Tính đến hết tháng 8, Việt Nam đã hoàn thành 98% kế hoạch của cả năm 2023. Thoạt nhìn đây là tín hiệu tích cực, nhưng khi nhìn sang các nước trong khu vực Đông Nam Á, có vẻ như chúng ta bất thành.
Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu thấp nhất trong top 5 quốc gia ASEAN.
Mục tiêu khiêm tốn
Nhìn lại năm 2019, trong khu vực Đông Nam Á có 5 nước đón khách quốc tế nhiều nhất là Thái Lan (39,8 triệu lượt); Malaysia (26,1 triệu lượt); Singapore (19 triệu lượt), Việt Nam (18 triệu lượt) và Indonesia (15,5 triệu lượt).
Sau 2 năm đại dịch Covid-19, năm 2023 Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế (đạt khoảng 44% so với 2019). Thái Lan ban đầu đặt mục tiêu đón 25 triệu lượt khách, nhưng sau đó đã điều chỉnh lên 30 triệu lượt (hơn 70% so với năm 2019). Malaysia dự kiến đón 16-18 triệu lượt khách, đẩy mức độ phục hồi mục tiêu lên 69%. Singapore đón 12-14 triệu lượt khách, tương đương mức độ phục hồi 63-73%. Ngay cả Indonesia đưa ra mục tiêu đón 7 triệu lượt khách đã sớm đẩy lên 8,5 triệu lượt, đưa tỷ lệ phục hồi lên 53% so với 2019.
Như vậy, với việc giữ nguyên mục tiêu 8 triệu lượt khách trong năm 2023, Việt Nam trở thành quốc gia có mục tiêu đón khách thấp nhất trong top 5 quốc gia khu vực Đông Nam Á, đồng nghĩa với tỷ lệ phục hồi so với năm 2019 thấp nhất. Một số ý kiến cho rằng do năm 2022 Việt Nam đã không hoàn thành mục tiêu, nên thận trọng khi đưa ra kế hoạch cho năm 2023.
Song cũng không ít người đặt câu hỏi: Vậy tại sao khi lượng khách thay đổi, vượt qua dự báo, chúng ta không điều chỉnh mục tiêu như Thái Lan hay Indonesia. Vì chỉ khi có mục tiêu mới, cao hơn ngành du lịch mới nỗ lực nhiều hơn để hoàn thành.
Không chỉ thấp trong mục tiêu và tỷ lệ phục hồi so với các quốc gia trong khu vực, bức tranh thị trường du khách của Việt Nam trong năm 2023 cũng không có nhiều thay đổi so với 2019. Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc điều hành The Outbox Company, chia sẻ thời điểm 2021, 2022 chúng ta đều nói nhiều đến việc đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc…, đồng thời hướng tới tiềm năng thị trường Ấn Độ, Australia…, nhưng đến nay mọi thứ vẫn không có gì thay đổi.
Khi đặt mục tiêu chúng ta cần nhìn qua “hàng xóm” để biết họ đặt mục tiêu như thế nào và mình đang ở đâu. Bởi nếu không thận trọng Việt Nam có thể bị bỏ lại phía sau trong việc đón khách quốc tế.
“Một số doanh nghiệp chia sẻ khách Ấn Độ khó phục vụ, trong khi tại Thái Lan khách Ấn Độ đang chiếm tỷ lệ không nhỏ trong lượng khách quốc tế đến quốc gia này” – ông Phước nói và cho biết thị trường khách Malaysia cũng đang là nhóm khách tiềm năng trong khu vực nhưng họ đến Việt Nam rất ít.
Bàn thêm về nhóm khách liên khu vực, ông Võ Việt Hòa, Giám đốc khối du lịch quốc tế, Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho biết trong thị trường Đông Nam Á công ty đang ưu tiên hướng đến khách Philippines. Khách Philippines chỉ sử dụng khách sạn ở phân khúc 3 sao nhưng chi tiêu lại thuộc mức cao. Về thị trường khách Ấn Độ, dù không phải thị trường khách mục tiêu của Saigontourist, nhưng công ty cũng không bỏ qua mà hướng tới lượng khách cao cấp từ thị trường này.
Cũng theo ông Hòa, tính đến tháng 9, Saigontourist đã hoàn thành kế hoạch đón khách quốc tế của năm 2023, nhưng cũng chỉ đạt 60% so với năm 2019.
Bao giờ trở lại mức 18 triệu lượt
Với việc hoàn thành 98% kế hoạch đón khách quốc tế cả năm khi mới hết tháng 8, dự báo hết năm nếu không có biến động mạnh, du lịch Việt Nam có thể đón được 11-12 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Thế nhưng, câu hỏi được đặt ra khi nào chúng ta có thể quay về mốc của thời điểm hoàng kim 2019 đón 18 triệu lượt khách và liệu năm 2024 có làm được?
Phải thấy rằng 2024 sẽ là thời điểm du lịch thế giới dự báo sẽ phục hồi hoàn toàn. Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Võ Việt Hòa cho rằng du lịch là nhu cầu thiết yếu, vì thế triển vọng phục hồi mạnh hơn trong năm 2024 là có. Tuy nhiên, mảng kinh doanh quốc tế của Lữ hành Saigontourist trong mức lạc quan có thể đạt được 80% so với năm 2019. Có nghĩa phải qua 2025 mới có thể quay về mức của 2019.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, ông Hòa lưu ý những khó khăn doanh nghiệp lữ hành đang phải đối mặt, đó là tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Hiện Lữ hành Saigontourist đang thiếu hụt khoảng 30-40% so với trước dịch. “Với khách quốc tế chất lượng hướng dẫn viên vô cùng quan trọng. Trong khi đó, lực lượng này của ngành du lịch đang thiếu trầm trọng, nhất là hướng dẫn viên tiếng Anh hiện rất khó tìm, vì nhiều người đã chuyển ngành và sẽ không quay lại làm du lịch” – ông Hòa bộc bạch.
Nói về chính sách visa mới, ông Hòa cho rằng đây là cơ hội để thúc đẩy khách tới Việt Nam nhiều hơn. Nhiều ý kiến cũng chung nhận định về cơ hội từ chính sách visa mới, nhưng điều được quan tâm nhất vẫn là vấn đề thực thi tốt về mặt kỹ thuật khi cấp e-visa cho du khách.
Khi nói đến việc trở lại mức đón 18 triệu lượt khách như năm 2019, một vấn đề rất quan trọng không thể không nhắc đến là sự phục hồi của thị trường khách Trung Quốc. Cho đến nay Trung Quốc và khách từ các thị trường Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc… vẫn là thị trường chính của du lịch Việt Nam. Nhưng tính tới hiện tại sự phục hồi khách Trung Quốc chưa được như kỳ vọng.
Nhận định về tình hình từ nay đến cuối năm và qua năm 2024 lượng khách từ thị trường này có phục hồi mạnh hay không, ông Nguyễn Thành Nam, Tổng Giám đốc Trip.com Việt Nam (nền tảng du lịch trực tuyến giai đoạn trước dịch Covid-19 có tới 90% doanh thu đến từ khách Trung Quốc), cho biết đến nay khoảng 47% doanh thu của doanh nghiệp đến từ khách Trung Quốc và đang có những tín hiệu tích cực hơn.
“Hiện khách Trung Quốc vẫn chủ yếu theo hình thức kinh doanh và tự túc. Dự báo cuối năm nay và qua năm 2024, thị trường Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh hơn. Tuy nhiên, Việt Nam nên nghiên cứu thêm sự linh hoạt trong cấp visa cho khách Trung Quốc của Thái Lan. Theo đó Thái Lan chính thức miễn visa cho khách Trung Quốc trong giai đoạn từ 25-9-2023 đến 29-2-2024 để thu hút mạnh hơn sự trở lại của nguồn khách này” – ông Nguyễn Thành Nam nói.