Theo đó, HDV du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021, được hỗ trợ một lần 3,71 triệu đồng/người.
Là lực lượng nòng cốt của ngành du lịch, đội ngũ HDV gặp rất nhiều khó khăn khi hoạt động du lịch rơi vào tình trạng đóng băng do dịch Covid-19. Hoạt động trong lĩnh vực đặc thù, HDV du lịch là đội ngũ lao động đòi hỏi phải có kiến thức, kỹ năng chuyên sâu nên không dễ đào tạo ngay, càng không dễ thay thế, nhất là với các HDV quốc tế thuộc các loại hình tiếng hiếm như Nhật Bản, Tây Ban Nha… Thế nhưng hiện nay phần lớn HDV bị thất nghiệp, nhiều người phải xoay xở sang nghề khác. Vì thế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ là sự quan tâm, động viên ý nghĩa, thiết thực đối với đội ngũ HDV, để họ sẵn sàng quay trở lại ngay khi du lịch phục hồi sau dịch.
Theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Nghị quyết 68, HDV du lịch được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: Có thẻ HDV du lịch theo quy định của Luật Du lịch; Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với HDV du lịch quốc tế và HDV du lịch nội địa; có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch đối với HDV du lịch tại điểm. Trong hồ sơ đề nghị hỗ trợ, các HDV phải nộp kèm bản sao một trong các giấy tờ sau: hợp đồng lao động có hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến thời điểm nộp hồ sơ; hoặc thẻ hội viên của tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch.
Tuy nhiên, với đặc thù nghề HDV du lịch, việc chưa có hướng dẫn cụ thể liên quan đến thuật ngữ “có hợp đồng lao động” khiến nhiều HDV có thể không nhận được hỗ trợ. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, cả nước có khoảng 28.000 HDV được cấp thẻ. Song trên thực tế, không ít trường hợp có thẻ nhưng không trực tiếp dẫn tour mà là cán bộ, nhân viên văn phòng du lịch hoặc làm công việc khác. Vì thế, yêu cầu về hợp đồng lao động là cần thiết để khu biệt đúng đối tượng, tránh trục lợi chính sách.
Tuy nhiên, việc không nêu cụ thể là cần loại hợp đồng lao động dài hạn hay ngắn hạn, có đóng hay không đóng bảo hiểm xã hội đang gây lúng túng cho nhiều người trong tiếp cận chính sách hỗ trợ, nhất là các HDV tự do – đối tượng chiếm tới 90% tổng số HDV cả nước. Lâu nay, các doanh nghiệp du lịch thường áp dụng hai loại hợp đồng dành cho HDV. Loại thứ nhất là hợp đồng dài hạn có đóng bảo hiểm dành cho các HDV chuyên trách của doanh nghiệp, số lượng HDV được ký loại hợp đồng này là rất ít. Đa phần HDV được ký hợp đồng thời vụ, hợp đồng vụ việc theo tour, thời hạn thường chỉ kéo dài từ 1 đến 15 ngày. Sau khi tour kết thúc, hợp đồng được HDV nộp lại cho công ty du lịch để tất toán chi phí. Vì thế, nếu chính sách hỗ trợ chỉ dành cho hợp đồng dài hạn thì các HDV tự do sẽ rất khó có cơ hội để thụ hưởng gói hỗ trợ.
Mặt khác, từ đầu năm 2020 đến nay, phần lớn các doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa, dừng hoạt động nên việc HDV có được hợp đồng lao động dài hạn rất khó khăn. Theo quy định, nếu không có hợp đồng thì cần có thẻ hội viên của các hiệp hội HDV, song đây lại là các tổ chức được HDV ghi danh trên tinh thần tự nguyện, nên không phải ai cũng tham gia. Nhiều người băn khoăn, liệu bây giờ mới tham gia hiệp hội thì có đủ đáp ứng yêu cầu về mặt thời gian của chính sách? Bên cạnh đó, với các HDV du lịch inbound (đón khách quốc tế vào trong nước), quy định về thời hạn còn hiệu lực của hợp đồng lao động (từ 1/1/2020 đến nay) là không thực tế, bởi từ cuối tháng 3/2020, Việt Nam đã tiễn những du khách quốc tế cuối cùng, nên HDV quốc tế gần như không còn đi tour và đã dừng hợp đồng lao động.
Hiện nay, các HDV du lịch vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể để làm hồ sơ nhằm tiếp cận được gói hỗ trợ một cách minh bạch, bảo đảm quyền lợi chính đáng. Đây là nút thắt, là vướng mắc về mặt thủ tục cần sớm được tháo gỡ.