– Thưa bà, bà đánh giá thế nào về tiềm năng, cơ hội và thách thức đối với ngành Du lịch của Việt Nam khi thực hiện việc chuyển đổi số?
– Từ trước khi dịch Covid-19 diễn ra, chuyển đổi số đã là xu hướng chung của thế giới trong thời đại internet bùng nổ. Xu hướng này giúp giải quyết nhiều vấn đề, điển hình là thay đổi cách thức hoạt động của doanh nghiệp, giúp tăng năng suất, rút ngắn thời gian, mở rộng cách tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng, nghiên cứu và phân tích dữ liệu hiệu quả hơn… Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, Covid-19 chính là nguyên nhân thúc đẩy chuyển đổi số khi vấn đề di chuyển và các hình thức tiếp cận trực tiếp đều bị hạn chế hoặc ngưng trệ, mọi hoạt động tìm kiếm thông tin, giải trí, nghiên cứu, học tập… đều chuyển sang hình thức trực tuyến. Đấy là lý do chuyển đổi số được xem là tiềm năng duy nhất để duy trì và phát triển hoạt động không chỉ đối với ngành Du lịch mà hầu như mọi ngành nghề.
Trong tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nếu như trước đây, du khách có nhiều sự lựa chọn để quyết định một điểm đến thì nay, an toàn sẽ là yếu tố ưu tiên hàng đầu. Ở khía cạnh này, Việt Nam đang có ưu thế rất lớn khi tạo được dấu ấn trên truyền thông quốc tế trong việc kiểm soát tốt dịch bệnh. Vì vậy, đây là thời cơ tuyệt vời để du lịch Việt Nam chuyển mình và tạo dấu ấn cho khách hàng tiềm năng trên toàn thế giới. Để đạt được điều này, ngành Du lịch phải chuyển đổi số, tập trung đẩy mạnh quảng bá du lịch trên nền tảng trực tuyến toàn cầu.
Nếu chuyển đổi số tốt, điều này có thể mở ra nhiều cơ hội mới như: Tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng mới, thử sức với các dịch vụ mới liên quan, giải đáp bài toán về chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian hay mở rộng phạm vi…
Bên cạnh thuận lợi là thách thức. Trong bất kể lĩnh vực nào, cạnh tranh luôn là thách thức chung. Nhất là trong thời đại số, người người, nhà nhà đều hiện diện trực tuyến, mọi thứ đều được cập nhật nhanh chóng kéo theo xu hướng và nhu cầu của khách hàng cũng thay đổi hàng ngày, hàng giờ. Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm bắt, cập nhật xu hướng trực tuyến liên tục để đưa ra các giải pháp kinh doanh phù hợp, chiến lược quảng bá thu hút… nhằm gây ấn tượng và gia tăng năng lực cạnh tranh hiệu quả.
– Theo bà, cách ngành Du lịch Việt Nam áp dụng công nghệ, sử dụng các nền tảng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh ra thế giới có hiệu quả?
– Du lịch là ngành cần có sự kết nối, quảng bá xuyên biên giới nhiều nhất. Những nền tảng toàn cầu như Google, YouTube, Facebook, TikTok… chính là cầu nối giúp quảng bá hình ảnh du lịch hiệu quả nhất đến với du khách quốc tế. Điển hình như dự án “Đi để yêu” do Tổng cục Du lịch phát động thông qua nền tảng YouTube, tôi đánh giá rất cao về cách thức quảng bá và sự thay đổi ngày càng có hiệu quả của du lịch Việt Nam. Hình thức quảng bá này có ưu điểm lớn là không bị giới hạn không gian và thời gian, tuy nhiên lại bị hạn chế ở tính trải nghiệm. Do vậy, để đạt được hiệu quả tối ưu trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số cần có sự kết hợp của trải nghiệm thực tế.
– Thời gian qua, Google đã hỗ trợ ngành Du lịch Việt Nam triển khai các dự án liên quan đến chuyển đổi số. Bà có thể chia sẻ nhiều hơn với độc giả của Báo Hànộimới về các dự án đã, đang và sẽ triển khai trong thời gian tới?
– Thực tế, Google đã có nhiều hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành Du lịch nói riêng từ nhiều năm trở lại đây. Trong tình hình dịch diễn ra, chúng tôi vẫn nỗ lực và đóng góp nhiều hơn với 4 hướng hỗ trợ chính cho du lịch Việt Nam. Thứ nhất, hỗ trợ các cơ quan chính phủ và ngành Du lịch hiểu về nhu cầu du lịch và đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu trên trang Thông tin chi tiết về điểm đến mà Google mới công bố cuối năm 2020. Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch thông qua đào tạo kỹ năng số miễn phí. Chương trình Bệ phóng Việt Nam 4.0 của Google đã đào tạo hơn 300.000 doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có nhiều doanh nghiệp du lịch, đã áp dụng kiến thức số học được để duy trì hoạt động trong giai đoạn dịch Covid-19. Thứ ba, giới thiệu các địa danh ở Việt Nam với khán giả trong nước và quốc tế thông qua việc khuyến khích các nhà sáng tạo nội dung YouTube sản xuất video và chia sẻ trải nghiệm du lịch với khán giả. Thứ tư, triển khai dự án Kỳ quan Việt Nam – triển lãm gần 1.500 bức ảnh về danh lam, thắng cảnh, văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực của Việt Nam trên trang thư viện điện tử lớn nhất thế giới là Google Arts and Culture để du khách thế giới có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp và chuẩn bị kế hoạch khám phá Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài ra, chúng tôi cũng không ngừng quảng bá văn hóa, ẩm thực Việt Nam qua trang chủ Google bằng Doodle (biểu tượng trên trang chủ Google) Bánh mì, Doodle Cải lương, Doodle Hội An…; số hóa di tích lăng Tự Đức theo định dạng 3D trên Google Tìm kiếm…
Khi trăn trở thực hiện những dự án như thế này, tôi luôn đứng trong hai tâm thế, thứ nhất là một Googler (nhân viên Google) quản lý thị trường Việt Nam nên luôn mong muốn phát triển thị trường thật tốt. Thứ hai và cũng là quan trọng nhất, mình là người Việt Nam, sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nên luôn muốn đóng góp công sức để phát triển đất nước, đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát. Do vậy, khi quyết định thực hiện bất kỳ dự án nào, tôi đều đặt kỳ vọng lớn về tính hiệu quả, mong muốn thông qua những đóng góp, hỗ trợ từ các dự án Google, các doanh nghiệp địa phương, những đối tượng của dự án đều có thể vận dụng kiến thức, tài nguyên, cơ sở dữ liệu có sẵn của Google để phát triển kinh tế cho chính bản thân, doanh nghiệp của mình. Nhiều doanh nghiệp thành công thì kinh tế Việt Nam cũng sẽ theo đó đi lên.
– Du lịch Việt Nam cần làm gì để chuyển đổi số hiệu quả, gia tăng năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới?
– Để thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi số, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ, doanh nghiệp cần có đội ngũ vận hành tốt, có chuyên môn để xây dựng nền móng vững chắc ngay từ đầu; bên cạnh đó, tư duy và chiến lược bài bản là yếu tố quan trọng để gia tăng năng lực cạnh tranh. Mặt khác, ở ngành Du lịch, trải nghiệm khách hàng (consumer journey) ngày nay nên được xem là yếu tố quan trọng, vì nó quyết định đến năng lực cạnh tranh của thị trường. Một trải nghiệm khách hàng tốt phải được đầu tư kỹ lưỡng từ khâu quảng bá đến giai đoạn triển khai và cuối cùng là chăm sóc khách hàng.
– Theo bà, vị trí của du lịch Việt Nam sẽ thay đổi thế nào sau khi thực hiện chuyển đổi số?
– Việt Nam là một ngôi sao đang lên không chỉ trong khu vực mà còn ở thế giới, nhất là trong giai đoạn Covid-19, các cơ quan chức năng đã quản lý và kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh và để lại ấn tượng tuyệt vời trên truyền thông quốc tế. Đây là một cơ hội lớn cho ngành Du lịch để chuyển đổi số, thực hiện các chiến dịch quảng bá du lịch trên các nền tảng đa quốc gia, hướng đến việc tạo dấu ấn cho du khách trong giai đoạn này. Đây là bước quan trọng để định hình quyết định của du khách khi tình hình dịch bệnh đi qua và mọi người bắt đầu lên kế hoạch du lịch trở lại. Việt Nam đang chiếm lợi thế tốt so với các nước trong khu vực về mặt kiểm soát dịch bệnh. Nếu thực hiện chuyển đổi số tốt, du lịch Việt Nam chắc chắn sẽ tiến xa hơn nữa.
– Trân trọng cảm ơn bà!