Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua phát triển công nghiệp văn hoá đang là mục tiêu đặt ra cho hầu hết các quốc gia.
Việt Nam cũng đang nỗ lực thực hiện mục tiêu này nhằm biến di sản văn hóa thành nguồn tài nguyên to lớn, thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
Để phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên nguồn tài nguyên di sản, nhiều chuyên gia cho rằng phải chú trọng hai yếu tố cốt lõi là chính sách và nghệ nhân/nguyên tắc thực hành. Có thể nói đến nay, những yếu tố này đã và đang được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng các dân tộc gìn giữ bản sắc văn hóa của mình, từ đó tạo sự lan tỏa đến cộng đồng quốc tế, góp phần hiện thực hóa mục tiêu trên.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Hoàng Đạo Cương, trước hết, việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về văn hóa nói chung và di sản nói riêng thành pháp luật, cơ chế, chính sách cụ thể đã được kịp thời ban hành, bổ sung, được xem là “hành lang pháp lý” quan trọng, cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa một cách thực chất và hữu hiệu.
Phục dựng một nghi lễ truyền thống của người M’nông. Ảnh: Hoàng Gia |
Năm 2001, lần đầu tiên các loại hình di sản, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể được chính thức quy định tại Luật Di sản văn hóa, tạo bước chuyển biến đáng kể trong nhận thức của toàn xã hội về di sản văn hóa; từ đó từng bước tăng cường khả năng gìn giữ, bảo tồn và phát huy nguồn tài nguyên quý báu này, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của mỗi địa phương cũng như quốc gia.
Tiếp đó, ngày 20/9/2005, Việt Nam chính thức tham gia và trở thành một trong 30 quốc gia gia nhập Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO).
Hiện nay, Việt Nam là thành viên Ủy ban liên Chính phủ của Công ước 2003, nhiệm kỳ 2022 – 2026. Nhiều nội dung quan trọng về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở cấp quốc gia cũng như quốc tế được quy định tại công ước trên đã và đang góp phần hiệu quả vào mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa của đất nước.
Cùng với đó, việc vinh danh nghệ nhân (những người nắm giữ, thực hành di sản văn hóa) cũng đã được Nhà nước quan tâm. Theo Bộ VH-TT-DL, hiện đã có 1.881 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú.
Trong thời gian qua, có khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, trong đó ngoài 15 di sản được UNESCO ghi danh còn có 497 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được phân bố rộng khắp trên cả nước.
Có thể thấy, từ việc tôn vinh nghệ nhân, kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đã và đang giúp các nhà quản lý, nhà nghiên cứu nhận diện rõ hơn về di sản (bao gồm các mặt giá trị, đặc trưng, đặc điểm, tính chất, nguyên tắc thực hành, hiện trạng thực hành và bảo vệ di sản cũng như các nguy cơ tác động, dẫn tới thực hành sai lệch, mai một và thất truyền), từ đó xây dựng kế hoạch, chiến lược bảo vệ và phát huy giá trị của di sản, góp phần vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa quốc gia và đa dạng văn hóa của nhân loại; từng bước định hình hoạt động quản lý, nghiên cứu về di sản; nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác văn hóa ở các cấp.
Với những nỗ lực không ngừng, cộng thêm tình yêu và trách nhiệm của nghệ nhân, cộng đồng thực hành di sản và nhận thức của chính quyền các cấp thông qua sự tăng cường thực hiện và hoàn thiện pháp luật về di sản văn hóa; cam kết mạnh mẽ việc thực hiện Công ước 2003 và các công cụ hướng dẫn khác về bảo vệ, phát huy giá trị di sản của UNESCO, Việt Nam đã và đang đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực, trách nhiệm trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của nhân loại; góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.
Du khách trải nghiệm cồng chiêng ở buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hoàng Gia |
Đặc biệt là mới đây, tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV, ngày 23/11/2024, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được thông qua với 9 chương, 95 điều. Trong đó các quy định về di sản văn hóa; hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng cũng như cá nhân liên quan… đã được bổ sung, hoàn thiện hơn nhằm phát huy thực chất và mạnh mẽ vốn tài nguyên văn hóa ấy. Đây là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng và cần thiết giúp Việt Nam nhanh chóng hiện thực hóa mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa để vừa đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, vừa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa một cách hiệu quả, bền vững.