Để chuẩn bị cho Lễ cầu mưa, từ sáng sớm tinh mơ, bà con trong buôn đã tụ tập đông đủ trước sân Nhà sinh hoạt cộng đồng. Từ những ngày trước đó, Buôn trưởng cùng bà con chọn một khoảng đất rộng bằng phẳng, gần cây cổ thụ có nhiều tổ ong càng tốt để tổ chức Lễ cúng cầu mưa, vì theo quan niệm của người Ê Đê, đó là nơi đất tốt. Những thanh niên trai tráng dựng cây nêu và một chòi Pưk (Sang Yang) có hai tầng, tầng trên (tầng trời) để thờ ông trời và bà trời, tầng dưới là kho lúa tượng trưng cho sự no đủ. Phụ nữ chuẩn bị gạo nếp, cơm lam, gà, rượu cần… và những dụng cụ làm nương rẫy như: Xà gạc, gùi đựng lúa giống, dụng cụ để chọc lỗ gieo lúa. Thanh niên thì phụ giúp nghệ nhân sắp xếp lại dàn cồng chiêng…
Theo quan niệm của người Ê Đê, việc mùa màng thất bát là do có thần Ác (Yang Liê)-tức là người xấu, khiến cho muông thú vào phá rẫy. Vì thế, ở dưới chân cột chòi Pưk, bà con trong buôn thường đặt một tượng thần Ác, còn một số tượng hình chuột, nhím, heo, tổ ong… được sắp đặt chung quanh rẫy. Lễ vật cúng Yang và các thần linh trong Lễ cầu mưa gồm: 1 con heo, 1 con dê, 2 con gà, 4 ché rượu cần; trong đó, heo để cúng thần đất, dê để cúng thần trời (núi), gà để cúng thần nước. Tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, nếu có mong muốn được cúng thì mỗi gia đình sẽ tự chuẩn bị lễ vật để góp vào lễ chung gồm: 1 con gà, 1 ché rượu cần, 1 Biru (người dân hay gọi là tóc xoăn hoặc công lúa, công mưa).
Sau khi các bước chuẩn bị đã hoàn tất, thầy cúng thắp nến và bắt đầu thực hiện nghi thức cúng. Khi tiếng chiêng rộn ràng, thầy cúng ôm con gà trắng hòa theo tiếng chiêng và bắt đầu bài cúng được truyền lại từ đời xưa, với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cũng như xua đuổi thú dữ, xua cái ác tránh xa buôn làng.
Sau khi cúng tại ruộng, mọi người về lại buôn và tiếp tục thực hiện những nghi lễ còn lại như: Đi bắt tổ ong lấy mật và kiểm tra các bẫy đặt quanh rẫy; các chàng trai cầm khiên, giáo múa một vòng quanh rẫy và đi về nhà chòi chặt đầu thần Ác với ý nghĩa trừ tà ma. Cuối cùng, mọi người thực hiện nghi thức chọc lỗ gieo hạt và tưới nước. Đàn ông đi phía trước, hai tay cầm 2 cây đã vót nhọn đầu chọc xuống đất, theo sau là những phụ nữ Ê Đê gieo hạt lúa vào hốc đất. Khi những giọt nước rơi xuống, mọi người cùng reo hò, vui mừng vào mùa rẫy mới, đồng thời thể hiện sự đồng tình và quyết tâm lao động để được một mùa rẫy mới bội thu.
Khi phần lễ kết thúc, tiếng chiêng, tiếng trống lại vang lên với tiết tấu nhanh, mạnh mẽ và rộn ràng. Chủ buôn được thầy cúng mời ăn thịt, uống rượu ở mâm cúng trước tiên, sau đó đến lượt bà con trong buôn. Nhịp chiêng cứ mãi đánh lên và nhịp múa của những thanh niên nam nữ Ê Đê cứ tiếp diễn theo vòng tròn. Hết múa, rồi uống rượu cần. Cứ thế, đồng bào quây quần bên nhau ăn uống thỏa thuê và vui chơi thỏa thích, rồi ngày mai lại cùng nhau lên rẫy bắt tay vào vụ trồng trỉa mới.
Dự Lễ cầu mưa, bà H’Ngoát Niê, 67 tuổi ở buôn Đắk Tuôr bồi hồi: “Tôi rất xúc động khi dự Lễ cầu mưa, bởi bao kỷ niệm trước đây ùa về như việc chọc lỗ, tỉa bắp, tỉa lúa… Nay đời sống đã thay đổi nhiều rồi, việc sản xuất nương rẫy đã có máy móc cày xới nên Lễ cầu mưa cũng thưa vắng dần. Chúng tôi mong muốn được nhà nước hỗ trợ kinh phí giúp đồng bào khôi phục lại Lễ cầu mưa để lưu truyền mãi những nét đẹp văn hóa truyền thống hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Dù cuộc sống ngày càng phát triển hiện đại nhưng những năm gần đây, được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, người Ê Đê ở Đắk Lắk nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung vẫn còn gìn giữ và duy trì Lễ cầu mưa mỗi khi trời nắng hạn kéo dài để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.