Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết: “Việc mở cửa đón khách du lịch có “hộ chiếu vaccine” là một ý tưởng hay để khơi thông du lịch, thương mại và vực dậy nền kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề “hộ chiếu vaccine” đang được Chính phủ nghiên cứu các phương án chứ chưa có chủ trương cụ thể. Các doanh nghiệp dịch vụ, lữ hành cũng đã có sự chuẩn bị và có nguyện vọng về chính sách này nhưng tất cả vẫn phải chờ chủ trương của nhà nước, chính phủ, cơ quan quản lý ngành”.
Tương tự, ông Hoàng Hữu Lộc, Chủ tịch Chi hội lữ hành TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện việc mở cửa đón khách quốc tế có “hộ chiếu vaccin” chỉ một số quốc gia triển khai. Các cơ quan Việt Nam cũng đã đề xuất vấn đề này nhưng đến nay chưa có thống nhất cuối cùng. Tuy nhiên, đây là giải pháp khả thi thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, giúp ngành du lịch có điều kiện vượt qua khó khăn hiện tại. Bởi khi du khách có “hộ chiếu vaccine” cùng giấy chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 sẽ là cơ sở xem xét cho khách du lịch nhập cảnh Việt Nam, mà không cần áp dụng thủ tục cách ly.
“Việt Nam áp dụng biện pháp cách ly 14 ngày thì chắc chắn chỉ phục vụ cho khách làm ăn sinh sống, làm việc tại Việt Nam chứ không phải khách đi du lịch tại Việt Nam. Đối với du khách đi du lịch, thời gian lưu trú ngắn ngày còn phải cách ly 14 ngày khi nhập cảnh là không phù hợp. Vì vậy, việc áp dụng “hộ chiếu vaccine” giữa các nước với nhau sẽ tạo điều kiện cho du khách Việt Nam đi du lịch đến các nước như trước đây và ngược lại. Nếu được thông qua, chúng tôi tin giải pháp và tạo điều kiện để khôi phục du lịch”, ông Lộc nói.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, ngoài những lợi ích, thuận lợi khi sử dụng ‘hộ chiếu vaccine” để đi lại giữa các nước, vẫn có những vấn đề cần quan tâm. Chẳng hạn, “hộ chiếu vaccine” sẽ gặp khó khi triển khai bởi việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 là không bắt buộc, như vậy khó có sự đồng nhất. Ở một số nước phát triển đã đặt mua hàng triệu liều vaccine cho công dân trong khi công dân các nước đang phát triển vẫn phải chờ đợi lâu hơn. Đáng chú ý, tính chân thật của “hộ chiếu vaccine” vẫn cần nghiên cứu khi các loại hộ chiếu vẫn có thể bị làm giả, nếu điều này xảy ra thì nguy cơ lây lan dịch bệnh trong nước sẽ rất lớn.
“Đã đến lúc Việt Nam cần xem xét để mở cửa một số thị trường khách quốc tế vào Việt Nam nhằm khởi động lại thị trường khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, theo hình thức dạng “hộ chiếu vaccin” hay dạng nào khác thì nguyên tắc chung vẫn phải đảm bảo an toàn sức khỏe, chấp hành nghiêm chỉnh các tiêu chí nghiêm ngặt về phòng chống lây lan dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam ”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa kiến nghị.
Chuẩn bị đón khách quốc tế trở lại
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, để chuẩn bị cho việc triển khai “hộ chiếu vaccine”, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đang tích cực triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn du lịch và luôn sẵn sàng khi Chính phủ thông qua “hộ chiếu vaccine”.
“Được biết, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã giao cho Tổng cục Du lịch Việt Nam trình phương án mở lại thị trường khách du lịch quốc tế trong thời gian sớm nhất để trình Chính phủ. Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng như các doanh nghiệp du lịch hy vọng với những giải pháp thiết thực nhất, thị trường khách du lịch quốc tế sẽ khởi động trong thời gian tới, góp phần khôi phục ngành du lịch Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nói.
Tương tự, theo bà Nguyễn Thị Khánh, đây là thời điểm để ngành du lịch Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ khi “hộ chiếu vaccin” được Chính phủ thông qua. Thực tế, các điểm đến, khách sạn, lưu trú… ở TP Hồ Chí Minh cũng đã và đang xây dựng quy trình đón khách an toàn trên cơ sở áp dụng bộ tiêu chí an toàn trong du lịch do Tổng Cục du lịch, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã ban hành và thực hiện nghiêm thông điệp 5K từ Bộ Y tế…
“Sắp tới, chúng tôi hy vọng các địa phương trong cả nước cùng TP Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm các quy tắc tổ chức du lịch an toàn nếu Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế trở lại theo hướng đồng bộ, thống nhất”, bà Khánh nói.
Tương tự, bà Cao Thị Tuyết Lan, Trưởng ban Đối ngoại và Phát triển thị trường, Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện Hiệp hội đã cùng các hội viên tổ chức tập trung cho mảng khách du lịch nội địa và đảm bảo thật an toàn. Đối với du lịch outbound (người Việt Nam đi du lịch nước ngoài) cũng cần có những bước chuẩn bị cho khách hàng có những chứng nhận “hộ chiếu vaccine”. Trung bình một năm, Việt Nam có từ 9-10 triệu khách đi du lịch nước ngoài. Đây là đối tượng đông và nhu cầu cấp thiết có “hộ chiếu vaccine” để người dân có thể đi hội thảo, du lịch… nước ngoài.
Theo bà Cao Thị Tuyết Lan, mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo các bộ, ban, ngành chuẩn bị mở đường bay quốc tế theo lộ trình và nghiên cứu cấp “hộ chiếu vaccine” để phù hợp với quy định thế giới. Bởi hiện nay, một số nước đã triển khai mạnh mẽ việc cấp “hộ chiếu vaccine” cho du khách. Ngoài ra, ngành du lịch cũng đã có hướng đệ trình Chính phủ áp dụng “quy tắc tổ chức du lịch an toàn” khi Việt Nam thông qua việc triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine” trên cả nước.
“Trước mắt, để chuẩn bị đón khách du lịch có “hộ chiếu vaccine” vào nước ta, Việt Nam cần chọn đưa khách đến các điểm đến an toàn về dịch bệnh. Đới với các điểm đến, các tỉnh cũng cần quy hoạch xây dựng bản đồ số các vùng du lịch an toàn, điểm đến an toàn để giới thiệu cho du khách lựa chọn. Đối với các đơn vị lữ hành, cần hỗ trợ cho du khách được xét nghiệm, cấp chứng nhận đã chủng ngừa COVID-19 trước khi du lịch nước ngoài. Đối với khách du lịch quốc tế đã có “hộ chiếu vaccine” vào Việt Nam, phải nghiêm chỉnh tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ y tế Việt Nam, quy tắc du lịch an toàn của ngành du lịch… Ngoài ra, hiện nay châu Âu đã hoàn tất việc tiêm vaccine và triển khai “hộ chiếu vaccine”, nếu khách Việt Nam muốn đi du lịch châu Âu thì cần có “hộ chiếu vaccine” như các nước. Đây cũng là xu hướng chung của các nước trên thế giới khi muốn khôi phục lại ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung”, bà Lan chia sẻ thêm.