Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đã đón hơn 17,5 triệu lượt khách quốc tế, đạt mục tiêu đề ra từ đầu năm (từ 17 đến 18 triệu lượt); ông Vũ Văn Tuyên, đại diện Công ty Du lịch Traveloka Việt Nam, nhận định với đà tăng trưởng tích cực này, ngành du lịch có thêm niềm tin để tiếp tục bứt phá.
“Trong 5 năm qua, dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch rất tốt. Bằng chứng là chúng ta đã đạt hơn 50 giải thưởng du lịch quốc tế. Công tác truyền thông, quảng bá điểm đến được thực hiện kịp thời và hiệu quả. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đất nước yên bình, chính sách an dân ổn định, đặc biệt là sự phát triển của chuỗi cung ứng xanh, du lịch Việt Nam đang có những bước phát triển ấn tượng”, ông Tuyên chia sẻ.

Tính riêng quý I.2025, ngành du lịch đã đón hơn 2 triệu lượt khách quốc tế. Bên cạnh các thị trường truyền thống đầy tiềm năng, Việt Nam đang mở rộng ra nhiều thị trường mới. Năm nay, Chính phủ đã nới lỏng chính sách thị thực cho 12 quốc gia, trong đó có ba thị trường mới là Thụy Sĩ, Cộng hòa Séc và Ba Lan, với tổng dân số hơn 60 triệu người – mở ra cơ hội lớn cho thu hút khách quốc tế.
Cũng theo ông Tuyên, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vì nhiều lý do hấp dẫn. Nổi bật trong đó là mong muốn trải nghiệm ẩm thực đặc sắc ba miền và khám phá cảnh sắc đa dạng, từ hai vùng khí hậu đến hơn 3.000km đường bờ biển trải dài khắp Bắc – Trung – Nam. Trong những năm gần đây, sáu vùng du lịch trọng điểm trên cả nước đang từng bước được hoàn thiện, mỗi vùng định hình một sản phẩm du lịch xanh riêng biệt, giúp du khách tránh cảm giác trùng lặp trong hành trình khám phá nhiều địa phương. “Nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường và nhu cầu của du khách sẽ là chìa khóa để tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu”, ông Tuyên gợi ý.
Thực tế cho thấy, những năm trước đây, khách từ các thị trường trọng điểm như Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Italy thường lưu trú tại Việt Nam khoảng hai tuần và phân bổ thời gian tham quan đều ba miền. Tuy nhiên, trong hai năm gần đây, thời gian lưu trú đã kéo dài từ ba đến bốn tuần. Du khách thường kết hợp chuyến đi với các điểm đến trong khu vực như Lào, Campuchia, Trung Quốc hoặc Thái Lan, sau đó quay lại Việt Nam để kết thúc hành trình. Đây được xem là một trong những lợi thế lớn để tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng theo chỉ đạo tại Công điện số 34/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Chú trọng thị trường mới, thúc đẩy chi tiêu cao, ưu đãi thị thực
Dù có nhiều thuận lợi để phát triển, ông Tuyên cho rằng, du lịch Việt Nam vẫn cần đổi mới cách tiếp cận khách hàng.
Cam kết phát triển du lịch xanh
Tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025 (10 – 13.4), nhiều địa phương và doanh nghiệp du lịch, lữ hành đã cam kết tích cực phát triển du lịch xanh. Các nội dung cam kết bao gồm: sử dụng năng lượng sạch, giảm thiểu rác thải, giữ gìn môi trường, bảo tồn văn hóa bản địa và xác định rõ trách nhiệm đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Trước tiên, cần đẩy mạnh chuyển đổi số tại các điểm đến nhằm cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác về tour, tuyến, kết nối giữa các địa phương và chuỗi sản phẩm liên vùng. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để doanh nghiệp lữ hành trong nước tham gia các hội chợ du lịch quốc tế trực tiếp (offline) để tiết kiệm chi phí và mở rộng mạng lưới đối tác.
Thứ hai, cần tận dụng hiệu quả các lễ hội, hoạt động ngoại giao văn hóa qua các Đại sứ quán và trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài để quảng bá hình ảnh đất nước. Với những thị trường châu Âu lớn như Italy, Tây Ban Nha, Hà Lan, cần có chiến lược kích cầu cụ thể, đồng thời liên kết với các hãng hàng không quốc tế, phát triển các tuyến, tour kết nối phù hợp xu thế tiêu dùng toàn cầu.
Thứ ba, cần chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao, thúc đẩy chi tiêu của du khách. Từ kinh nghiệm của Thái Lan và một số quốc gia, có thể xây dựng các chương trình tour “không gian mở” – kết hợp ẩm thực, mua sắm, nghệ thuật, giải trí – nhằm tối đa hóa giá trị chi tiêu của du khách.
Theo ông Phạm Hà, Chủ tịch Tập đoàn LuxGroup, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, Việt Nam cần định vị lại vai trò của ngành du lịch. “Chúng ta cần xem du lịch là một ngành kinh tế thực sự, có chính sách phát triển rõ ràng từ ngắn hạn đến dài hạn, chứ không dừng lại ở mục tiêu đón lượng khách. Nếu chỉ đón 23 triệu khách mà mức chi tiêu không cao thì hiệu quả kinh tế không tương xứng. Ngược lại, với lượng khách ít hơn nhưng chi tiêu nhiều hơn – từ 1.200 USD/khách trước đây lên 3.600 USD/khách hiện nay – tổng doanh thu du lịch sẽ tăng mạnh, đồng thời giảm tải áp lực lên các điểm đến”, ông phân tích.
Việc thu hút nhóm khách chi tiêu cao còn giúp thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ, tạo động lực cho các ngành nghề liên quan như nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ… Theo ông Hà, để hiện thực hóa điều đó, cần có chiến lược phát triển hạ tầng, từ cảng biển, hàng không đến giao thông liên vùng, gắn liền với yếu tố bền vững và bảo tồn giá trị văn hóa.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu khẳng định, ngành đang nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho việc kết nối Việt Nam với thế giới. Trong đó, chính sách thị thực đang được xem là “cú hích” quan trọng. Cùng với chương trình miễn thị thực ngắn hạn có điều kiện dành cho các quốc gia như Séc, Ba Lan, Thụy Sĩ theo Nghị quyết 11/NQ-CP, Chính phủ đang tiếp tục triển khai “visa vàng” cho các đối tượng như nhà đầu tư, doanh nhân, chuyên gia, nhà khoa học… với thời hạn lưu trú dài hơn và thủ tục cấp visa nhanh chóng. Đồng thời, hạ tầng số cho E-visa cũng đang được nâng cấp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần cải thiện nền kinh tế.