Trong lịch sử hàng nghìn năm hình thành và phát triển, vùng đất Đắk Lắk đã trải qua bao biến thiên kể từ buổi bình minh thời tiền sử xa xôi đến hiện đại. Trong tiến trình dặm dài ấy, mỗi địa danh, từng ngọn núi, con sông đều mang trong mình những huyền thoại nguyên sơ…
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, Đắk Lắk là một vùng đất cổ, có dấu ấn của con người từ thời Đá cũ. Từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ X trước Công nguyên, xã hội loài người đã có những cuộc di cư lịch sử để tìm vùng đất cư trú. Trong đó, có cuộc di cư của các tộc người từ miền Nam Ấn Độ đi về phía Nam theo dòng sông Mê Kông rồi đi ra biển Đông và cư trú tại các quần đảo Malaixia, Inđônêxia, Philipin, Singapore…, một số tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer, Malayo – Polynesien đi vào định cư tại đất liền và chọn vùng đất cao nguyên trung phần (nay là Tây Nguyên – Việt Nam) làm nơi sinh cơ lập nghiệp và phát triển cộng đồng cho đến ngày nay.
Theo các tài liệu khảo cổ học, con người đã có mặt trên cao nguyên Đắk Lắk cách đây khoảng 3.000 – 4.000 năm. Họ sống thành từng buôn làng, canh tác nương rẫy; biết chế tạo công cụ lao động, đồ dùng gia đình, các loại nhạc cụ bằng tre, nứa, gỗ, đá, gốm, đồng, sắt. Qua khảo sát một số di chỉ khảo cổ ở huyện Krông Năng, Ea Kar, Krông Pắc đã tìm thấy trống đồng Đông Sơn.
Đặc biệt, trong số ấy, “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” gồm 250 hiện vật, niên đại khoảng 4.000 – 3.000 năm cách ngày nay, mang những giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa, trở thành sưu tập hiện vật đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Điều đó chứng minh rằng, những cư dân có mặt sớm nhất ở đây chính là tổ tiên của các dân tộc bản địa Trường Sơn – Tây Nguyên ngày nay, trong đó có cư dân ở Đắk Lắk.
Hàng nghìn năm đi qua, từng địa danh, tên gọi của dòng sông, ngọn núi đều chất chứa trong mình những trầm tích lịch sử, truyền thuyết…, tạo nên một phần không thể thiếu trong lớp trầm tích văn hóa của vùng đất này.
Trong ký ức cổ sơ, những quan niệm sống, sự hòa hợp với thiên nhiên, những cảm xúc, tâm tư hoài bão của đồng bào các dân tộc từ thuở bình minh lịch sử như vẫn còn lưu dấu, hiện hữu thấp thoáng qua từng câu chuyện thần thoại, truyền thuyết, sử thi…
Đó là sự gắn kết, cùng một nguồn cội của các dân tộc anh em trong truyền thuyết về nguồn gốc các dân tộc của truyện cổ Êđê, M’nông. Đó cũng là sự phản ánh quá trình sinh sống, làm ăn và sự hình thành buôn làng người trên vùng đất Tây Nguyên trong truyền thuyết: “Hang Adrênh” (dân tộc Êđê), “Đường lên mặt đất” (dân tộc M’nông) với cuộc di dời lịch sử của các tộc người Tây Nguyên từ dưới lòng đất lên sống trên mặt đất.
Qua từng câu chuyện cổ, ta cũng nhận thấy được sự hình thành các dòng sông, ngọn núi đều gắn liền với sức lao động bền bỉ của các chàng trai, cô gái cần cù, thông minh, sống nghĩa tình như: sự tích núi Yang Mao, sự tích dòng Krông Pắc, sự tích suối Ea H’leo, truyền thuyết về dòng Krông Búk (Sông Tóc), truyền thuyết về Hồ Lắk…
Đặc biệt, nếu được thao thức trong đêm, bên ánh lửa bập bùng, được nghe người già kể khan (sử thi), dường như trí tưởng tượng được chắp cánh, bay bổng cùng điệu ngân, luyến láy để thấy được bức tranh sinh động, rộng lớn về cuộc sống của tiền nhân, những nhân vật anh hùng trong mối quan hệ với con người và thần linh, với những chiến công kỳ thú.
Và mỗi người đều sẽ mường tượng nên một Dăm Săn, Khing Jú, Xinh Nhã, Dăm Yi, Mdrong Dăm, Brơ Tang, Hbia Blao, Hbia Sun, H’Nhi, H’Bhi… một cách sống động, thậm chí tin rằng họ đã từng có thật trong cuộc đời này. Người ta truyền rằng, trên đoạn đường M’Drắk – Buôn Ma Thuột có cái gốc cây mà nàng Brơ Tang hẹn gặp chàng Xinh Nhã; bên bờ suối ở buôn Sah (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) còn dấu vết đao của Dăm Yi vạch lên nền đá; ở buôn Bling (nay thuộc xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar) vẫn còn cái ngà voi của Dăm Yi để lại cho dòng họ…
(Còn nữa)
Kỳ 2: Rạng rỡ những chiến công
Thực hiện: Lan Anh – Như Quỳnh
Trình bày: N.T.K
Ảnh: PV, CTV và NSNA