Khó tránh khỏi việc thiếu nguồn nhân lực Du lịch giai đoạn mở cửa
Việt Nam nằm trong top những nước mà ngành du lịch mất nhiều việc làm nhất do đại dịch. Theo thống kê trong năm 2021, gần 60% lao động mất việc làm hoặc cắt giảm lao động; gần 90% doanh nghiệp lữ hành quốc tế dừng hoạt động.
Tại TP. Hà Nội, thống kê trong năm 2021 cho thấy, số lao động ngành Du lịch nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động ước khoảng 11.600 người; Số lao động tạm thời không có việc làm khoảng 21.500 người.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Đính – Hiệp hội Du lịch Việt Nam, có một thực tế là sau đại dịch đã có một lực lượng lao động du lịch không nhỏ sẽ chuyển nghề, hơn nữa một lực lượng lao động có thâm niên, có kinh nghiệm, có trình độ cao cũng đã chuyển nghề và đã ổn định công việc khác. Như vậy, việc thiếu nhân lực trong ngành du lịch, kể cả nhân lực có chất lượng cao là không thể tránh khỏi khi Việt Nam mở cửa và phục hồi ngành du lịch.
Chương trình hành động phát triển Du lịch giai đoạn 2021 – 2025 đặt ra mục tiêu cụ thể, đó là đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu đón được ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 12 – 14%/năm và khách nội địa từ 6 – 7%/năm. Du lịch sẽ tạo ra khoảng 5,5 – 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp. Tổng thu từ Du lịch đạt 1.700 – 1.800 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay, để thực hiện được điều này, cần giải quyết nhiều vấn đề một cách đồng bộ và cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương…, trong đó giải quyết vấn đề nguồn nhân lực là một trong những vấn đề cốt lõi.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Để giải bài toán khan hiếm nguồn nhân lực cho ngành Du lịch hiện nay, GS.TS Nguyễn Văn Đính cho rằng cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm trong giai đoạn phục hồi và phát triển.
Theo đó, cần có kế hoạch tổng thể trong việc thu hút lao động lao động trở lại làm việc và tuyển dụng lao động mới làm việc tại các cơ sở du lịch. Các doanh nghiệp du lịch và tổ chức liên quan cần phải thực hiện một số giải pháp như: Xây dựng hệ thống dữ liệu về lao động của doanh nghiệp trong đó có các dữ liệu về lao động đã làm việc tại doanh nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động cụ thể đối với các vị trí việc làm hiện tại và tương lai và các thông tin liên quan khác.
Đồng thời, liên kết các thông tin của doanh nghiệp với các cơ quan quản lý liên quan và với các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.., các cơ quan quản lý các địa phương, nhất là các địa phương có nhiều lao động làm việc tại doanh nghiệp và đặc biệt là liên kết với người lao động để họ có thông tin về doanh nghiệp và có cơ hội tìm việc làm mới hoặc quay trở lại làm việc.
Doanh nghiệp du lịch cần phối hợp với các cơ sở đào tạo du lịch như các trường đại học, cao đẳng, các trường, các trung tâm đào tạo nghề du lịch để tuyển dụng lao động lâu dài hoặc tạm thời phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Một trong những giải pháp quan trọng tiếp theo đó là đào tạo mới và đào tạo lại cho người lao động. Theo GS.TS Nguyễn Văn Đính, đối với lực lượng lao động mới tuyển dụng, doanh nghiệp du lịch cần phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các cơ sở đào tạo để đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cũng như kỹ năng nghề nghiệp để nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch. Về an toàn du lịch trong điều kiện bình thường mới, cần chú ý trang bị bổ sung những kiến thức, kỹ năng cho người lao động khi đón khách du lịch nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, cho nhân viên du lịch và cho cộng đồng dân cư điểm đến.
Đối với lực lượng lao động cũ trở lại làm việc, cần đào tạo bổ sung những kiến thức, kỹ năng chuyên môn mới và bổ sung các kiến thức như lực lượng lao động mới đã nói trên.
Bên cạnh đó, cần trang bị, đào tạo những kiến thức về công nghệ số, chuyển đổi số trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và đại dịch COVID-19 bởi nó tạo điều kiện cho một bộ phận lao động nói chung và trong du lịch nói riêng có thể mở rộng quan hệ hợp tác và liên kết kinh tế và du lịch cũng như làm các công việc chuyên môn thường ngày mà không cần di chuyển đến công sở, tiết kiệm được hao phí lao động và chi phí kinh doanh, nâng cao được năng suất lao động.
Cùng với đó là đảm bảo điều kiện sống, điều kiện làm việc và an toàn cho người lao động trong điều kiện bình thường mới: Tạo điều kiện hỗ trợ người lao động và gia đình họ nơi ăn, chốn ở để họ yên tâm làm việc trong giai đoạn đầu Ban quản lý doanh nghiệp, Tổ chức Công đoàn… cần phối hợp để tiếp xúc, đối thoại với người lao động để giải quyết kịp thời những khó khăn của người lao động./.