Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam sang tuổi 64. Vai trò của ngành du lịch được khẳng định xuyên suốt trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Trung ương.
Tháng 1/1994, Chỉ thị 46-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII đã khẳng định “Phát triển du lịch là một hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế – xã hội nhằm góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Đặc biệt, ngày 16/1/2017, lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW, xác định rõ “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác”. Cùng sự đổi mới của đất nước, ngành du lịch ngày một trưởng thành và có những đóng góp cả về quy mô và chất lượng trong nền kinh tế, nâng cao hình ảnh và vị thế quốc gia.
Tuy nhiên, sức bật của ngành vẫn còn nhiều lực cản. Trong đó, trước hết xuất phát từ chính những tồn tại, hạn chế nội tại. Đó là cơ chế, chính sách, pháp luật cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với bối cảnh mới, trong quản lý, vận hành các khu, điểm du lịch; chi tiêu cho mua sắm, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch khác còn thấp; liên kết phát triển du lịch giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là về quản lý, quảng bá, xúc tiến, phát triển sản phẩm, nhân lực chưa thường xuyên, chặt chẽ và đồng bộ;…
Du khách trải nghiệm hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng cùng đồng bào vùng Tây Bắc. |
Nhìn nhận ở phương diện khách quan, yếu tố bên ngoài, du lịch Việt Nam vẫn đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Đó là: Xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nhu cầu du lịch thế giới đang thay đổi, hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống (tính độc đáo, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, nguyên vẹn), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi); tác động bất lợi từ những bất ổn chính trị, xung đột, thiên tai, kinh tế tăng trưởng chậm tại các thị trường truyền thống; cạnh tranh trong khu vực, quốc tế ngày càng gay gắt; biến đổi khí hậu tác động ngày một lớn tới hoạt động du lịch…
Nhận định, đánh giá để tiếp tục khắc phục điểm yếu và thích ứng với những thách thức ấy, mới đây Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 08/CT-TTg, ngày 23/2/2024 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới. Trong đó chỉ đạo mang tầm vĩ mô, một nguồn lực đặc biệt đáng chú ý được đề cập là từ tư duy.
Nguồn lực từ tư duy ở đây có thể hiểu là sự đổi mới, cởi mở, thông thoáng, mang tầm nhìn chiến lược, dài hạn trong phát triển du lịch. Đó là việc hình thành chuỗi giá trị du lịch, liên kết du lịch quốc gia và toàn cầu. Nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị, hiệu quả và tính lan tỏa của ngành du lịch để phát huy tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm của các chủ thể liên quan với cách tiếp cận toàn diện, toàn cầu, toàn dân. Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và tích cực kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh du lịch. Triển khai hiệu quả các mô hình quản trị, hợp tác công – tư trong phát triển du lịch trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm huy động hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn đầu tư cho phát triển du lịch.
Đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương để hình thành các động lực tăng trưởng du lịch theo phương châm “một cung đường – nhiều điểm đến”, hình thành sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương; hợp tác chặt chẽ trong đầu tư, phát triển sản phẩm, truyền thông, quảng bá và triển khai các chiến dịch kích cầu du lịch…
Khẩn trương xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ trong cả nước Chương trình hành động du lịch xanh quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 82/NQ-CP, ngày 18/5/2023. Trong đó tập trung phát triển sản phẩm du lịch xanh gắn với hình thành cộng đồng doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm xã hội; thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi, đánh giá và cấp chứng chỉ du lịch bền vững theo tiêu chuẩn của Hội đồng du lịch bền vững toàn cầu cho các cơ sở du lịch, khách sạn; nghiên cứu xây dựng hệ thống chứng nhận du lịch xanh đạt chuẩn quốc tế về sản phẩm và thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam.
Tư duy, thay đổi trong phương thức phát triển du lịch bền vững theo hướng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, cảnh quan tự nhiên độc đáo. Khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách theo phương châm “Mỗi người dân là một đại sứ du lịch”.