Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch là vấn đề quan trọng, yêu cầu cấp bách trong phát triển kinh tế – xã hội hiện nay. Để thực hiện được “mục tiêu kép”, vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông THÁI HỒNG HÀ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) chung quanh vấn đề này.
Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. |
♦ Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển du lịch của Đắk Lắk hiện nay?
Đắk Lắk có tiềm năng, lợi thế về du lịch sinh thái với những ngọn thác hùng vĩ, nguyên sơ như: thác Krông Kmar, thác Dray Nur, thác Thủy Tiên…; các khu rừng nguyên sinh với hệ thống động thực vật phong phú gồm Vườn Quốc gia Yok Đôn, Vườn Quốc gia Chư Yang Sin…
Nơi đây còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, đang lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách. Toàn tỉnh hiện có 43 di sản văn hóa vật thể, trong đó có 2 di sản được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt là Nhà đày Buôn Ma Thuột và Bến phà Sêrêpốk. Ngoài ra, Bộ VH-TT&DL còn công nhận 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: Sử thi của người Êđê; Lễ mừng thọ của người M’nông (huyện Lắk); Lời nói vần của người Êđê (huyện Cư M’gar).
Đặc biệt, tỉnh Đắk Lắk nằm trong Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO vinh danh. Từ đó đến nay, công tác quản lý, giữ gìn cồng chiêng và bảo tồn, phát huy Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đạt nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa đích thực của cồng chiêng nhằm phục vụ đời sống tâm linh và đời sống văn hóa trong các lễ hội.
♦ Hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn, vướng mắc gì thưa ông?
Nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chính sách hỗ trợ cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này. Đồng thời bố trí kinh phí mua cồng chiêng, trang phục truyền thống cấp cho các buôn, thành viên một số đội chiêng; đào tạo nghệ nhân trẻ kế cận; tôn tạo và xây dựng không gian sống, sinh hoạt cho cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ; đặc biệt tổ chức nhiều lễ hội truyền thống, hội diễn văn hóa – văn nghệ dân gian…
Tuy nhiên, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều di tích lịch sử văn hóa trải qua thời gian, những biến thiên lịch sử đã xuống cấp trong khi nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước khiêm tốn, nguồn xã hội hóa chưa huy động được nhiều nên công tác tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, tác động của nền kinh tế thị trường khiến không gian văn hóa cồng chiêng với những bến nước, nương rẫy, nhà mồ, không gian rừng… đang mất dần trong đời sống cộng đồng. Nhiều nghệ nhân giỏi, tuổi tác cao đã qua đời, còn thế hệ trẻ lại thiếu mặn mà với văn hóa truyền thống. Đặc biệt sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí mới khiến sức hút của cồng chiêng và các loại hình văn hóa truyền thống không còn hấp dẫn giới trẻ như trước đây.
Du khách tham quan, thưởng thức món ăn truyền thống tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk năm 2023. |
♦ Văn hóa và du lịch có mối quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ, bổ sung cho nhau trong quá trình phát triển. Vậy, Sở VH-TT&DL đã tham mưu cho tỉnh có giải pháp nào để khắc phục khó khăn, khai thác các giá trị văn hóa phục vụ phát triển du lịch, thưa ông?
Tỉnh Đắk Lắk có 49 dân tộc sinh sống nên bản sắc văn hóa rất đa dạng, phong phú. Có hệ thống ẩm thực phong phú với các món ăn truyền thống của đồng bào các DTTS. Trải qua quá trình tiếp thu văn hóa, cao nguyên Đắk Lắk hình thành một nền văn hóa ẩm thực mang hương vị, phong cách riêng. Việc khai thác, phát triển dịch vụ ẩm thực này sẽ đưa du lịch Đắk Lắk đến gần với du khách, ghi dấu trên bản đồ du lịch của Việt Nam.
Xác định phát triển du lịch là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh đã xây dựng nhiều đề án liên quan đến phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, có cả nghị quyết chuyên đề về bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Hằng năm, Sở VH-TT&DL còn phục dựng hàng chục nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào Êđê, M’nông, J’rai, Sê Đăng… Con em đồng bào các DTTS được tham gia các lớp dạy đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trên địa bàn.
Bên cạnh đó, nhiều lễ hội cũng được tổ chức định kỳ như: Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Lễ hội đua thuyền, Hội voi Buôn Đôn, Lễ hội dân gian Việt Bắc…, không chỉ thu hút đông đảo du khách đến tham quan mà còn giúp người dân có thêm cơ hội buôn bán, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm địa phương, qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
♦ Xin cảm ơn ông!