Trước khi có phố thị Buôn Ma Thuột thì đã có buôn của Ama Thuột và trước khi buôn làng ấy ra đời thì rừng núi đã ở đó từ hàng triệu năm trước. Vì lẽ đó, sinh thái vừa là thể phách vừa là linh hồn của vùng đất này. Việc kiến thiết đô thị trên vùng đất đại ngàn ấy, đương nhiên phải phục tùng “nguyên lý xanh” đó. Xanh phải là sắc màu chủ đạo của Buôn Ma Thuột, không thể khác.
Đã từng có một thời, thiên nhiên bị xem như sự hoang vu cần phải khai hoang, phục hóa. Rừng núi hoang sơ lùi dần để nhường chỗ cho đường sá, nhà cửa, phố xá, nông trường mọc lên. Màu xanh diệu vợi của rừng đã được thay dần bằng những mảng xám của bê tông, sắt thép, của đỏ, vàng, lục, lam, chàm, tím, nhà cửa phố thị. Người ta đốn cây xanh để “trồng” những khối bê tông với một suy nghĩ rất giản đơn – đó là hiện đại, là phát triển. Nhiều phố thị vốn dĩ ra đời giữa bốn bề rừng núi, đã trở thành đô thị sầm uất rời xa với núi rừng. Buôn Ma Thuột chắc cũng không nằm ngoài cảnh trạng đó.
Điều đáng mừng là nhiều năm về sau, màu xanh đã trở lại với Buôn Ma Thuột trong sự chủ động lựa chọn của chính quyền và người dân. Vì vậy, Buôn Ma Thuột đã ở trong top 10 thành phố xanh – sạch – đẹp của Việt Nam. Tuy nhiên, danh hiệu đó cũng không phải dễ dàng giữ vững trước cơn lốc đô thị hóa cùng với lợi nhuận mang lại từ bất động sản quá lớn và quá nhanh đã và đang diễn ra ở đây.
Một con đường rợp bóng cây xanh ở TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia |
Nhìn cận cảnh thì thấy phố phường Buôn Ma Thuột rợp bóng cây xanh, nhưng lùi xa một chút sẽ thấy nhiều điều chưa ổn. Một thành phố ở trong núi rừng Tây Nguyên mà độ che phủ rừng chỉ 4,2% (số liệu của UBND TP. Buôn Ma Thuột) là con số rất đáng suy nghĩ. Với diện tích tự nhiên hơn 377 km2, dân số hơn nửa triệu người mà chỉ có hơn 22.000 cây xanh công cộng là con số còn khiêm tốn. Con số này của TP. Huế là 70 km2/65.000 cây xanh, độ che phủ rừng của TP. Đà Lạt là 51%.
|
Một đô thị được công nhận đạt chuẩn xanh phải đáp ứng bảy tiêu chí xanh – từ không gian xanh cho đến từng công trình xanh, hạ tầng xanh, kinh tế xanh, văn hóa xanh… Nhưng, theo kỹ sư Nguyễn Xuân Hải, thành viên Ban Tư vấn – Tổng hội Xây dựng Việt Nam thì yếu tố quyết định vẫn là con người. Muốn có đô thị xanh thì trước tiên phải có “con người xanh”. Con người đó là ai? Là các nhà quản lý nhà nước, nhà quy hoạch đô thị, kiến trúc sư, là các chủ đầu tư và tất nhiên là cả người dân – chủ nhân của đô thị. Đầu óc của những con người ấy phải “xanh” thì mới có thể tạo ra được thành phố xanh.
Để xây dựng một đô thị sinh thái không đơn giản chỉ là trồng thật nhiều cây cối, mà việc quan trọng nhất là phải xây dựng nhận thức cho cả cộng đồng về giá trị đích thực của thiên nhiên, để hình thành “lối sống xanh”, để ra đời những chủ trương, “chính sách xanh”, một nền kinh tế lấy tăng trưởng xanh làm trọng. Nếu chính quyền và dân chúng không nhận thức một cách căn cốt về giá trị sinh thái, không thật lòng yêu thiên nhiên, thì “đô thị xanh” cũng chỉ là thứ thời trang theo trào lưu thiên hạ mà thôi (!) Chỉ một thao tác điều chỉnh quy hoạch là rừng xanh sẽ thành đô thị. Một cây cổ thụ sẽ dễ dàng bị đốn bỏ chỉ để thông thoáng mặt tiền cửa hiệu kinh doanh.
Mô hình “đô thị thông minh” mà Buôn Ma Thuột định hướng xây dựng là đô thị được vận hành trên nền tảng công nghệ – và dùng công nghệ thông tin để quản lý, điều hành đô thị, phục vụ dân sinh. Đó là “smart city” theo cách gọi của thế giới hiện nay. Tính chất “thông minh” của đô thị này là sự thông minh của công nghệ cao, của trí tuệ nhân tạo. Nhưng cho dù công nghệ đó có thông minh đến mức nào cũng không thể tạo ra được rừng núi đại ngàn hoang dã như Vườn quốc gia Yok Đôn, không thể tạo ra được núi non hùng vĩ Chư Yang Sin. Những thứ quý giá đó chỉ có thiên nhiên trải qua hàng triệu năm mới tạo ra được.
Theo các chuyên gia đô thị, thành phố xanh (green city) được phát triển từ ba ý niệm: sinh thái (eco-city), tính bền vững (sustainable city), và thông minh (smart city). Tức là, trong cấu trúc thành phố xanh phải có thành phố thông minh. Và thành phố thông minh phải là thành phố xanh tươi hoa lá. Nếu thành phố chọn chỗ đất đẹp nhất không phải để xây cao ốc mà để trồng một rừng cây, thì đó là một thành phố thông thái. Liệu Buôn Ma Thuột có chọn lựa như vậy không? Một câu hỏi đáng để mọi người quan tâm..