Dường như, khi phải đối diện với những tổn thương sâu sắc do dịch bệnh toàn cầu gây ra người ta bắt đầu có xu hướng quay về với giá trị cốt lõi: Gia đình – nơi có thể giúp họ lấy lại cân bằng, hoàn toàn được nghỉ ngơi và an dưỡng cả thân, tâm và tuệ.
Thời của những giá trị cốt lõi
Nền tảng du lịch trực tuyến Booking.com vừa thực hiện một cuộc khảo sát toàn cầu với hơn 28.000 khách du lịch tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm nắm bắt những nhu cầu mà du khách trên toàn thế giới mong muốn nhất cũng như những thứ họ sẵn sàng từ bỏ để ưu tiên việc du lịch trong năm 2021 khi dịch COVID-19 được khống chế, tình hình an toàn để có thể du lịch trở lại.
Theo kết quả này, hơn 1.000 du khách Việt Nam là người trưởng thành tham gia nghiên cứu cho biết có dự định đi du lịch trong 12 tháng tới. Có tới 57% số người được hỏi trả lời rằng họ ưu tiên dành thời gian cho gia đình, chỉ 43% du khách Việt chọn kỳ nghỉ. Trong khi đó, 66% du khách tại Đài Loan (Trung Quốc) và 62% du khách tại Hàn Quốc ưu tiên kỳ nghỉ.
Giữa bối cảnh chưa thể kết nối lại các đường bay thương mại quốc tế như bình thường, du khách muốn trải nghiệm điều gì nhất trong năm nay? 69% khách Việt Nam thích đi nghỉ dưỡng xanh hơn là nghĩ tới chuyện “tìm kiếm tình yêu đích thực,” trong khi con số này tăng lên đến 77% đối với khách từ Hong Kong (Trung Quốc), 75% đối với du khách Thái Lan và 71% với Nhật Bản. Ngoài ra, 63% du khách Việt Nam sẽ chọn một chuyến đi thay vì có cơ hội mua xe ôtô mới.
Điều đáng nói là có tới 57% du khách Việt Nam chọn một kỳ nghỉ thay vì được thăng tiến trong công việc, so với các khách từ Tây Ban Nha (89%), Nhật Bản (77%) và Đan Mạch (77%).
Kết quả trên cho thấy dịch bệnh đã khiến con người quá mỏi mệt, họ mong muốn được quay về với giá trị cốt lõi nhất là gia đình, tìm đến những kết nối với thiên nhiên và chính mình để cân bằng cuộc sống nội tại.
Thời điểm này, vật chất hay thăng tiến sự nghiệp không còn là ưu tiên và mục tiêu hướng tới của số đông, mà thay vào đó là thôi thúc về những chuyến đi, những trải nghiệm kích thích trọn vẹn tất cả các các giác quan.
Vậy, người ta sẽ mong chờ nhất điều gì cho những chuyến xê dịch sắp tới, khi du lịch mở cửa trở lại?
Những trải nghiệm đánh thức mọi giác quan
“Mùi hương đặc trưng của kỳ nghỉ” sẽ đánh thức các giác quan, khiến chúng ta biết rằng mình đang ở một vùng đất mới chính là câu trả lời. Có tới 37% du khách Việt đã chọn điều này, trong khi con số là 39% với du khách Hàn Quốc, 36% du khách Đài Loan (Trung Quốc) và 32% du khách Singapore.
Có thể thấy, nhu cầu tinh thần với những cảm nhận mang tính cá nhân về giây phút đầu tiên được hít hà không khí của kỳ nghỉ, cảm nhận mùi vị món ăn và hương thơm tại địa điểm mới đang là yếu tố kích thích tâm lý khách du lịch Việt…
Trải qua quãng thời gian dài vì dịch bệnh mà phải “bó gối” quá lâu và kìm hãm ham muốn được thỏa trí tang bồng, giờ đây nhiều người thậm chí còn thấy hứng thú nếu được thử lại một số trải nghiệm từng khiến họ chẳng mấy vui vẻ trong quá khứ như việc lần đầu thử các món ăn mới và không thích lắm (24%) hay cháy nắng (20%), cảm giác cát bỏng rẫy dưới đôi chân trần trên cát (20%).
Trong khi đó, 20% du khách Việt nhớ việc được “giết” thời gian tại sân bay trong khi chờ khởi hành so với 28% khách Hàn Quốc và 26% khách Singapore.
Không chỉ các món địa phương mới khiến du khách yêu thích, 17% khách du lịch Việt Nam còn mong chờ các bữa ăn máy bay cũng như việc thức dậy giữa đêm khuya để bắt chuyến bay sớm (19%). Thử thách và niềm vui trong việc cố gắng vượt qua rào cản ngôn ngữ khi giao tiếp với người dân địa phương là một trải nghiệm du lịch bất ngờ được 24% khách du lịch Việt Nam nhớ tới.
Kết quả nghiên cứu này mặc dù chưa thực sự toàn diện nhưng lại là lát cắt đáng chú ý về sự thay đổi trong tâm lý và nhu cầu của du khách Việt sau hơn một năm bị COVID-19 kìm kẹp. Nó cho thấy thực tế rằng du lịch đã trở thành ưu tiên hàng đầu của số đông, trên cả tình yêu đích thực và phát triển sự nghiệp.
Tin chắc rằng trong tương lai không xa, khi đại dịch được kiểm soát an toàn, các đường bay thương mại được kết nối trở lại, du khách sẽ lại xách balo lên vi vu để có thể nói câu “ước gì bạn ở đây” thay vì “ước gì tôi ở đó” như lúc này./.