảng 0,96 lao động/phòng.
Hội thảo “Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới – Thách thức và triển vọng” do Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (ITDR) tổ chức tại Hà Nội.
Từ góc độ cơ sở lưu trú, TS Hà Thanh Hải – lãnh đạo Công ty TNHH Du lịch Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) cho rằng thực trạng trên đòi hỏi nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực du lịch. “Ví dụ 2 khách sạn 5 sao có cùng quy mô, cùng đóng trên một địa bàn, có danh mục dịch vụ tương đồng và nhắm cùng thị trường khách hàng mục tiêu, nhưng có chất lượng dịch vụ và kết quả kinh doanh khác nhau. Khách sạn nào có đội ngũ quản lý tốt, nhân viên được tuyển dụng, được kèm cặp hướng dẫn, được đào tạo về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nghề, về thái độ phục vụ và có chính sách đãi ngộ nhân sự tốt hơn thì khách sạn đó sẽ có nhiều khách hơn, bán được giá tốt hơn và có kết quả kinh doanh tốt hơn khách sạn kia”.
TS Hà Thanh Hải cảnh báo, sự thiếu hụt lớn về số lượng nhân lực du lịch sẽ diễn ra trong một vài năm tới. Bởi lẽ trong suốt 2 năm 2020 – 2021, tác động của dịch Covid-19 khiến cho việc thực hành kỹ năng nghề cho sinh viên du lịch hầu như không triển khai được. Khóa sinh viên tốt nghiệp trong 2 năm 2020, 2021 khó tìm việc làm theo đúng chuyên ngành do các công ty lữ hành, khách sạn đóng cửa hoặc giảm quy mô hoạt động. Hơn nữa, giai đoạn 2020 – 2022, công tác tuyển sinh ngành du lịch của các trường cũng bị giảm sút đáng kể, việc không ổn định đầu vào dẫn đến khó đảm bảo đầu ra cho ngành du lịch.