Để không lỡ nhịp
Từ khi xuất hiện dịch Covid-19, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhiều lần xây dựng các phương án, lộ trình phù hợp, sẵn sàng mở lại thị trường quốc tế khi điều kiện cho phép. Bộ cũng đã làm việc cụ thể với các địa phương như Kiên Giang, Quảng Nam… khảo sát dịch vụ cụ thể tại các điểm đến để xây dựng phương án đón khách quốc tế, sử dụng hộ chiếu vaccine, tuy nhiên, do dịch bệnh bùng phát trở lại nên kế hoạch chưa thể triển khai như dự định.
Thời gian gần đây, sau khi các nước mở rộng tiêm vaccine phòng Covid-19, châu Âu đã bắt đầu áp dụng hộ chiếu vaccine, xóa bỏ rào cản đi lại trong khu vực, tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có mở cửa du lịch trở lại. Từ đầu tháng 6, Đức, Hy Lạp, Đan Mạch, Bulgaria, Czech, Croatia và Ba Lan đã triển khai hộ chiếu vaccine. Các nước: Italia, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Croatia, Iceland cũng đã mở cửa cho khách du lịch từ Mỹ. Liên hiệp châu Âu (EU) lên kế hoạch để mở cửa toàn bộ từ ngày 1/7 và dự báo sẽ có một mùa du lịch hè “bùng nổ” sau khi người dân bị hạn chế du lịch quá lâu để phòng, chống dịch. Trong khu vực ASEAN, Thái Lan cũng bắt đầu mở lại thị trường quốc tế, áp dụng hộ chiếu vaccine đối với khách vào Phuket từ ngày 1/7 và sẽ mở tiếp 10 điểm nữa vào tháng 10/2021. Singapore tiên phong áp dụng Thẻ thông hành kỹ thuật số (IATA Travel Pass)- một loại hộ chiếu vaccine của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho phép du khách quốc tế nhập cảnh bằng đường hàng không từ tháng 5/2021.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho rằng vaccine là biện pháp chống dịch căn cơ, triệt để nhất, là cách để thế giới và mỗi nước thoát khỏi đại dịch Covid-19. “Việc thí điểm mở cửa bắt đầu từ Phú Quốc có tầm quan trọng lớn, chuẩn bị cho việc mở cửa tiếp theo của điểm đến Việt Nam. Vì thế, chúng tôi đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan như: Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Công an… để mở cửa trở lại thị trường quốc tế”, ông Kiên nói.
Các chuyên gia đề xuất, cần có nghiên cứu, tham khảo cách làm trong việc mở cửa của các nước sao cho việc thí điểm ở trong nước đạt hiệu quả và an toàn nhất. Theo đó, phải xây dựng những chứng nhận tiêm chủng Covid-19 ở Việt Nam, các nước thừa nhận lẫn nhau về kết quả tiêm vaccine Covid-19, giảm tối đa thời gian cách ly. Khách tới đã được tiêm phòng Covid-19 đủ hai mũi, đã có xét nghiệm RT-PCR âm tính, lưu trú dài ngày, ít di chuyển. Đồng thời, cần lên danh sách chi tiết các cơ sở lưu trú, hãng hàng không được thí điểm đón khách trở lại, các chính sách hoàn hủy, quảng cáo, tiếp thị… để có sự chuẩn bị tốt nhất. Chính quyền địa phương cũng cần có sự cam kết, sẵn sàng tham gia, bảo đảm tiêm phòng Covid-19 cho 70 – 90% số cư dân, sớm tiêm phòng toàn bộ cho người dân; có kế hoạch ứng phó trong trường hợp dịch không may xảy ra. Tương tự như vậy, cần có sự chủ động, chuẩn bị kỹ của các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú, hãng hàng không tham gia thí điểm; bảo đảm tiêm phòng Covid-19 cho 100% số nhân viên, thực hiện quy trình đón khách an toàn với tiêu chí cụ thể.
Mô hình du lịch cách ly khép kín
Mới đây, lãnh đạo Bộ Y tế, Tổng cục Du lịch và các cơ quan liên quan đã làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về chủ trương thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến nghỉ dưỡng tại TP Phú Quốc theo mô hình “Du lịch cách ly khép kín” với điều kiện du khách đã được tiêm vaccine phòng Covid-19.
Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, tỉnh đã kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm đón khách du lịch Nga đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 đến Phú Quốc nghỉ dưỡng theo mô hình “Du lịch cách ly khép kín”, thông qua các chuyến bay thuê bao, nghỉ dưỡng tại một địa điểm, hạn chế di chuyển. Sau đó sẽ tiến hành đánh giá và cho phép mở rộng đón khách du lịch từ các nước đã hoàn thành tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Đồng thời kiến nghị cho phép tỉnh Kiên Giang được tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho toàn bộ dân cư TP Phú Quốc để bảo đảm an toàn cho người dân sinh sống trên đảo và nhân viên phục vụ tại các khu, điểm du lịch.
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: “Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương xây dựng được kế hoạch chi tiết thí điểm đón khách du lịch đã được tiêm phòng Covid-19 đến TP Phú Quốc. Việc dần hồi phục ngành du lịch tại Phú Quốc sẽ đóng góp vào nguồn ngân sách và nguồn lực để vừa chống dịch, vừa phát triển xã hội tại địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Mọi công tác chuẩn bị cho chủ trương thí điểm đón khách du lịch tại Phú Quốc nói riêng và công tác phòng, chống dịch Covid-19 nói chung trên địa bàn cần thực hiện nghiêm theo Thông báo 167/TB-VPCP kết luận tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19”.
Ngoài thị trường Nga, đại diện nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng, cần nghiên cứu và thí điểm mở lại với thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản… Đây là những thị trường gần, có nhu cầu nghỉ dưỡng và chơi golf, có mức chi tiêu cao. Nếu việc thí điểm ở Phú Quốc thành công, nên tiếp tục mở rộng ra các điểm đến khác như: Nam Hội An, Hạ Long, Côn Đảo, Nha Trang, Cát Bà… những nơi có điều kiện tốt, cơ sở hạ tầng bảo đảm, gần sân bay quốc tế.
Các doanh nghiệp du lịch đang rất mong chờ thời điểm mở cửa để đón khách vào Việt Nam với hộ chiếu vaccine. Tuy nhiên, việc triển khai hình thức du lịch với hộ chiếu vaccine cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, cẩn trọng, thử nghiệm và làm từng bước, cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ.