Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế mang đến nhiều cơ hội giúp toàn bộ chuỗi cung ứng du lịch được hưởng lợi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ phải tốn nhiều thời gian hơn dự kiến nếu lực lượng lao động không nhanh chóng được ổn định…
Những tín hiệu lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý 2 là động lực giúp cho thị trường lao động tiếp tục khởi sắc. Đặc biệt, những ngành đã gần như “đóng băng” trong hai năm qua như du lịch, lưu trú, dịch vụ… cũng đang tăng tốc tuyển dụng nhân sự để phục hồi kinh doanh trong quý 2 và đón thời điểm khách quốc tế quay trở lại đông, dự kiến vào quý 4/2022.
Sự thay đổi lớn nhất trên thị trường lao động trong quý 2 là sẽ có một cuộc “đại tuyển dụng” trong ngành du lịch. Hiện mỗi ngày Hotel Job, một trong những trang web tuyển dụng hàng đầu ngành du lịch Việt Nam, có 150 thông tin tuyển dụng từ các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khu vui chơi và hơn 1.000 hồ sơ ứng viên cho các vị trí quản lý, buồng, bàn, bếp… Ông Lê Quốc Việt, Giám đốc đơn vị vận hành trang, cho biết nhu cầu tuyển nhân sự tăng gấp đôi so với nhu cầu trong quý 1 và cũng gấp đôi so với cùng kỳ trước dịch. Bước sang quý 2, lượng hồ sơ đã tăng gấp ba lần và hiện truy cập trang vẫn trên đà tăng mạnh.
Ông Phạm Văn Thuỷ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, dùng từ “cấp bách” khi nói về việc tuyển dụng nhân sự. “Hiện nay từ khu vực miền Trung trở ra, nhân sự thiếu trầm trọng vì phần lớn người lao động đã ổn định với nghề mới, thậm chí thu nhập cao hơn. Tuyển dụng là bài toán cần giải từ các địa phương, cơ quan quản lý, đến khu điểm du lịch, đòi hỏi đánh giá lại và có chính sách phối hợp với trường đào tạo nghề để có chiến lược cụ thể,” ông Thủy nói.
Tuy còn giữ được gần như toàn bộ nhân sự như thời điểm năm 2020, nhưng Hanoitourist đang khó khăn trong việc tuyển thêm nhân sự có kinh nghiệm. Ông Lê Hồng Thái, Phó giám đốc Hanoitourist, cho biết: “Ngoài những nhân sự cũ còn ở lại, chúng tôi phải chấp nhận tuyển mới và đào tạo tại chỗ, vì tuyển được lao động có kinh nghiệm rất khó khăn. Doanh nghiệp đang cần tuyển thêm 15% nhân sự để phục vụ cho hoạt động của công ty khi thị trường du lịch sôi động trở lại”.
Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc VietSense Travel, cho biết sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, công ty chỉ còn khoảng 30% nhân sự là lực lượng nòng cốt, vì vậy cần tuyển thêm nhiều để chuẩn bị cho mùa hè này. Để chuẩn bị cho kế hoạch phục hồi sau dịch, từ đầu tháng 3, Công ty Image Travel & Events tại TP.HCM đang cố gắng đăng tin trên nhiều diễn đàn lớn, chấp nhận bỏ chi phí đăng tin quảng cáo để tuyển nhân lực. Thế nhưng, sự nỗ lực này không hiệu quả, nhân sự ứng tuyển chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Không chỉ thiếu nhân sự cho bộ phận lữ hành, mà hiện nay, những điểm đến, nhà hàng, khách sạn cũng khát nhân lực. Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng, hai năm qua ngành du lịch đóng băng nên phần lớn người lao động đã nghỉ việc hoặc tìm kiếm cơ hội khác. Khi ngành du lịch mở cửa lại, các doanh nghiệp sẽ thiếu hụt lao động chất lượng cao.
“Vấn đề nhân sự sẽ rất nóng khi ngành du lịch được hồi phục. Đơn cử như cụm khách sạn Ariyana Beach Resorts & Suites Đà Nẵng có 1.600 phòng. Khi mở cửa sẽ phải cần tới hơn 1.000 nhân viên, và việc tuyển dụng chắc chắn sẽ rất khó khăn,” ông Quỳnh dẫn chứng. Tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng kiến nghị Trung ương nên có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo cho cán bộ nhân viên của các doanh nghiệp lưu trú thông qua các học viện, còn các địa phương nên có kinh phí hỗ trợ về tiền thuê nhà, tiền tàu xe cho những nhân viên ngoại tỉnh quay lại làm việc…
Các chuyên gia du lịch cho rằng ngay lúc này chúng ta cần cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi người lao động du lịch đã có kinh nghiệm quay trở lại làm việc, đáp ứng yêu cầu tổ chức kinh doanh phục vụ khách du lịch; tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng kết hợp với đào tạo mới nhân lực du lịch đảm bảo yêu cầu bổ sung đủ nhân lực đáp ứng với từng cấp độ phục hồi du lịch phù hợp với các lĩnh vực kinh doanh, các địa phương trong cả nước…
Bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, nhận định: “Trong điều kiện bình thường mới, cần rà soát nguồn nhân lực du lịch, nhận diện rõ những hạn chế, yếu kém, thiếu hụt về chuyên môn nghiệp vụ của từng bộ phận; nghiên cứu nhu cầu thị trường, dự báo phát triển du lịch để tính toán nhu cầu đào tạo tập trung, đào tạo tại chỗ, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo của từng địa phương, cơ sở.”
Cùng với đó, theo bà Bình, cần có chính sách về lương, môi trường làm việc… tốt, cho người lao động hưởng lương theo bậc, năng lực để khuyến khích họ nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề.
Trong khi đó, tại Hội thảo “Khôi phục và phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh bình thường mới” vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhận định sau Covid-19 chỉ có một bộ phận nhân lực của ngành là được qua đào tạo, còn đào tạo nhân lực mới, nhân lực trẻ bổ sung hiện đang gặp khó khăn. Bởi ngay việc đào tạo này cũng cần có thời gian thực hiện và bồi đắp.
Theo khảo sát và đánh giá của một số chuyên gia, hiện công tác bồi dưỡng, đào tạo nhân lực du lịch mới còn nhiều bất cập. Đáng nói, một số chương trình giảng dạy cũng như bài giảng của giảng viên không có tính thực tế, ảnh hưởng tới chất lượng đầu ra lực nhân sự du lịch.
Từ góc độ đào tạo, GS. TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo thuộc Hiệp hội Du lịch, cho rằng giải pháp tình thế, các doanh nghiệp du lịch cần phối hợp với trường đại học, cao đẳng, trung tâm đào tạo nghề để tuyển dụng tạm thời. Trong trường hợp doanh nghiệp lữ hành thiếu hướng dẫn viên thì có thể ký hợp đồng với sinh viên trường ngoại ngữ và đào tạo cấp tốc chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng theo từng tour.
Về lâu dài, ông Đính cho rằng cần xây dựng hệ thống dữ liệu của nhân sự, thông tin của doanh nghiệp để họ kết nối với nhau. Chính phủ và doanh nghiệp thành lập đường dây nóng để doanh nghiệp và lao động dễ dàng tiếp cận chương trình hỗ trợ. Và điều quan trọng là cần có chính sách thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực du lịch có kinh nghiệm quay lại, trong đó có bao gồm môi trường làm việc, chính sách lương theo cấp bậc… Sau khi trở lại cần đảm bảo họ nhận được những hỗ trợ theo các chính sách đã ban hành của Chính phủ.
Theo Hội đồng Lữ hành thế giới (WTTC), chỉ trong hai năm 2020 – 2021, đại dịch đã làm mất đi 62 triệu/334 triệu việc làm trong ngành du lịch. Nhiều tổ chức quốc tế và các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cũng khuyến cáo, rất dễ xảy ra khủng hoảng nguồn nhân lực du lịch khi đại dịch đi qua và mỗi quốc gia nên có sự chuẩn bị để không phải đối mặt với việc này.