Mong muốn chung tay thực hiện chủ trương
Với tinh thần chủ động phòng, chống dịch Covid-19 và hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ huy động mọi nguồn lực xã hội đóng góp vào Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã có Công văn số 46/CV-HHDLVN gửi các doanh nghiệp du lịch, các doanh nghiệp có liên quan đến du lịch và Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố về việc xã hội hóa tiêm vắc xin Covid-19 trong lĩnh vực du lịch. Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng kêu gọi các doanh nghiệp tích cực đóng góp vào Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ, nhằm góp phần sớm đẩy lùi dịch Covid-19.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, việc tiêm phòng vắc xin là giải pháp cốt lõi, lâu dài để sớm đạt miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống và công việc trở lại bình thường. Du lịch là một trong những ngành dịch vụ, tiếp xúc trực tiếp với du khách trong và ngoài nước, nên việc sớm tiêm phòng cho lực lượng lao động này là rất cần thiết, nhất là khi Chính phủ đang có chủ trương thử nghiệm chương trình “hộ chiếu vắc xin” đón khách quốc tế.
“Trước tình trạng khan hiếm vắc xin trên thế giới, chi phí vận chuyển, bảo quản và tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho cả nước chắc chắn sẽ rất lớn, vì thế các doanh nghiệp du lịch mong muốn chung tay, được trả phí cho mũi tiêm của người lao động ngành mình, giảm tải gánh nặng ngân sách của Nhà nước”, ông Vũ Thế Bình bày tỏ.
Nhìn nhận về việc xã hội hóa chương trình vắc xin mà Hiệp hội Du lịch Việt Nam đang đề xuất, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, đây là việc làm cần thiết vì tiêm vắc xin là một trong những giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, từ đó nhanh chóng khôi phục hoạt động du lịch.
Cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chỉ sau hơn 10 ngày gửi văn bản đề nghị, các hiệp hội du lịch địa phương, doanh nghiệp hội viên, doanh nghiệp liên quan đến du lịch đã tích cực đăng ký đóng góp kinh phí tiêm vắc xin phòng Covid-19. Đến nay, các địa phương và doanh nghiệp du lịch đã đăng ký đóng góp kinh phí tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho gần 100 nghìn người.
Tại Hà Nội cũng có nhiều doanh nghiệp đăng ký tiêm vắc xin và đóng góp kinh phí thông qua nhiều kênh khác nhau. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Lữ hành Hà Nội (Hiệp hội Du lịch Hà Nội) Vũ Giang Biên cho biết, đã có nhiều doanh nghiệp du lịch Hà Nội đăng ký trực tiếp lên Hiệp hội Du lịch Việt Nam và khoảng 20 doanh nghiệp đăng ký qua Hiệp hội Du lịch Hà Nội. Sở Du lịch Hà Nội cũng đang tiếp nhận đăng ký của nhiều doanh nghiệp du lịch với mong muốn đóng góp cho Quỹ Vắc xin.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho rằng, tinh thần đóng góp của các doanh nghiệp cho thấy sự đồng lòng và mong muốn nhanh chóng phục hồi du lịch một cách bền vững và hiệu quả. Sở Du lịch Hà Nội đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phục hồi du lịch, khi dịch được kiểm soát, như: Thực hiện bản đồ du lịch an toàn, tham mưu với UBND thành phố kế hoạch tổ chức nhiều sự kiện thời gian tới.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, ngoài việc đề xuất tiêm phòng vắc xin theo hình thức xã hội hóa, ngành Du lịch cần nhận thêm các giải pháp cấp bách khác từ cơ quan chức năng để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động. Ngoài các chính sách về thuế, phí, tiền điện…, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề xuất tạm thời cho doanh nghiệp được chuyển đổi từ giấy phép lữ hành quốc tế sang nội địa, căn cứ vào đó, chuyển mức ký quỹ của doanh nghiệp lữ hành quốc tế từ 500 triệu đồng, xuống 100 triệu đồng (mức quy định cho mảng nội địa).
Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã gửi văn bản tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bổ sung những giải pháp cấp bách hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó, đề xuất cho phép doanh nghiệp lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ của doanh nghiệp; tiếp tục kéo dài chính sách về giảm phí cấp phép kinh doanh lữ hành và thẻ hướng dẫn viên…