Theo các già làng người Ê Đê ở Đắk Lắk, K’pan là chiếc ghế độc lập, được đẽo từ nguyên thân một cây gỗ. Người Ê Đê hay dùng cây gòn rừng, cây sao và cây dầu nước để làm ghế K’pan. Thông thường, ghế K’pan có độ dài từ 10-15 m, rộng khoảng 60-70 cm, dày khoảng 8 cm, hơi cong hai bên đầu, có hai hoặc ba chân đỡ, cao hơn 40 cm nhằm tạo dáng vẻ mềm mại và vững chắc khi ngồi.
Theo nghệ nhân Y Rai Byă, 73 tuổi, ở xã vùng sâu Cư Pui, huyện Krông Bông, để làm được một chiếc ghế K’pan, trước hết gia chủ phải có kinh tế khá giả. Một gia đình không thể làm được mà cần có sự giúp sức của cả buôn làng. Ban đầu, gia đình muốn làm K’pan phải tiến hành họp bàn với họ hàng để thống nhất ý kiến, dự trù kinh phí, vật tư, con người…
Vài ngày sau, chủ nhà, họ hàng cùng thầy cúng mang theo một ché rượu cần, một con heo nhỏ vào rừng khảo sát tìm một cây có thân to, đẹp, ít cành và thẳng đứng, nhất là không có tổ chim, tổ kiến để chọn. Sau khi chọn được cây, gia chủ đặt các lễ vật dưới gốc cây tiến hành làm lễ cúng xin thần rừng, thần đất và thần cây cho phép gia đình được chặt hạ cây xuống.
Khi làm lễ cúng xong, đợi 7 ngày sau, nếu buôn làng không có điều gì bất trắc xảy ra thì gia chủ mới kêu gọi khoảng 7-10 thanh niên có sức khỏe, khéo tay trong buôn mang theo rìu vào rừng hạ cây đã chọn. Ðể hạ và đẽo thành một chiếc K’pan, thông thường người Ê Đê phải mất từ 10-15 ngày ăn ngủ trong rừng. Người chủ phải lo đủ thịt lợn, gà, rượu, gạo… phục vụ cho bà con ăn uống trong những ngày làm K’pan.
Trong ngày làm lễ rước K’pan, chủ nhà ăn mặc tươm tất, chuẩn bị đầy đủ các lễ vật dâng cúng như: 1 con trâu lớn, 7 ché rượu cần, cơm lam, chén tiết canh lợn… Mức độ lớn nhỏ của lễ rước K’pan tùy thuộc vào sự giàu có của mỗi gia đình.
Khi đầu K’pan chạm đến chân cầu thang, thầy cúng và chủ nhà sẽ bước ra với cây giáo, cái khiên trên tay, làm nghi thức cắm cây giáo lên đầu K’pan, đọc lời khấn xin Yàng. Việc làm này có ý nghĩa xua đuổi tà ma ra khỏi chiếc K’pan và xin thần linh cho phép chủ nhà được sử dụng ghế K’pan.
Ở trong nhà, K’pan được đặt vào gian khách, dọc theo bức vách bên phải ngôi nhà. Lúc này không ai được ngồi lên K’pan. Thầy cúng liền dắt tay chủ nhà leo lên, leo xuống trên K’pan 3 lần. Đây là biểu hiện của sự thuần hóa, từ nay chủ nhà sẽ là chủ nhân mới của K’pan. Sau đó, những người khác mới được ngồi lên K’pan. Cùng lúc đó, tiếng chiêng nổi lên, thầy cúng làm lễ khấn báo thần linh rằng K’pan đã có chủ.
Ngày nay, cuộc sống của người Ê Đê ở các buôn làng Tây Nguyên đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, về các buôn làng, trong nhiều ngôi nhà dài truyền thống của người Ê Đê vẫn còn đó những chiếc trống, bộ cồng chiêng và nhất là K’pan được ví như chiếc ghế gắn kết cộng đồng mà đồng bào Ê Đê luôn trân trọng gìn giữ, truyền dạy cho thế hệ sau biết được nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.