Kế hoạch bay thương mại định kỳ chở khách quốc tế từ cuối năm nay của Cục hàng không Việt Nam thiếu tính khả khi do quy định cách ly tập trung khách.
Theo kế hoạch của Cục Hàng không Việt Nam, trong giai đoạn đầu mở bay quốc tế, các chuyến bay quốc tế chỉ được phép chở 4.000 – 6.000 khách/tháng và phải cách ly tập trung, tự chi trả mọi chi phí cách ly.
“Việc cách ly tập trung sẽ khiến khách không bay, vì khách du lịch, làm ăn không ai đến Việt Nam chỉ để bị nhốt 1 tuần trong khách sạn“, TS Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư Ký hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho hay. Theo ông, từ ngày 10/10, khi mở bay chở khách nội địa ở các tuyến bay nội địa đến nay, tỷ lệ sử dụng ghế chỉ đạt từ 30-50%, nhiều chuyến không có khách, hãng bay phải bỏ chuyến.
Nhiều chuyến hãng càng bay càng lỗ. Nguyên nhân chủ yếu là do khách bay sợ bị cách ly, bị gây khó khăn mỗi địa phương một kiểu.
Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128, Bộ Y tế đã ban hành văn bản hướng dẫn, trong đó quy định rõ khách đến từ vùng xanh, vùng vàng không bị cách ly nhưng có những địa phương như Hà Nội vẫn cách ly tại nhà 7 ngày đối với khách đến từ TP.HCM.
“Quy định như vậy thì đối tượng khách bay chính của ngành hàng không là khách du lịch, khách làm ăn, kinh doanh sẽ không bay, gây khó khăn, thiệt hại cho cả các hãng hàng không và người dân có nhu cầu bay“, ông Nề nói.
Theo ông, quy mô và tần suất bay cũng quá thấp, chưa phù hợp nhu cầu thị trường của ngành hàng không và ngành du lịch.
Chung quan điểm, PGS, TS Ngô Trí Long cho rằng, kế hoạch bay của Cục Hàng không không kế thừa kinh nghiệm mở bay quốc tế của các quốc gia, đặc biệt là Thái Lan, Singapore, không rút kinh nghiệm, bài học từ mở bay nội địa và đặc biệt là không thể hiện được tinh thần thích ứng, phòng chống dịch đi liền với khôi phục phát triển kinh tế của Chính phủ.
Hàng không là động lực phát tiển của nền kinh tế, là cầu nối hội nhập quan trọng nhất, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn với doanh hu 35 tỷ USD/năm nhưng với kế hoạch mở bay quốc tế của Cục Hàng không, chỉ Việt kiều hoặc những người buộc phải đến Việt Nam để làm ăn mới chấp nhận bay và cách ly.
TS Bùi Doãn Nề đề xuất, nước ta khi đã cam kết sử dụng chung hộ chiếu vaccine đối với nhiều quốc gia kiểm soát dịch tốt, với những địa bàn trọng điểm của hàng không du lịch thì cần đối xử bình đẳng với khách có hộ chiếu vaccine bằng cách không yêu cầu cách ly họ.
Để phòng, chống dịch, tránh chở F0 từ nước ngoài về lây lan dịch ở Việt Nam, ngành hàng không và du lịch cần tạo hành lang khép kín, tạo vùng du lịch xanh, an toàn để khách nghỉ ngơi, vui chơi trong không gian đó, như Phú Quốc, Vinpearl Khánh Hòa, khu du lịch Nam Hội An.
Nhân viên phục vụ tại các vùng du lịch cần được ưu tiên tiêm đủ liều vaccine. Những người ít tiếp xúc với khách du lịch như đầu bếp, nhân viên kỹ thuật, kế toán có thể chỉ cần tiêm 1 mũi là được làm việc trong khu du lịch này.
PGS, TS Ngô Trí Long bổ sung, cần học hỏi kế hoạch, quy định đón khách du lịch rất rõ ràng, khả thi của Thái Lan để áp dụng tại Việt Nam, trong đó có quy định khách phải mua gói bảo hiểm du lịch để đủ trang trải chi phí điều trị Covid trong trường hợp xấu là bị F0 khi đang du lịch.
Nếu tổ chức, phối hợp tốt, hoàn toàn có thể cho khách tham quan đường phố trên những chuyến xe đóng kín cửa hoặc những chuyến tàu tham quan, ngắm san hô, câu cá, tắm biển.
“Khách nước ngoài tiêm đủ 2 liều có số lượng rất lớn, họ có nhu cầu được đến Việt Nam du lịch. Cần coi đây là cơ hội để phục hồi kinh tế, xã hội, giải quyết công ăn việc làm và tăng thu ngân sách cho địa phương. Do đó vấn đề quan trọng lúc này là cần mở bay quốc tế ngay từ đầu tháng 11, tăng quy mô, tần suất để có thể đón 5.000 khách/ngày trong giai đoạn đầu“, ông Long đề xuất và nhấn mạnh cần quản lý, giám sát bằng ứng dụng công nghệ, không cách ly đối với khách đã tiêm 2 mũi, âm tính khi đến Việt Nam.