Ngay sau khi có quyết định mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15.3, Việt Nam được khen là có chính sách thông thoáng, linh hoạt, cởi mở và có khả năng cạnh tranh cao.
Thế nhưng bên cạnh đó, cũng xuất hiện hàng loạt các vấn đề cần phải đối mặt và giải quyết liên quan đến cung cấp dịch vụ, nguồn nhân lực…
Nhiều nơi vẫn hoạt động cầm chừng
Từ thực tế phục vụ khách du lịch, trong thời gian qua, đặc biệt là từ khi mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới. Các doanh nghiệp cho rằng, vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là đảm bảo chất lượng cơ sở vật chất, dịch vụ và nguồn nhân lực. Sau dịch Covid-19, xu hướng tự đặt dịch vụ của người dân nhiều hơn so với trước đây. Lấy ví dụ, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, có rất nhiều người theo xu hướng này. Tuy nhiên, do lượng khách tăng cao đột biến, các cơ sở kinh doanh du lịch lại chưa có sự chuẩn bị kỹ, nhân lực thiếu hụt vì khi xuất hiện dịch đã chuyển sang nghề khác nên nhiều nơi quá tải, dịch vụ không đảm bảo.
Ngay cả hiện nay, vấn đề đó vẫn đang vướng. Nhiều nơi vẫn hoạt động cầm chừng, vừa làm vừa nghe ngóng, thậm chí có nhiều doanh nghiệp chưa mở cửa lại, chưa sẵn sàng đón lượng khách đông. Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Chi hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam- VCTC cho biết, đến nay, nhiều nơi vẫn chưa kịp chỉnh trang lại cơ sở vật chất sau khoảng thời gian dài nghỉ dịch. Trước đây, có thể chúng tôi chỉ cần gọi điện cho đối tác để đặt dịch vụ, nhưng bây giờ có khi phải đi tận nơi để kiểm tra lại, thậm chí trải nghiệm dịch vụ xem có đảm bảo không.
Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội cho biết, đã xuất hiện những tình trạng khách đi về than phiền. Chúng tôi cũng đã đi khảo sát một số nơi, chưa làm được gì mới. Trong khi đó, 2 năm dịch giã, cơ sở vật chất bị bỏ không, không có khách, xuống cấp rất nhiều, nhân viên không có, khách phải đợi rất lâu mới lấy được phòng hoặc được phục vụ ăn uống. Từ những điều rất nhỏ nhưng nếu chúng ta không đảm bảo, chu đáo cũng sẽ ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Theo ông Thắng, đang có xu hướng, du khách từ tự đi lại chuyển sang việc chọn dịch vụ, đặt tour của các công ty lớn, dịch vụ ổn định, giá cả phù hợp với dịch vụ. Ông Thắng cho rằng, không nên cuốn theo việc kích cầu giảm giá mà hướng đến kích cầu giữ chất lượng dịch vụ. Giá có thể giữ hoặc có một số dịch vụ (không phải tour trọn gói) giảm 20- 30% nhưng đảm bảo chất lượng dịch vụ. “Việc liên kết giữa các đơn vị cũng đang gặp vấn đề dẫn đến kết nối tuyến sản phẩm không thành công. Có thể mất hết mùa hè này mọi thứ mới có thể đi vào quỹ đạo ổn định”, ông Thắng nhận định.
Ông Nguyễn Quang Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành quốc tế Tictour cho rằng, đến giờ, các doanh nghiệp không còn lực để giảm giá kích cầu nữa. Vì thế, cũng không có chuyện giảm giá giữ nguyên chất lượng được. Giá nào thì chất lượng đó. Hiện nay khách hàng đang tập trung mua những gói sản phẩm nghỉ dưỡng, đi theo nhóm nhỏ, gia đình, ít di chuyển tham quan mà ở các resort cao cấp. Ngay trong Hội chợ VITM 2022 vừa qua, những sản phẩm thiên về nghỉ dưỡng cao cấp, giá hợp lý có sức hút rất lớn với khách. Sản phẩm của chúng tôi đợt này sau khi khảo sát lại dịch vụ, đánh giá thị trường đã đưa vào các gói nghỉ dưỡng, combo bao gồm khách sạn, ăn uống và các điểm tham quan tiêu biểu hoặc combo vé máy bay và phòng khách sạn…
Làm gì để chuẩn hoá nguồn nhân lực?
Theo ông Nguyễn Quang Thắng, để việc mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới cả ở thị trường quốc tế và nội địa hiệu quả, ngành Du lịch và các doanh nghiệp cần tính toán ngay, giải bài toán nguồn nhân lực, cơ sở vật chất sau dịch. Hiện nay, phần lớn nhân lực của ngành Du lịch đã chuyển sang lĩnh vực khác như bất động sản, bảo hiểm, thương mại điện tử, bán hàng online… Còn lại những người làm du lịch hiện nay phải là những người rất yêu nghề. Vì thế, để nhân lực đã đi quay lại đầy đủ là rất khó, đòi hỏi doanh nghiệp phải chuẩn bị, đào tạo lại lực lượng kế cận và bù đắp vào chỗ thiếu đó. Với tốc độ hồi phục như hiện nay, ngành Du lịch đang phục vụ cả những nhóm đối tượng nhỏ, đến các đoàn khách lớn hàng nghìn người thì việc chuẩn bị phải ngay từ bây giờ.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng nhấn mạnh, vấn đề đặt ra lúc này là tập hợp nguồn nhân lực như thế nào để phục hồi và phát triển trở lại, cần có giải pháp gì để phát triển nguồn nhân lực phù hợp với tình hình mới? Theo ông Bình: “Hiện nay, đã có rất nhiều thay đổi về tư duy và hành động trong phát triển du lịch. Vấn đề bảo vệ môi trường, chuyển đổi số cần phải bổ sung trong đào tạo, có thêm kiến thức mới cho nhân lực của Ngành để phục hồi và phát triển”.
Ông Lê Anh Tuấn, Vụtrưởng VụĐào tạo (BộVHTTDL) cho biết: “Vừa qua, Bộ VHTTDL cũng đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển nguồn nhân lực du lịch thích ứng với tác động của đại dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2030. Trong đó đặt ra mục tiêu phát triển nguồn nhân lực du lịch với quy mô số lượng, cơ cấu và chất lượng đáp ứng yêu cầu phục hồi ngành Du lịch phù hợp với từng giai đoạn cụ thể; hướng tới đáp ứng yêu cầu phát triển sau khi phục hồi và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hình thành cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực du lịch làm căn cứ để tổ chức quản lý, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch cho từng giai đoạn cụ thể đáp ứng yêu cầu phát triển ngành”.
“Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi người lao động du lịch đã có kinh nghiệm quay trở lại làm việc, đáp ứng yêu cầu tổ chức kinh doanh phục vụ khách du lịch. Xây dựng, triển khai Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn nhân lực du lịch Việt Nam sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trong nước và du lịch nội địa được hoạt động trở lại. Tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng kết hợp với đào tạo mới nguồn nhân lực du lịch đảm bảo yêu cầu bổ sung đủ nhân lực đáp ứng với từng cấp độ phục hồi du lịch phù hợp với các lĩnh vực kinh doanh, các địa phương trong cả nước. Việc đào tạo cần chú trọng đến kiến thức, kỹ năng chuyên môn, năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm thích ứng với bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi”, ông Lê Anh Tuấn nói.