Sáng 15/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững”. Hội nghị được tổ chức trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với Trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đây là hội nghị chuyên đề về phát triển du lịch lần thứ hai được tổ chức trong năm 2023, trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực thực hiện đạt cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2023, tạo đà cho những kết quả tốt hơn trong năm 2024 và là giai đoạn đầu của mùa du lịch cuối năm.
Thời cơ và thách thức
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua, ngành du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi tương đối chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng của các đồng chí lãnh đạo, của ngành, của cộng đồng doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng, một số thị trường trọng điểm truyền thống mở cửa từng bước, chưa lấy lại tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch; Công tác kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng còn chậm, gặp nhiều khó khăn; Xu hướng lựa chọn các điểm đến gần thay vì lựa chọn điểm đến có khoảng cách xa của một số thị trường trọng điểm của Việt Nam; Việc chậm kết nối, chậm khôi phục tần suất các đường bay quốc tế như trước dịch Covid-19; Các yếu tố tác động khác như lạm phát, tỉ giá tăng, xung đội chính trị, hầu bao cho du lịch của du khách sụt giảm… đã ảnh hưởng lớn đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL cũng bày tỏ, truyền thông chính sách, cập nhật, quảng bá thông tin về những quy định mới của Du lịch Việt Nam còn hạn chế, thiếu kịp thời tại các thị trường quốc tế do thiếu hệ thống văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia, sự phối hợp chưa thực sự chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài; Công tác quản lý điểm đến tại một số địa phương có biểu hiện thiếu quyết liệt, chưa kịp thời xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, rác thải, tình trạng “chặt, chém” du khách…làm ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam.
Đặt câu hỏi về việc, tại sao chúng ta không thu hút được nhiều khách du lịch quốc tế? Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định, ở đây, công tác xúc tiến du lịch được triển khai còn chậm và chưa bộc lộ hiệu quả. Các tỉnh, thành phố tập trung quá nhiều cho việc tổ chức các hoạt động bề nổi ở trong nước như lễ hội, các sự kiện văn hóa, kinh tế gắn với du lịch nhưng chưa đạt được mục tiêu. Khách du lịch rất ít quan tâm đến các lễ khai mạc hoành tráng, các cuộc biểu diễn văn nghệ của hàng nghìn diễn viên không chuyên… mà họ quan tâm nhiều đến bản sắc văn hóa truyền thống. “Nếu như những kinh phí đó chuyển sang cho hoạt động xúc tiến du lịch quốc tế sẽ phát huy nhiều hơn” – ông Bình nêu quan điểm.
Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Sun Group Nguyễn Thái Hòa cũng cho rằng, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cần được đẩy mạnh thông qua các hội nghị xúc tiến tới những thị trường trọng điểm. Bộ VHTTDL cần ưu tiên ngân sách cho công tác này. Đồng thời, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, hàng không tích cực quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam tại thị trường trọng điểm như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Bắc Mỹ…
Hướng đến ngành kinh tế mũi nhọn
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Theo Thủ tướng, thời gian qua, tình hình thế giới diễn biến nhanh, khó khăn, thách thức bất thường, phức tạp hơn nhiều so với dự báo. Trong nước, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, nội lực chưa lớn, sức chống chịu, khả năng thích ứng còn hạn chế và với độ mở nền kinh tế lớn nên chịu tác động nhiều bởi diễn biến tình hình thế giới.
Trong bối cảnh đó, du lịch Việt Nam vẫn nỗ lực để phục hồi và phát triển. Đến hết tháng 10/2023, tổng lượng khách du lịch quốc tế đạt khoảng 10 triệu lượt, khách nội địa đạt 99 triệu lượt. Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Khách du lịch quốc tế 10 tháng năm 2023 mới chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, ngành du lịch phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là việc đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước, sự cạnh tranh của các nước trong khu vực, quốc tế.
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa; đến năm 2030 đón 50 triệu lượt khách quốc tế, 160 triệu lượt khách nội địa, ngành du lịch cần thực sự đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ, hiệu quả; thực hiện “liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện”.
Nhấn mạnh về giải pháp, Thủ tướng cho rằng, ngành du lịch phải lưu ý phát triển với tinh thần: “Sản phẩm đặc sắc, dịch vụ chuyên nghiệp, thủ tục nhanh gọn, giá cả cạnh tranh, môi trường sạch đẹp, điểm đến an toàn và thân thiện”. Ngoài ra, các địa phương, đơn vị tập trung vào hoạt động liên kết chặt chẽ; phát huy vai trò đầu tàu dẫn dắt các trung tâm du lịch lớn như: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh…; hình thành các liên kết vùng để tạo những trục du lịch “một cung đường nhiều điểm đến”… Thủ tướng cũng lưu ý, các địa phương phải hỗ trợ doanh nghiệp; thúc đẩy mô hình quản trị thích hợp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số. Ngoài ra, ngành du lịch phối hợp với các địa phương, bộ, ngành có chính sách đào tạo nguồn nhân lực; đổi mới tư duy đào tạo; xây dựng các mô hình sản phẩm mới độc đáo phù hợp đặc trưng từng vùng miền, trong đó lưu ý các sản phẩm: Du lịch MICE, du lịch golf, du lịch gắn với chăm sóc sức khỏe… “Để du lịch phát triển, ngoài sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương còn cần sự vào cuộc của người dân với tinh thần “mỗi người dân là một đại sứ du lịch”. Hiệp hội Du lịch Việt Nam cần phát huy vai trò của thành viên trong hiệp hội cũng như liên kết các hiệp hội khác; tích cực tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch” – Thủ tướng nhấn mạnh.