Giữa chốn rừng già, những con voi được trút bỏ chiếc bành nặng trĩu trên lưng, tự do tự tại vui chơi, tìm kiếm thức ăn, còn du khách chỉ đứng ở xa, ngắm nhìn chúng kiếm ăn, vui chơi giữa đại ngàn.
Đưa voi về lại với rừng
Dưới tán rừng khộp, voi H’Khun A (65 tuổi) thuộc sở hữu của Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn nhởn nhơ đưa vòi với lấy những cành le non mướt đưa vào miệng. Thỉnh thoảng, cụ voi lại đưa chiếc vòi lên với lấy cành cây cao, bẻ xuống, chọn những mầm lá non đưa vào miệng tận hưởng. No cái bụng, cụ tìm đến bờ sông ngâm mình xuống dòng nước mát để tắm táp cho cơ thể sạch sẽ. Tuy đã lớn tuổi nhưng voi H’Khun A vẫn mập mạp, đi lại nhanh nhẹn.
Cách đó không xa, voi đực Y Thông Ngân (26 tuổi) đang đưa vòi bẻ cành cây xuống để ăn những phần lá non. Nó là con voi trẻ nhất ở đây, lại được thả tự do trong rừng có đầy đủ thức ăn nên càng trở nên sung mãn. Thấy có người đến, như để thị uy sức mạnh, nó đưa vòi lên, quấn chặt cành cây to bằng nắm tay kéo xuống khiến cả thân cây run lên bần bật, cành cây nhanh chóng bị bẻ gãy ngang.
Voi cái H’Khun A kiếm ăn trong Vườn Quốc gia Yok Đôn. |
Anh Vũ Đức Giỏi, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ VQG Yok Đôn cho biết, đơn vị sở hữu 3 con voi. Từ ngày voi được đưa vào thả trong rừng để tự do kiếm ăn, không phải chở khách như trước đây thì thể trạng, sức khỏe, tâm lý của chúng thay đổi tích cực. Do nguồn thức ăn trong rừng dồi dào, lại có nhiều thời gian để tìm kiếm thức ăn đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể, đặc biệt có điều kiện ăn được những cây thuốc để chữa trị một số loại bệnh nên sức khỏe voi tốt hơn nhiều.
Theo anh Giỏi, trước đây voi thuộc sở hữu của Vườn cũng phải chở khách du lịch, tuy nhiên từ năm 2014, nhận thấy việc này ảnh hưởng đến sức khỏe của voi nên Vườn đã tổ chức tour học làm quản tượng để từng bước giảm thiểu việc cưỡi voi. Đặc biệt, từ tháng 7/2018, Vườn phối hợp với Tổ chức Động vật châu Á, chuyển đổi mô hình du lịch từ cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi. Đó là đưa voi thả về với rừng, cho voi ăn uống, đi lại, sinh hoạt trong không gian rừng hoang dã và du khách có nhu cầu sẽ được đưa vào tận nơi để ngắm voi, tìm hiểu kiến thức về voi và hệ động thực vật của VQG Yok Đôn. “Ban đầu, loại hình du lịch này chỉ có du khách nước ngoài lựa chọn, tuy nhiên sau một thời gian đã có nhiều du khách trong nước tìm đến trải nghiệm, tận hưởng những điều lý thú khi ngắm voi giữa rừng già”, anh Giỏi chia sẻ.
Cưỡi voi sẽ trở thành… ký ức
Không chỉ riêng 3 con voi ở VQG Yok Đôn, hy vọng những con voi nhà ở Đắk Lắk trút bỏ chiếc bành nặng trịch trên lưng lại một lần nữa được thắp lên khi Bản ghi nhớ hợp tác về xây dựng mô hình du lịch thân thiện với voi giữa UBND tỉnh và Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia Foundation) được ký kết giữa tháng 12/2021.
Theo thỏa thuận hợp tác, tỉnh Đắk Lắk sẽ hạn chế tối đa, hướng tới không tổ chức các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi voi nhà gồm: Du lịch cưỡi voi; các hội thi như: voi bơi, voi đá bóng, voi chạy, voi kéo co, voi diễu hành nhiều giờ trên đường nhựa hoặc bê tông, dùng voi để tái hiện cảnh săn bắt và thuần dưỡng voi. Tổ chức Động vật châu Á sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Trung tâm Bảo tồn voi 231.000 USD để thực hiện công tác bảo tồn voi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2026.
Voi đực Y Thông Ngân tự do đi lại, kiếm ăn trong VQG Yok Đôn. |
Ông Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam cho rằng, đơn vị tiến hành các hoạt động hỗ trợ công tác bảo tồn voi tại tỉnh Đắk Lắk từ năm 2014 đến nay. Chúng tôi nhận thấy, việc khai thác voi trong lĩnh vực du lịch đã quá mức. Voi phải đi lại thường xuyên để phục vụ du khách, không có thời gian nghỉ ngơi nên sức khỏe ngày càng giảm, vì vậy chúng tôi mạnh dạn đề xuất với UBND tỉnh chuyển đổi mô hình du lịch để cho chúng cơ hội tái sinh. Khi được thả tự do trong rừng, sức khỏe của chúng được cải thiện, có thời gian để voi đực và voi cái giao lưu với nhau, từ đó voi có khả năng sinh sản trở lại, đảm bảo cho việc bảo tồn đàn voi nhà lâu dài cho tỉnh Đắk Lắk.
Cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, trong những năm qua tỉnh Đắk Lắk cũng đã nỗ lực cải thiện phúc lợi cho voi. Mới đây, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND, ngày 17/12/2021 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết số 78/2012/NQ-HĐND ngày 21/12/2012 về việc quy định một số chính sách về bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk. “Cùng với việc bố trí kinh phí hỗ trợ cho voi nhà sinh sản, tỉnh cũng bố trí kinh phí để hỗ trợ cho các chủ voi là các tổ chức, hộ gia đình không còn khả năng chăm sóc, tự nguyện giao lại cho Trung tâm Bảo tồn voi chăm sóc, phục vụ nghiên cứu sinh sản, bảo tồn nguồn gen, bảo tồn phát triển bền vững đàn voi nhà trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tỉnh hỗ trợ kinh phí để cùng với nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, giúp chủ voi chuyển đổi hình thức du lịch cưỡi voi chuyển sang hình thức khai thác du lịch thân thiện với voi”, ông Đỗ Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết.