Du lịch nông nghiệp là một hướng đi mới, bền vững. Khai thác tốt tiềm năng ở lĩnh vực này sẽ góp phần phát huy lợi thế của sản xuất nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.
Nhiều lợi thế
Năm 2021, thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, anh Cáp Minh Phụng (ngụ TP. Hồ Chí Minh) đã quyết định bỏ phố về quê vợ ở xã Ea K’pam (huyện Cư M’gar) để đầu tư, gây dựng du lịch nông nghiệp. Vốn có nhiều năm hoạt động ở lĩnh vực này, anh Phụng nhìn nhận, du khách đang có xu hướng tìm về với thiên nhiên nhiều hơn và ưa chuộng loại hình du lịch sinh thái.
Trong khi đó, huyện Cư M’gar có nhiều tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch homestay, nhất là loại hình du lịch miệt vườn với đầy đủ cây trái như cà phê, cao su, sầu riêng, bơ; du lịch sinh thái xung quanh hồ Buôn Joong và khám phá bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số…
Nghĩ là làm, anh quyết định đầu tư xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, trong đó tập chú trọng trồng hoa, làm hồ bơi, xây dựng homestay, mua sắm trang thiết bị để phục vụ các hoạt động trải nghiệm của du khách. Anh còn lên kế hoạch liên kết với các hộ dân trong vùng để đưa những sản phẩm chủ lực, đặc sắc đến với du khách. Sự đầu tư này nhằm đón đầu khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, ngành du lịch khôi phục hoạt động thì điểm đến của gia đình anh sẽ được phát huy.
Hồ thủy điện Sêrêpốk 3 có nhiều lợi thế để khai thác du lịch. Ảnh: Đ. Đang |
Tương tự, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và du lịch Phú Nông (huyện Buôn Đôn) hoạt động đa ngành nghề. Ngành nghề chính hiện nay là nuôi cá lồng bè trên hồ thủy điện Sêrêpốk 3. Đang trong giai đoạn ổn định sản xuất, xây dựng thương hiệu thì HTX bị bủa vây bởi muôn vàn khó khăn do dịch COVID-19, sản phẩm không có đầu ra, giá thành thấp trong khi chi phí đầu vào tăng cao. Với lợi thế lòng hồ thủy điện có 2.000 ha mặt nước với 5 đảo lớn, nhỏ, HTX đã chuyển hướng khai thác tài nguyên này làm du lịch nông nghiệp và coi đây là hướng đi mới để phát triển bền vững. Thời gian qua, HTX đã đầu tư làm đường đi vào các khu vườn, khu sản xuất; trồng cây xanh, cây ăn trái các loại, làm nhà sàn, nhà chòi, nơi lưu trú, các khu nghỉ dưỡng quanh bờ hồ thủy điện Sêrêpốk 3 và trên các đảo trong lòng hồ để hình thành hệ sinh thái du lịch trải nghiệm nông nghiệp với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng.
Trên thực tế, Đắk Lắk có tiềm năng lớn để khai thác giá trị cảnh quan thiên nhiên, các tập quán canh tác sản xuất cùng bản sắc văn hóa đa dạng, độc đáo của 49 dân tộc để phát triển du lịch. Đặc biệt, là tỉnh sản xuất nông nghiệp với những sản phẩm đặc hữu như cà phê, tiêu, ca cao, sự đa dạng của cây ăn trái… việc tận dụng tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, hoạt động sản xuất nông nghiệp để tạo dựng một nền nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái xanh, sạch, trải nghiệm là hoàn toàn có thể. Từ đó tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn, nâng cao đời sống người dân. Phát triển du lịch dựa trên tài nguyên nông nghiệp cũng là một cách làm tăng thêm giá trị cho nông sản địa phương.
Xây dựng tiền đề để phát triển
Trong Đề án “Phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030”, tỉnh Đắk Lắk cũng xác định, ưu tiên phát triển loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, lịch sử để khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa truyền thống trên địa bàn. Theo đó, sẽ ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng vườn rừng kết hợp du lịch trải nghiệm, nông nghiệp với du lịch tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch. Đồng thời, hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn, nông trại trên địa bàn huyện Lắk, Buôn Đôn, TP. Buôn Ma Thuột…
Khung cảnh thơ mộng khu vực hồ thủy điện Sêrêpốk 3 sẽ là điểm đến thú vị với nhiều người. Ảnh: Đ. Đang |
Để thúc đẩy hoạt động này, ngày 13/8/2021, HĐND tỉnh cũng đã thông qua Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, các thôn, buôn có đủ điều kiện như có điểm tham quan lịch sử văn hóa, tín ngưỡng; có cây trồng đặc sản và thực hành hoạt động nông nghiệp; có cảnh quan vùng nông thôn, vùng đồi núi, khu vực thiên nhiên còn giữ được nét hoang sơ; các đặc sản ẩm thực địa phương… sẽ được mức hỗ trợ về kinh phí cải tạo cảnh quan, xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm; đầu tư ban đầu hệ thống thu gom, xử lý rác thải; tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch…
Trên cơ sở định hướng về phát triển du lịch của tỉnh, riêng tại huyện Buôn Đôn đã đề ra nhiều biện pháp để khai thác mạnh mẽ thế mạnh, tiềm năng của địa phương về du lịch. Theo UBND huyện Buôn Đôn, huyện đã thúc đẩy thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển lĩnh vực này, tập trung quy hoạch và đầu tư các trang trại nông nghiệp, thủy sản và các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; tăng cường kết nối các khu, điểm du lịch sinh thái, văn hóa, nông nghiệp thành chuỗi các điểm đến để du khách tham quan, nghỉ dưỡng. Mặt khác, huyện chú trọng đầu tư hình thành vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp chất lượng cao để sớm hình thành các vườn trái cây sạch, cây nông nghiệp chất lượng cao kết hợp chặt chẽ với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của ngành nông nghiệp…
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm gần đây các địa phương, đơn vị có thế mạnh đang khai thác tiềm năng du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để bền vững, hoạt động này cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, địa phương và sự hưởng ứng tích cực của các đơn vị kinh doanh du lịch, cộng đồng dân cư để mô hình chuyên nghiệp và thu hút hơn. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho loại hình du lịch nông nghiệp.