Cà phê có hai mùa đẹp nhất trong năm là mùa hoa nở và mùa cà phê chín. Đây là thời điểm thích hợp để thu hút du khách đến với “thủ phủ” cà phê của Việt Nam, nhất là mùa cà phê chín để tự tay hái, chế biến và thưởng thức ly cà phê Buôn Ma Thuột danh tiếng trăm năm.
Phân khúc du lịch nhiều tiềm năng
Tỉnh Đắk Lắk có khoảng 200.000 ha cà phê, trải rộng khắp 15 huyện, thị xã, thành phố. Khác với nhiều nơi, cà phê trồng tại Đắk Lắk chủ yếu là giống Robusta, cây to cao hơn cà phê Arabica và kết thành từng chùm lớn trên cành dài, khi chín trái đỏ mọng, rất đẹp mắt.
Mùa thu hoạch cà phê ở Đắk Lắk thường diễn ra từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau, khi các vườn cây đã chín rộ, khoác trên mình một sắc đỏ mọng rực rỡ đầy mê đắm. Nhịp sống của buôn làng, của cư dân vùng nông thôn trở nên nhộn nhịp, tấp nập hơn khi người người, nhà nhà đều háo hức và có phần tất bật để thu thành quả lao động sau một năm vất vả chăm sóc.
Đây cũng chính là thời điểm thu hút du khách khắp mọi miền đến với các tour du lịch trải nghiệm làm nông dân, đi xe công nông lên rẫy thu hoạch cà phê, cùng hòa vào không khí lao động vui tươi, rộn ràng của mùa cà phê chín. Đồng thời, tìm hiểu quy trình trồng trọt, chế biến cà phê và thưởng thức những hương vị độc đáo của cà phê Buôn Ma Thuột.
Du khách được hướng dẫn cách thu hái cà phê tại Farm Rẫy Nhà Si. |
Anh Nguyễn Tấn Nam, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, sau khi tìm hiểu, anh đã đăng ký tour trải nghiệm cà phê tại Farm Rẫy Nhà Si (huyện Cư M’gar). Lần đầu tiên được tham gia thu hoạch cà phê với nông dân, thực sự rất thú vị khi được tự tay hái, lựa, rửa những trái cà phê chín đỏ mọng…
Được trải nghiệm mới thấy được sự vất vả, kỳ công của người làm cà phê để cho ra một ly cà phê thơm ngon đến tay người tiêu dùng. “Mùa này lên Đắk Lắk thực sự rất thú vị, với bạt ngàn cà phê chín đỏ, cộng với không khí se lạnh. Mặc dù có những lúc mưa, sình lầy khi lội vườn nhưng tôi cho rằng khi du lịch trải nghiệm theo hướng sinh thái thì đây chính là “điểm cộng” để du khách có thể cảm nhận chân thật hơn về vùng đất này, về nhịp sống của người dân vùng cao nguyên khi bước vào vụ thu hoạch cà phê. Sau chuyến đi này, tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè đến trải nghiệm để hiểu hơn về cà phê Buôn Ma Thuột, về ngành công nghiệp cà phê”, anh Nam cho hay.
Theo bà Dương Nữ Thiên An (chủ Farm Rẫy Nhà Si), với mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp với du lịch, Rẫy Nhà Si thiết kế đầy đủ các khu vực ngay trong khuôn viên nông trại, từ vườn cây đến khu chế biến, phơi, sản xuất, đóng gói, pha chế… Qua đó, giúp khách du lịch có những trải nghiệm thú vị cũng như hiểu hơn về sản phẩm cà phê ở từng công đoạn để nâng niu và tin tưởng hơn thương hiệu đang dùng. Đặc biệt, trong thời điểm thu hoạch cà phê, Rẫy Nhà Si cũng đã đón khoảng 10 đoàn khách đến trải nghiệm. Du khách rất bất ngờ và thích thú vì trước đây chỉ thấy cà phê thành phẩm hoặc hạt nhân xanh mà chưa từng thấy một vùng cà phê hút tầm mắt, với những cành cà phê trĩu quả chín đỏ rực. Và họ cũng không nghĩ rằng, làm ra một ly cà phê phải trải qua nhiều khâu cầu kỳ và vất vả đến như vậy.
Cần đẩy mạnh truyền thông
Thực tế cho thấy, mùa thu hoạch cà phê là thời điểm rất thuận lợi để thu hút các tour du lịch trải nghiệm. Tuy nhiên, đến nay Đắk Lắk vẫn chưa thể phát triển thành một điểm nhấn trong phân khúc du lịch canh nông.
Các em học sinh được nhà trường tổ chức buổi trải nghiệm thu hoạch cà phê tại Farm Aeroco Coffee. |
Theo bà Tiêu Thị Bích Tiền, quản lý lữ hành của Biệt Điện Travel (Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk), đơn vị chưa tổ chức được nhiều tour về trải nghiệm cà phê tại vườn, một phần là do nhu cầu của khách chưa nhiều. Mặt khác, công tác tổ chức tại vườn gặp khó khăn khi đơn vị chưa có vườn liên kết làm du lịch; chỉ khi khách có nhu cầu, đơn vị mới liên hệ với chủ vườn để thiết kế tour. Tuy nhiên, hiện giá cà phê tăng cao, nông dân – chủ vườn chưa mặn mà với mô hình du lịch này vì doanh thu từ du lịch mang lại không cao so với thu nhập từ vườn cây. Trong khi, khách vào tham gia các hoạt động trải nghiệm tại vườn, nguy cơ làm hư hỏng vườn cây, ảnh hưởng đến quá trình canh tác, lại làm mất thời gian lao động do phải đón tiếp, hướng dẫn…
Do các vườn thiếu những dịch vụ bổ sung như chưa có nhà dừng chân để phục vụ du khách nghỉ ngơi, uống nước… nên phân khúc du lịch này vẫn chưa được phát triển mạnh mẽ”. Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk
|
Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng các tour trải nghiệm cà phê, ông Lê Đình Tư, chủ Farm Aeroco Coffee cho hay, để xây dựng mô hình du lịch canh nông thành công thì trước hết phải quảng bá. Công tác truyền thông cực kỳ quan trọng trong việc đưa những hình ảnh sinh động, chân thật về vùng trồng cà phê nổi tiếng của Việt Nam đến với nhiều người. Đồng thời, xây dựng các farm làm du lịch chuyên nghiệp, có chuyên môn cao để giới thiệu về quy trình sản xuất cà phê bài bản đến du khách. Qua đó, khi du khách đến với Đắk Lắk, họ sẽ tìm đến các farm để trải nghiệm quy trình làm cà phê từ hạt cho đến thành phẩm và tự tay chế biến một tách cà phê cho riêng mình sẽ thú vị hơn và hiệu ứng quảng bá mang lại hiệu quả tốt hơn.
Khách nước ngoài đến tham quan vườn cây và tham gia thu hoạch cà phê cùng nông dân tại HTX Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu. |
Hiện nay, trung bình mỗi tháng, Farm Aeroco Coffee đón từ 20 – 25 đoàn khách trong và ngoài nước đến tham gia các tour trải nghiệm cà phê. Doanh thu du lịch từ vườn cây tăng thêm 10 – 15% cho nông dân. Điều quan trọng hơn là mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị, những hiểu biết thực tế về cây cà phê, ngành hàng cà phê và biết cách lựa chọn những sản phẩm cà phê có chất lượng cao để tốt cho sức khỏe, cũng như nâng niu, quý trọng những hạt cà phê của người nông dân.