Du lịch phát triển đến đâu thì đời sống của người dân và cộng đồng ở đó được hưởng lợi theo trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội và văn hóa nói chung. Bước phát triển ấy, một phần do thặng dư từ ngành kinh tế này mang lại và thúc đẩy; phần quan trọng hơn là do hoạt động có tính chất tổng hợp của nó đã tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người tham gia.
Vợ chồng anh Y Kul Ayun (buôn Kmrơng Prông B, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: Nhiều hoạt động du lịch được mở ra tại Khu du lịch văn hóa, cộng đồng Kô Tam đã góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy không ít hộ dân ở đây phát triển sinh kế, cải thiện đời sống.
Bản thân anh Y Kul làm phụ bếp tại khu du lịch này có thu nhập khoảng 7 triệu đồng mỗi tháng, cộng với số tiền mà vợ anh được trả qua những sô diễn (hát múa dân gian Êđê phục vụ du khách) trên dưới 4 triệu đồng/tháng đã đem lại cho gia đình anh cuộc sống khấm khá và ổn định hơn từ nhiều năm qua.
Còn chị H’Nhun Kbuôr, nhờ bán đồ mỹ nghệ, sản phẩm thổ cẩm cạnh khu du lịch trên, mỗi tháng cũng có thu nhập bình quân từ 4 – 5 triệu đồng; chưa kể nhiều khoản thu khác như chăn nuôi gà, heo và trồng các loại rau củ để cung cấp cho khu du lịch trên, nhờ vậy cuộc sống của nhà chị trở nên sung túc hẳn.
Buôn Akô Dhông được công nhận là điểm du lịch cộng đồng đã tạo sinh kế cho nhiều hộ gia đình cải thiện đời sống. |
Buôn du lịch cộng đồng Akô Dhông (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) cũng khởi sắc từng ngày nhờ hoạt động du lịch mang lại. Bên cạnh các sản phẩm du lịch văn hóa, cộng đồng như diễn xướng cồng chiêng kết hợp với dân ca, dân vũ truyền thống được tổ chức hầu như thường xuyên phục vụ du khách đã tạo điều kiện cho nhiều nghệ nhân (già cũng như trẻ) tham gia để tăng thu nhập, những ngành nghề truyền thống khác như dệt thổ cẩm, làm rượu cần, nhạc cụ truyền thống và đồ gỗ mỹ nghệ cũng có “đất sống” nhờ du lịch.
Tiềm năng và thế mạnh ở mỗi vùng chính là tài sản to lớn giúp các cộng đồng cùng với doanh nghiệp khai thác, phát huy để làm giàu cho chính mình và xã hội thông qua hoạt động ngày càng đa dạng, phong phú của ngành du lịch hiện nay”. Anh Ama Jenni, thành viên điểm du lịch cộng đồng buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột)
|
Nghệ nhân Ưu tú Ama H’Loan thừa nhận du lịch ở đây đã thật sự mang lại sinh khí mới cho cộng đồng. Không những cảnh quan buôn làng được đầu tư, tôn tạo theo hướng đồng bộ và văn minh hơn, mà trong từng hộ gia đình người Êđê tại chỗ cũng dần tìm cho mình vị trí công việc thích hợp để tham gia vào chuỗi phục vụ nhu cầu của du khách tại điểm đến hấp dẫn và giàu bản sắc này. Không nói đâu xa, đơn giản như ông Ama Khoanh chọn công việc giữ xe thôi cũng góp phần cải thiện đáng kể cho đời sống gia đình. Ông tâm sự: Mình không có tài sản lớn (như nhà dài, hạ tầng cơ sở, cồng chiêng) để mở các dịch vụ ẩm thực, lưu trú, mua bán/cho thuê thời trang, tổ chức văn hóa – văn nghệ dân gian như nhiều gia đình khác, nên chọn công việc giữ xe, rồi thỉnh thoảng được thuê cắt đặt, chỉnh trang cảnh quan cho những dịch vụ trên cũng có thêm một khoản thu nhập kha khá nữa. Có thể nói, mỗi gia đình mỗi việc, cộng đồng buôn Akô Dhông với gần 40 hộ thành viên tham gia làm du lịch đã hỗ trợ, giúp đỡ và tương tác cùng nhau xây dựng nên điểm đến có chất lượng, chuyên nghiệp dựa trên vốn văn hóa truyền thống của mình. Hơn thế, hiệu quả từ ngành kinh tế này mang lại đã từng bước tạo điều kiện, cơ hội cho họ vươn lên và hội nhập thông qua những sinh kế mới, bền vững hơn.
Nhà dài được tôn tạo, nâng cấp để một số hộ dân buôn Kô Tam (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) làm dịch vụ lưu trú cho du khách. |
Các cộng đồng sinh sống trong các vùng du lịch phải được hưởng lợi từ sự phát triển của ngành “công nghiệp không khói” này, đồng thời việc hướng đến những đối tượng nghèo để tạo công ăn việc làm cho họ cũng là trách nhiệm, mục tiêu đặt ra cho bất kỳ doanh nghiệp nào trong bối cảnh hiện nay. Theo Ban Chỉ đạo phát triển du lịch Đắk Lắk, thực hiện được điều đó đồng nghĩa với việc góp phần tạo ra an sinh xã hội cho địa phương và sự phát triển vững chắc cho từng tour/tuyến du lịch được quy hoạch trên từng vùng theo hướng gắn kết với cộng đồng cư dân tại chỗ nhằm kiến tạo nên không gian kinh tế du lịch đồng bộ, đóng vai trò như một động lực thúc đẩy mạnh mẽ trong đời sống kinh tế, xã hội của tỉnh nhà. Mỗi đơn vị làm du lịch trên địa bàn tỉnh cần xúc tiến mạnh mẽ hơn bước đi ấy và coi đó như mối quan tâm hàng đầu trong lộ trình xây dựng và phát triển ngành kinh tế quan trọng này vào những năm tiếp theo.