Thích ứng với giai đoạn bình thường mới, hoạt động du lịch tại các địa phương đang ‘rục rịch’ trở lại. Cùng với mục tiêu thu hút khách, tiêu chí an toàn phòng dịch luôn được ngành du lịch đặt lên hàng đầu.
Cuối tuần đầu tiên của tháng 11/2021, anh Lại Văn Quân, Công ty du lịch Tam Sắc có tổ chức đi Ninh Bình cho một đoàn hơn 20 khách, theo hình thức du lịch xe caravan (xe tự lái), nghỉ tại một resort. “Khách đề xuất ghé một số điểm du lịch tại Hà Nam và một số điểm di tích tại Ninh Bình. Tuy nhiên, sau khi tham khảo thông tin từ các hướng dẫn viên, bạn bè tại địa phương, tôi quyết định không tổ chức. Tất cả dịch vụ khép kín trong resort với ưu tiên hàng đầu là an toàn”, anh Lại Văn Quân chia sẻ.
Du lịch theo loại hình caravan được nhiều người lựa chọn trong giai đoạn này bởi tính an toàn cao.
Khác với nhiệm vụ tổ chức tour trước kia chỉ lo phục vụ nơi ăn nghỉ, các dịch vụ, hiện nay, thao tác đầu tiên của anh Lại Văn Quân khi tổ chức tour là cập nhật về tình hình dịch tại các điểm đến, các dịch vụ nào được phép hoạt động, di chuyển giữa các địa phương khai báo y tế ra sao…
“Tình hình dịch bệnh mỗi nơi một khác và tiêu chí phòng dịch cũng khác nhau. Đi du lịch thời điểm này, tiêu chí an toàn được đặt lên hàng đầu bởi có vấn đề phát sinh thì cơ quan chức năng sẽ gọi đơn vị tổ chức đầu tiên”, anh Lại Văn Quân chia sẻ.
Còn anh Nguyễn Văn Dũng, một du khách vừa du lịch tại Hà Giang trong các ngày 5-7/11 thì cho biết: “Các vùng xanh tại Hà Giang vẫn đón khách du lịch nhưng đi qua Tuyên Quang phải có giấy chứng nhận test PCR và cam kết chạy không dừng trên địa bàn, khai báo y tế qua ứng dụng VNEiD của Bộ Công an. Lúc về, chúng tôi cũng phải làm test nhanh tại Hà Giang rồi mới qua được qua Tuyên Quang về Hà Nội”.
Sau hơn 6 tháng ngừng hoạt động, từ cuối tháng 10 và đầu tháng 11, một số chương trình du lịch đã được khởi động lại. Theo đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động chương trình khôi phục lại hoạt động du lịch với tiêu chí kết nối “Xanh – xanh” trong đó “xanh” là yếu tố an toàn. Du khách và các doanh nghiệp du lịch phải hoàn thiện khá nhiều thủ tục liên quan đến tour với tiêu chí an toàn.
Anh Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng cho biết: “Các doanh nghiệp du lịch trong hội đang chào bán sản phẩm tour đi Phú Quốc theo hình thức “bong bóng” khép kín ở resort. Còn lại tour đường bộ vừa làm vừa nghe ngóng. Nếu thực hiện, phải thực hiện nghiêm theo quy định phòng dịch”.
Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch): Sau Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về 4 cấp độ dịch và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng ra văn bản số 3862/HD-BVHTTDL hướng dẫn tạm thời việc thực hiện Nghị quyết số 128/NQCP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Theo đó, hướng dẫn có đề cập các yêu cầu với việc xét nghiệm y tế, yêu cầu với cơ sở kinh doanh du lịch tại các địa bàn theo cấp độ dịch, yêu cầu đối với khách du lịch, khách sử dụng dịch vụ du lịch và người đến liên hệ, làm việc với cơ sở kinh doanh du lịch …
“Trong quá trình khôi phục du lịch, việc tạo ra sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu thay đổi của du khách có vai trò quan trọng. Để làm được điều này thì các địa phương, doanh nghiệp cùng Tổng cục Du lịch đồng hành cùng nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo lực lượng mới, tiếp cận mới”, ông Nguyễn Quý Phương chia sẻ.
Kết nối dịch vụ, chuẩn bị nhân lực
Để thực hiện chương trình khôi phục du lịch, Hiệp hội du lịch Việt Nam và Sở VHTTDL Hà Giang đã tổ chức đoàn khảo sát vòng cung cao nguyên đá Đồng Văn. Tiếp theo, Hiệp hội cũng đã phối hợp với các địa phương khảo sát tại Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang) để kết nối dịch vụ.
“Sau 4 lần dịch bùng phát trong cộng đồng, hoạt động du lịch gần như tê liệt. Các doanh nghiệp gần như kiệt quệ nên hoạt động du lịch sẽ không có chương trình kích cầu như trước, mà chỉ có sự liên kết hỗ trợ nhau để sao có sản phẩm du lịch an toàn, phù hợp với thực tế của từng địa phương. Cùng với đó là những doanh nghiệp du lịch lớn cũng đang âm thầm chuyển đổi, đổi mới công nghệ”, đại diện Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết.
Giới thiệu những nét đặc sắc du lịch bản làng dân tộc tại Hà Giang.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: “Trong trạng thái bình thường mới, Hà Giang cũng phân vùng dịch theo cấp độ mà Bộ Y tế đã hướng dẫn. Với những vùng xanh, các điểm du lịch vẫn được hoạt động và đảm bảo phòng dịch”.
Trong khi đó, ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhìn nhận, việc khôi phục kinh tế bao gồm cả ngành du lịch, đóng thì dễ, mở mới khó. Hiện thị trường du lịch có 3 xu hướng, khách du lịch có nhu cầu đi theo nhóm nhỏ, đi gần và đi xa. Điều này cho thấy, du khách thích trở về thiên nhiên, sinh thái, du lịch biển là xu thế phù hợp.
Nhằm tạo sự an tâm, thoải mái cho du khách, tỉnh Quảng Bình ban hành văn bản khung về khôi phục du lịch trong trạng thái “bình thường mới”, theo đó Quảng Bình ban hành hướng dẫn an toàn về y tế, theo tinh thần của Chính phủ; không cách ly y tế đối với khách đã tiêm 2 mũi vaccine, khách khỏi bệnh thì tự theo dõi y tế tại nhà hoặc tại cơ sở lưu trú với điều kiện cơ quan y tế giám sát chặt chẽ.
“Quảng Bình thực hiện thí điểm du lịch trọn gói “1 cung đường, 2 điểm đến” từ những địa phương khác tới tỉnh. Hy vọng ngành du lịch sẽ có tín hiệu khả quan trong thời gian tới”, ông Hồ An Phong cho biết.
Mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đã có kiến nghị Chính phủ về các giải pháp phục hồi du lịch.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV cho biết, đại dịch COVID-19 bùng phát đã gây thiệt hại nặng nề đối với ngành du lịch Việt Nam, làm chấm dứt chuỗi tăng trưởng trung bình ấn tượng trên 22,7%/năm về lượng khách quốc tế, 10,5% về lượng khách nội địa. Để phục hồi du lịch, Ban IV đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ nhiều nội dung để hỗ trợ các doanh nghiệp, đồng thời từng bước tạo lập kế hoạch khả thi cho việc mở cửa, phục hồi ngành du lịch thời gian tới, trong đó có việc xem xét giải pháp thiết kế một chương trình vay vốn trung và dài hạn trong khuôn khổ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 2022 – 2023 dành riêng cho các doanh nghiệp khách sạn, hàng không, du lịch và dịch vụ du lịch.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy cho rằng: Bài toán dòng tiền là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Do đó, Ban IV cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cân nhắc các biện pháp hỗ trợ như: giảm chi phí nhiên liệu, điện, nước cho hoạt động; giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp…; hoãn nộp các khoản thuế, phí với thời gian từ 12 18 tháng hoặc dài hơn; hoãn đóng và giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội, đặc biệt trong những giai đoạn cần thu hút trở lại và ổn định nguồn lao động cho ngành; giảm tiền thuê đất…
Còn ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Thời gian qua, Tổng cục đã phối hợp các địa phương để bàn thảo các giải pháp phục hồi hoạt động du lịch nội địa, trước mắt là du lịch nội tỉnh của các địa phương đã kiểm soát được dịch, tiến đến đón khách từ các địa phương khác sau khi dịch đã được kiểm soát.
Tổng cục cũng đã tham mưu cho Bộ ban hành hướng dẫn những tiêu chí cụ thể, tiến đến đón khách du lịch quốc tế. Theo đó, giai đoạn 1 (từ tháng 11/2021) thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế tại các khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn tại TP Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh. Danh mục khu vực và các cơ sở cung ứng dịch vụ được đón khách du lịch quốc tế sẽ do các địa phương lựa chọn và công bố công khai.
Ông Nguyễn Trùng Khánh cũng nhận định, ở giai đoạn đầu của quá trình phục hồi ngành du lịch, nhu cầu về lực lượng lao động du lịch sẽ vượt xa nguồn cung từ thị trường lao động do phần lớn lao động đã rời bỏ ngành này trong 2 năm qua. Chính vì vậy, nhanh chóng củng cố lại đội ngũ là việc làm cấp thiết ngay tại thời điểm này, để du lịch thích ứng tình hình mới, đáp ứng nhu cầu của du khách và nhanh chóng phục hồi.